Nông sản Việt không còn ùn tắc ở các cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 05:00, 29/03/2023

Từ ngày 8.1, Trung Quốc khôi phục hoạt động trở lại nhiều cửa khẩu, khiến giao thương giữa hai nước sôi động, nhộn nhịp trở lại.

Kể từ ngày 8.1, phía Trung Quốc đã mở lại cửa khẩu biên giới, giúp cho hoạt động thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu bình thường trở lại. Việc phát huy hiệu quả tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, cùng nỗ lực của các lực lượng chức năng khối cửa khẩu đã giúp hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ đầu năm 2023 đến nay đạt nhiều kết quả khởi sắc.

cua-khau.jpeg

Theo đánh giá của Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh, sau khi đi vào hoạt động vào tháng 9.2022, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã mang lại cho hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh rất nhiều thế mạnh như: Kết nối với các cửa khẩu đường bộ, giao thương hàng hóa được thuận tiện với thị trường Trung Quốc, và các nước ASEAN; kết nối chuỗi cửa khẩu quốc tế với các khu kinh tế của tỉnh như Móng Cái, Vân Đồn, Quảng Yên; kết nối dịch vụ logistics hệ thống cảng biển Quảng Ninh - Hải Phòng; kết nối trục các đô thị lớn Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và không gian kinh tế, hành lang kinh tế biển vùng duyên hải phía bắc.

Đặc biệt, với việc rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.Móng Cái đến TP.Hạ Long xuống còn 1 giờ 30 phút (nếu theo QL18 sẽ mất 3 giờ), thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái chỉ còn 3 giờ, do vậy đã rút ngắn thời gian vận chuyển lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí phát sinh.

Đặc biệt, với tín hiệu vui từ phía Trung Quốc trong việc hạ cấp độ phòng chống dịch, hiện trung bình mỗi ngày tại cửa khẩu Bắc Luân 2 và lối mở Km3+4 Hải Yên có khoảng gần 300 xe với hàng nghìn tấn hàng hóa được thông quan, tăng cao so với cùng kỳ năm 2022. Tổng khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trong 2 tháng đầu năm qua địa bàn TP.Móng Cái đạt trên 200.000 tấn (tăng 79% so với cùng kỳ năm 2022).

Tổng số doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái đạt 310 doanh nghiệp (tăng 26 doanh nghiệp so với cùng kỳ năm 2022). Số thu của chi cục trong 2 tháng đầu năm đạt 263 tỉ đồng (tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022).

Đáng chú ý là tại các cửa khẩu đã không còn xảy ra tình trạng ùn tắc xe, các xe Trung Quốc chở hàng nhập khẩu, hoặc hàng xuất khẩu sang Việt Nam cơ bản được phía Trung Quốc làm thủ tục xuất nhập cảnh ngay trong ngày. Hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu, lối mở cơ bản đã đi vào ổn định, không bị gián đoạn, đình trệ, tạo tâm lý yên tâm và môi trường kinh doanh ổn định lâu dài của các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu.

Dự báo trong năm 2023 các hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại, du lịch, kinh doanh buôn bán giữa các doanh nghiệp, cư dân biên giới sẽ phát triển, lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh qua cửa khẩu, lối mở sẽ tăng trưởng trở lại, nhất là nhóm hàng thủy-hải sản, nông sản.

Mặc dù có thêm nhiều lợi thế, UBND tỉnh Quảng Ninh nhận định hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện từ các cửa khẩu chính Hoành Mô, Bắc Phong Sinh chỉ có một tuyến đường để ô tô di chuyển kết nối với quốc lộ 18A và đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái. Tuyến đường kết nối này hiện đã xuống cấp chưa đảm bảo an toàn cho các hoạt động giao thông.

Mặt khác, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn còn phụ thuộc nhiều vào chính sách biên mậu Trung Quốc đang áp dụng tại các cửa khẩu, lối mở. Ngoài ra, dịch vụ logistics đường bộ trong thời gian tới dự báo sẽ gặp một số khó khăn như chi phí vận chuyển logistics từ cửa khẩu Móng Cái vào nội địa các tỉnh thành cao hơn so với cửa khẩu Lạng Sơn. Các chuyến bay thương mại khôi phục, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng điện thoại, phụ kiện, linh kiện điện tử, hàng có trị giá cao... sẽ chia thị phần ưu tiên vận chuyển qua đường hàng không. Ngoài ra, hạ tầng cửa khẩu yếu và thiếu cũng đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Để thúc đẩy, tạo điều kiện và thu hút thêm hàng hóa xuất khẩu qua lối mở cầu phao Km3+4, nhất là với mặt hàng thủy sản đông lạnh, các doanh nghiệp đề xuất TP.Móng Cái cần có một trung tâm cung ứng nông sản. Do đó, TP cần đẩy nhanh tiến độ dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa nông - lâm - thủy sản châu Á - Thái Bình Dương tại Km3+4 Hải Yên. Điều này sẽ góp phần thúc đẩy sự hợp tác, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Quốc (CCIC) sớm triển khai đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng lab tại Lối mở Km3+4 Hải Yên để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm.

Để hoạt động xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ có sự bứt phá mạnh mẽ sau 3 năm gián đoạn bởi dịch COVID-19, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị phía Trung Quốc đẩy nhanh tiến độ nghiệm thu công trình cửa khẩu Động Trung (Trung Quốc) để sớm tiến hành tổ chức lễ công bố chính thức cửa khẩu song phương Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc).

Ngoài ra, tỉnh cần đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch, mở rộng phạm vi cửa khẩu đối với cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (cầu Bắc Luân 2) đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa; đẩy mạnh công tác quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng logistics, cảng cạn ICD và cửa hàng miễn thuế trên địa bàn...

Tuyết Nhung