Món ăn ‘giả hải sản’ giải quyết tình trạng thiếu protein toàn cầu
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:50, 28/03/2023
Cuộc khủng hoảng toàn cầu này khiến một số công ty có sáng kiến tạo ra các sản phẩm "giả hải sản" với nguồn gốc thực vật như đậu nành, đậu Hà Lan hoặc các loại thực vật khác để tạo sản phẩm có mùi vị của thịt, cá.
Hồi đầu tháng 3, Công ty NH Foods của Nhật đã tung ra sản phẩm “giả cá chiên” với thành phần chủ yếu từ đậu nành. Gói sản phẩm chứa nhiều miếng "giả cá" có trọng lượng 104gr và được bán với giá 345 yen (2,50 USD), bao gồm thuế.
NH Foods cho biết, công ty mất khoảng một năm để phát triển sản phẩm “giả cá chiên” này. Công ty cũng có kế hoạch trong tháng 4 tới sẽ ra mắt một sản phẩm “giả tôm” làm từ trái bắp cho các đầu bếp chuyên nghiệp.
NH Foods hồi năm 2020 đã bắt đầu sản xuất NatuMeat, dòng sản phẩm protein có nguồn gốc thực vật, cung cấp các sản phẩm thay thế cho ức gà, gà chiên, dăm bông và các món thịt khác.
Món “giả cá chiên” là sản phẩm thay thế cá đầu tiên của công ty. Trưởng phòng quảng cáo tiếp thị của công ty là Masayuki Osada cho biết: “Chúng tôi muốn phát triển sản xuất các thể loại thịt làm từ đậu nành”.
Trong khi đó, một công ty khác có tên là Fuji Oil phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ thực vật như sử dụng kem sữa đậu nành để tạo ra món nhím biển cho các đầu bếp chuyên nghiệp.
Công ty Next Meats cũng có Next Tuna, một sản phẩm “giả cá ngừ” làm từ đậu nành, trong khi công ty Azuma Food bắt đầu tung ra dòng sản phẩm “có vị giống như cá” (marude sakana) để thay thế cho cá hồi, cá ngừ và mực.
Công ty Itoham Food thì bán các sản phẩm “giả thịt” làm từ đầu nành và quảng cáo “thơm giống như thịt”.
Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, dân số thế giới sẽ đạt 8,5 tỉ người vào năm 2030 và 9,7 tỉ người vào năm 2050, dẫn đến việc nguồn hải sản bị khai thác quá mức..
Thống kê của Tổ chức Lương - Nông Liên Hợp Quốc, tỷ lệ cá bị đánh bắt quá mức tăng từ 10% vào năm 1974 lên 34% vào năm 2017.
Thịt bò, thịt heo, thịt gà và các loại thịt vật nuôi khác sẽ bị thiếu hụt vào năm 2030 và theo dự đoán, như vậy sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng protein. Ước tính, để sản xuất ra protein của 1kg thịt bò cần đến đến 11kg lúa mì.
Một mối lo ngại khác là khí methane phát ra từ gia súc sẽ khiến sức nóng tăng thêm trên Trái đất, và việc sử dụng thức ăn chăn nuôi với số lượng lớn tại trang trại các nước sẽ tàn phá môi trường.
Cuộc khảo sát trực tuyến của Công ty nghiên cứu Myvoice Communications với sự tham gia của khoảng 10.000 người vào năm ngoái cho thấy, gần 40% số người được hỏi cho biết họ đã ăn thịt làm từ thực vật.
Khi được hỏi tại sao các loại “thịt thay thế” hấp dẫn, 39% người được hỏi đã nói bởi vì thức ăn làm từ thực vật có lợi cho sức khỏe.
Trong nhiều trường hợp, các sản phẩm “cá và thịt thay thế” có giá tương đương hoặc cao hơn so với cá, thịt có nguồn gốc từ động vật. Tuy nhiên, các sản phẩm “bắt chước” có ưu điểm như ít calo và chất béo, nhiều chất xơ.
Theo ước tính của Viện Nghiên cứu Yano, giá trị giao hàng toàn cầu của các sản phẩm từ protein thay thế - gồm cả thịt và cá nuôi cũng như thực phẩm làm từ côn trùng - đạt 486,1 tỉ yên vào năm 2021. Dự báo, giá trị của mảng thực phẩm thay thế này sẽ tăng lên 3.311 tỉ yên vào năm 2030.