Kế hoạch đầy tham vọng của OpenAI để bỏ xa Google và các đối thủ trong cuộc đua AI
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 13:48, 28/03/2023
Nếu bạn từng muốn sử dụng ChatGPT để lên kế hoạch cho kỳ nghỉ của mình hoặc phản hồi cho đồng nghiệp, bây giờ là thời điểm phù hợp.
Tuần trước, công ty khởi nghiệp OpenAI (Mỹ) đã ra mắt các plugin cho phép ChatGPT được tích hợp vào nhiều ứng dụng như Klarna, Expedia, Slack, Instacart, Shopify...
Không chỉ là phương tiện để mở rộng tập dữ liệu cho ChatGPT, động thái này chỉ ra OpenAI đang tích cực như thế nào trong tham vọng phát triển và trở thành người dẫn đầu không gian generative AI.
Generative AI là một trí tuệ nhân tạo mà máy tính được lập trình để tự động tạo ra nội dung mới, như văn bản, hình ảnh, âm thanh và video. Nó khác với các hệ thống AI khác như máy học sâu (deep learning) hoặc học máy (machine learning) trong việc dự đoán kết quả từ dữ liệu đã có sẵn. Thay vì dựa trên dữ liệu huấn luyện, hệ thống generative AI có khả năng tự tạo ra dữ liệu mới và phong phú hơn. Các ví dụ của generative AI bao gồm các mô hình ngôn ngữ tự động tạo văn bản, các hệ thống nhận dạng hình ảnh, video và âm thanh.
OpenAI đang đặt nền tảng để cho mọi người sử dụng ChatGPT trong cuộc sống hàng ngày, bất kể họ muốn sử dụng chatbot AI này để làm gì cho công việc và giải trí. Quan trọng hơn, OpenAI muốn làm điều này nhanh hơn đối thủ của mình.
Trong khi Google, Amazon và nhiều công ty khác đang tham gia vào cuộc đua generative AI, OpenAI rõ ràng đang đặt cược vào tốc độ của mình để có lợi thế trong cuộc chiến giành thị phần trước những đối thủ lớn hơn.
Tốc độ là chìa khóa trong cách tiếp cận của OpenAI
Đến giờ, nhiều người cũng biết về OpenAI nhờ vào sự thành công nhanh chóng của ChatGPT. Chatbot AI này đã khởi động cơn sóng tranh luận về tương lai của công việc, đạo đức AI và thay đổi động lực của lực lượng lao động công nghệ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng như vậy.
OpenAI được thành lập vào năm 2015 bởi Sam Altman (giám đốc điều hành hiện tại), Elon Musk và những người khác. Elon Musk rời khỏi hội đồng quản trị OpenAI vào năm 2018 và từ đó trở thành nhà phê bình gay gắt với công ty cũ.
OpenAI bắt đầu như một tổ chức phi lợi nhuận nhưng gây tranh cãi khi chuyển đổi thành tổ chức có lợi nhuận vào năm 2019.
Vài năm qua, OpenAI âm thầm phát hành các công cụ và mô hình AI, bao gồm cả DALL-E (biến lời nhắc văn bản thành hình ảnh).
Sau khi phát hành ChatGPT vào tháng 11.2022, OpenAI đã trở nên nổi tiếng hơn rất nhiều. ChatGPT quá phổ biến đến nỗi đã kích hoạt đợt đầu tư lớn khắp ngành về generative AI.
OpenAI đã nhanh chóng tận dụng thành công của ChatGPT. Trong vài tháng qua, OpenAI đã công bố mối quan hệ hợp tác hàng tỉ USD với Microsoft để đưa mô hình ngôn ngữ lớn GPT lên công cụ tìm kiếm Bing, sau đó ra mắt phiên bản ChatGPT Pro tính phí, cập nhật lên GPT-4 và gần đây nhất là cửa hàng plugin.
Tốc độ như vậy chứng minh các công ty như Google hiện khó theo kịp OpenAI, ngay cả khi cuộc trò chuyện trong ngành phần lớn hướng đến ý tưởng rằng ChatGPT có thể làm suy giảm thị phần công cụ tìm kiếm.
Tham vọng của OpenAI rất rõ ràng: Muốn trở thành cái tên hàng đầu trong lĩnh vực AI và những công ty khác chỉ có thể theo sau.
Giám đốc điều hành OpenAI - Sam Altman không ngại cường điệu sản phẩm của mình. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi công ty di chuyển mạnh mẽ hơn nhiều đối thủ cạnh tranh. Chu kỳ phát hành sản phẩm hoặc dịch vụ của OpenAI có xu hướng nhanh hơn so với hầu hết đối thủ. Cách tiếp cận này có một số ưu điểm, vì những công ty khác hiện phải theo kịp OpenAI thay vì ngược lại.
Google đã nhanh chóng phát hành Bard - đối thủ cạnh tranh với ChatGPT, mà một số người nói là quá nhanh. Thế nhưng, những người dùng ban đầu nói rằng Bard thiếu sự mạnh mẽ như ChatGPT. Các công ty khác đang tung ra các mô hình ngôn ngữ của riêng họ và ngay cả bản thân Elon Musk cũng muốn xây dựng một chatbot AI để thách thức công ty cũ của mình.
Chuyển động nhanh là chiến lược của OpenAI. Giờ đây, khi các cấu trúc cơ bản của ChatGPT và DALL-E (chuyển văn bản thành hình ảnh) đã được xây dựng, công ty có thể tập trung vào cải tiến và làm cho chúng mạnh mẽ hơn. Phần lớn quá trình cải thiện các mô hình AI của OpenAI là cho phép kết nối với nhiều nguồn dữ liệu hơn.
Việc cho phép các thương hiệu như Instacart và Shopify kết nối với ChatGPT giúp OpenAI không chỉ xem cách mô hình ngôn ngữ hoạt động với các yêu cầu mới trong thời gian thực để đưa vào dữ liệu đào tạo, mà còn đưa công nghệ này vào trung tâm của các ứng dụng phổ biến.
OpenAI cho biết có kế hoạch sớm đưa các plugin đến với nhiều nhà phát triển hơn.
Tuy nhiên, thành công chưa chắc đã đến. Lịch sử ngành công nghệ xuất hiện đầy những nhà tiên phong có ý tưởng đúng nhưng sau đó bị đẩy ra ngoài bởi đối thủ lớn hơn hoặc sáng tạo hơn.
Song, OpenAI không đợi đến lúc đó. Công ty muốn tiến nhanh với tham vọng vượt xa việc cải tiến ChatGPT và các mô hình AI khác. Hiện tại, chiến lược đó dường như đang thành công.
Lý do Elon Musk rời OpenAI và không vui khi ChatGPT bùng nổ
Elon Musk, Giám đốc điều hành Twitter, được cho là không vui khi ChatGPT của OpenAI ra mắt vào tháng 11.2022 và trở thành hiện tượng trên internet, các nguồn tin quen thuộc với vấn đề này nói với trang Semafor.
Nhiều năm trước, Elon Musk, nhà đồng sáng lập OpenAI đã rời khỏi công ty do các bất đồng về việc ai nên đứng đầu, và cảm giác rằng OpenAI đang tụt lại phía sau Google.
Theo Semafor, vào đầu năm 2018, Elon Musk đã đưa ra đề xuất để ông điều hành OpenAI trong nỗ lực đánh bại Google. Thế nhưng, Sam Altman và những nhà đồng sáng lập khác đã từ chối đề xuất của Elon Musk.
Điều này đã tạo ra sự rạn nứt giữa Sam Altman và Elon Musk. Vì lẽ đó, Elon Musk đã rời khỏi hội đồng quản trị OpenAI và rút tiền tài trợ trong tương lai, theo Semafor.
Thế nhưng, OpenAI cuối cùng đã nhanh hơn Google khi tung ra chatbot AI. ChatGPT ra mắt vào tháng 11.2022 và gây được tiếng vang lớn, nhanh chóng trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh lịch sử (cán mốc 100 triệu người dùng/tháng chỉ sau 2 tháng ra mắt) và thậm chí còn khiến ban quản lý Google ban hành cảnh báo “tình trạng khẩn cấp”.
Trong những tháng sau khi ChatGPT ra mắt, Elon Musk lên Twitter để bày tỏ sự thất vọng của mình với OpenAI.
Vào tháng 12.2022, Elon Musk cho biết đã hạn chế quyền truy cập của OpenAI vào cơ sở dữ liệu Twitter sau khi biết rằng nó đang được sử dụng để đào tạo mô hình ngôn ngữ GPT chạy ChatGPT, theo Semafor. Hai tháng sau, Elon Musk chỉ trích OpenAI vì đã trở thành "công ty có lợi nhuận tối đa nguồn đóng do Microsoft kiểm soát hiệu quả".
OpenAI được thành lập vào tháng 12.2015 với tư cách một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào sự phát triển an toàn và minh bạch của AI. Nó đã chuyển sang mô hình kết hợp “lợi nhuận giới hạn” vào năm 2019 với việc Microsoft trở thành nhà đầu tư lớn (lợi nhuận có thể thu được từ thỏa thuận bị giới hạn). Điều đó cho phép OpenAI "huy động vốn đầu tư và thu hút nhân viên bằng vốn chủ sở hữu giống như công ty khởi nghiệp".
Elon Musk đã chỉ trích sự thay đổi này trong OpenAI khi lưu ý vào tháng trước: “OpenAI được tạo ra như một nguồn mở (đó là lý do tại sao tôi đặt tên cho nó là OpenAI), công ty phi lợi nhuận để làm đối trọng với Google, nhưng giờ đây nó đã trở thành một công ty nguồn đóng, lợi nhuận tối đa được kiểm soát hiệu quả bởi Microsoft”.
Elon Musk thừa nhận không còn sở hữu cổ phần OpenAI nữa, không còn trong hội đồng quản trị và cũng không kiểm soát công ty theo bất kỳ cách nào. Tuy nhiên, Elon Musk có mối quan hệ tình cảm với Shivon Zilis - thành viên trẻ nhất trong hội đồng quản trị OpenAI, người sinh cho ông cặp song sinh cuối năm 2021.
Elon Musk tin rằng một trong những mối đe dọa lớn do AI gây ra là sự thao túng nó bởi các công ty đi đầu trong cuộc cách mạng này.
Elon Musk đặc biệt nhắm đến Microsoft, công ty gần đây đầu tư thêm 10 tỉ USD vào OpenAI. Đây là một khoản đầu tư đã làm tăng giá trị của công ty khởi nghiệp có trụ sở ở thành phố San Francisco (Mỹ) lên gần 30 tỉ USD.
"Tôi vẫn rất bối rối về cách tổ chức phi lợi nhuận mà tôi từng quyên góp khoảng 100 triệu USD lại trở thành công ty có giá trị vốn hóa 30 tỉ USD. Nếu điều này là hợp pháp, tại sao không ai làm như vậy? Cần hiểu thêm về cấu trúc quản trị và kế hoạch doanh thu trong tương lai của OpenAI”, ông bình luận hôm 15.3.
Đáp lại những lời chỉ trích của Elon Musk, Sam Altman nói rằng "ông ta là người khó chịu" và "sở hữu một phong cách mà tôi không muốn có cho riêng mình". Tuy nhiên, Sam Altman tin rằng Elon Musk "thực sự quan tâm đến một tương lai tốt đẹp với generative AI".
Khi được hỏi về ChatGPT tại một hội nghị, Elon Musk cho biết công cụ này "vừa tích cực vừa tiêu cực" và "có tiềm năng lớn nhưng đi kèm với đó là mối nguy hiểm lớn". Tỷ phú công nghệ cho biết ChatGPT "đã minh họa cho mọi người thấy AI đã trở nên tiên tiến như thế nào".
"AI đã phát triển được một thời gian. Nó chỉ không có giao diện người dùng mà hầu hết mọi người đều có thể truy cập được", Elon Musk nói thêm.
Ngoài ra, tỷ phú 51 tuổi cho biết AI là "một trong những rủi ro lớn nhất với tương lai của nền văn minh nhân loại".
Elon Musk hiện đang tìm cách tạo một chatbot AI để cạnh tranh với ChatGPT. Ông đã tiếp cận các nhà nghiên cứu AI thời gian qua để thành lập một phòng thí nghiệm mới phát triển giải pháp thay thế ChatGPT, theo nguồn tin từ trang The Information.
Để thúc đẩy nỗ lực này, Elon Musk đã tuyển dụng Igor Babuschkin, nhà nghiên cứu vừa rời khỏi đơn vị DeepMind AI của Alphabet (chủ sở hữu Google) chuyên về các loại mô hình máy học cung cấp sức mạnh cho các chatbot như ChatGPT. Elon Musk và Igor Babuschkin đã thảo luận về việc thành lập một đội để theo đuổi nghiên cứu AI nhưng dự án vẫn đang ở giai đoạn đầu, theo trang The Information.
Gần đây, Elon Musk từng chỉ trích OpenAI vì thiết lập các biện pháp bảo vệ để ngăn ChatGPT trả lời các câu hỏi có thể gây chia rẽ. Elon Musk ngụ ý sẽ tạo ra chatbot sẽ có ít hạn chế hơn với các chủ đề dạng này so với ChatGPT và Bing chatbot của Microsoft.
Giám đốc điều hành Tesla từng nói rằng cần có một chatbot mới và gọi nó là TruthGPT (ám chỉ chatbot trả lời đúng sự thật - PV). "Những gì chúng tôi cần là TruthGPT", Elon Musk tweet. Khi một người dùng Twitter bình luận: "Chúng ta không thể điều khiển TruthGPT", Giám đốc điều hành Twitter đáp: "Bạn có thể đúng".
Elon Musk không nói chi tiết ông định nghĩa TruthGPT như thế nào? TruthGPT nên trông giống cái gì? TruthGPT có nên áp dụng tự do ngôn luận như Elon Musk hình dung nó trên nền tảng Twitter không? Nói cách khác, TruthGPT có nên trả lời tất cả câu hỏi bất kể chủ đề là gì không? TruthGPT sẽ có bất kỳ quy tắc nào không?
Tuy nhiên, hãy nhớ rằng trong một số trường hợp, Elon Musk đã kêu gọi điều chỉnh ngành công nghiệp AI. Ông gợi ý rằng có những giới hạn trong công nghệ không nên vượt qua và chúng ta phải sử dụng nó một cách có trách nhiệm để tránh những hậu quả to lớn.
"Nếu không có sự giám sát theo quy định với AI, đây là một vấn đề lớn. Tôi đã kêu gọi quy định về an toàn cho AI trong hơn một thập kỷ!", Elon Musk viết trên Twitter vào tháng 12.2022.