Phát hiện nước bên trong các hạt thủy tinh trên Mặt trăng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:55, 28/03/2023
Phát hiện này được cho là một trong những bước đột phá quan trọng nhất đối với các cơ quan vũ trụ đặt mục tiêu xây dựng căn cứ trên Mặt trăng, vì điều đó có nghĩa là ở đây có thể có cả nước lẫn hydro và oxy.
Mahesh Anand, Giáo sư khoa học hành tinh và thám hiểm tại Đại học Mở Anh cho biết: "Đây là một trong những khám phá thú vị nhất mà chúng tôi đã thực hiện. Với phát hiện này, tiềm năng khám phá Mặt trăng một cách bền vững cao hơn bao giờ hết".
Anand và một nhóm các nhà khoa học Trung Quốc đã phân tích các hạt thủy tinh từ các mẫu đất trên Mặt trăng được sứ mệnh Hằng Nga-5 của Trung Quốc đưa về Trái đất vào tháng 12.2020. Các hạt này có đường kính chưa đến 1 milimet, hình thành từ việc Mặt trăng bị các thiên thạch nhỏ bắn phá dẫn đến hình thành các hạt thủy tinh. Nhiệt sinh ra do va chạm làm tan chảy vật liệu bề mặt xung quanh, trước khi nguội đi và tạo thành các hạt. Các thử nghiệm trên các hạt thủy tinh cho thấy rằng chúng cùng nhau chứa một lượng nước đáng kể.
Khám phá mới phù hợp với nhận định trong vài thập kỷ qua rằng Mặt trăng không hề khô cằn, trái ngược với niềm tin trước đó là nó không có nước. Vào những năm 1990, tàu quỹ đạo Clementine của NASA đã tìm thấy bằng chứng về nước đóng băng trong các miệng hố sâu, dốc đứng gần các cực của Mặt trăng.
Nghiên cứu mới nhất được công bố trên tạp chí Nature Geoscience, chỉ ra rằng nước, bao gồm các phân tử hydro và oxy, được lưu trữ trong các hạt, hoạt động giống như một miếng bọt biển. Theo ông Anand, hydro cần thiết để tạo ra các phân tử nước và nó đến từ gió mặt trời.
Trong khi đó, oxy chiếm gần một nửa Mặt trăng và bị mắc kẹt bên trong đá và khoáng chất. Theo Anand, nhiệt độ khoảng 100 độ C là đủ để chiết xuất nước từ các hạt.
Theo đó, các nhà nghiên cứu cho biết, một vòng tuần hoàn nước bền vững trên Mặt trăng hoàn toàn có thể tồn tại do sự tương tác thường xuyên của gió Mặt trời với bề mặt Mặt trăng.