Vì sao Ả Rập Saudi rời bỏ Mỹ để gia nhập khối an ninh của Trung Quốc và Nga?

Góc nhìn - Ngày đăng : 13:00, 30/03/2023

Động thái gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) của Ả Rập Saudi được đưa ra trong bối cảnh các nước Trung Đông đang xích lại gần Trung Quốc và Nga.
my-va-a-rap.png
Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi đã rạn nứt kể từ khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền hai năm trước - Ảnh: Internet

Theo Newsweek, nội các Ả Rập Saudi hôm 29.3 đã thông qua đề xuất đưa nước này tham gia Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) - một khối kinh tế và an ninh bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Iran, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan là thành viên. Các đối tác đối thoại khác bao gồm Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Ai Cập, Nepal, Qatar, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi các quan sát viên bao gồm Afghanistan, Belarus và Mông Cổ.

Iran là quốc gia gần đây nhất được nâng cấp từ quan sát viên lên thành viên đầy đủ vào tháng 9 và quyết định của Riyadh được đưa ra chỉ vài tuần sau một thỏa thuận do Trung Quốc làm trung gian nhằm nối lại quan hệ ngoại giao giữa Iran và Ả Rập Saudi.

Các nhà quan sát nhận định động thái này cho thấy Ả Rập Saudi đang hướng tới việc tái cân bằng các mối quan hệ đối ngoại vốn trước đây bị chi phối bởi mối quan hệ truyền thống với Mỹ.

"Ả Rập Saudi đang theo đuổi một chiến lược đầu tư phát triển với một số đối tác quan trọng để bổ sung cho mối quan hệ của mình với phương Tây. Trung Quốc và các tổ chức đa phương mà nước này đã thành lập là một phần quan trọng trong đó. Việc tham gia SCO không chỉ củng cố mối quan hệ với Bắc Kinh mà còn cho phép Ả Rập Saudi được hưởng lợi từ mối quan hệ của Trung Quốc với những nước khác như Iran”, Ali al-Shihabi, một chuyên gia chính trị Ả Rập Saudi, nói với Newsweek.

Theo ông al-Shihabi, Ả Rập Saudi và các nước vùng Vịnh khác đã bày tỏ lo ngại về điều họ cho là Mỹ rút khỏi vai trò bảo đảm an ninh chính ở khu vực. Các nước này đang nỗ lực đa dạng hóa quan hệ để lấp đầy khoảng trống do Mỹ để lại trong khu vực.

“Trung Quốc phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ ở Vịnh Ba Tư, là nước lớn trên thế giới có lợi ích lớn nhất đối với hiện trạng ổn định ở vùng Vịnh. Do đó, Ả Rập Saudi đã nỗ lực để đưa Trung Quốc đóng vai trò tích cực hơn trong việc giúp ổn định khu vực đầy biến động này”, ông nói.

Về phần mình, Mỹ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng những nỗ lực của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng khắp thế giới sẽ không thay đổi chính sách của nước này với Trung Đông. Washington khẳng định sẽ vẫn là một đối tác chủ động ở khu vực.

"Đây không phải là một ví dụ cho sự phát triển mới. Việc Ả Rập Saudi tham gia SCO đã được thúc đẩy trong một khoảng thời gian. Mỗi quốc gia có mối quan hệ riêng và chúng tôi tất nhiên sẽ không tham gia vào quyết định của chính phủ Ả Rập Saudi", Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel cho biết hôm 29.3.

Quan hệ giữa Mỹ và Ả Rập Saudi đã rạn nứt kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hai năm trước. Chính quyền ông Biden đã nhiều lần chỉ trích thái tử Mohammed bin Salman về các cáo buộc vi phạm nhân quyền, hỗ trợ cuộc nội chiến ở Yemen.

Căng thẳng ngoại giao Riyadh - Washington vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine vào năm ngoái.

Trong khi Mỹ muốn Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+) tiếp tục duy trì nguồn cung dồi dào để giúp giảm giá dầu và giảm bớt lợi nhuận mà Nga thu được từ năng lượng, Ả Rập Saudi và các quốc gia trong nhóm lại nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô ở mức 2 triệu thùng/ngày, đi ngược lại mong muốn của Washington.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sau đó đã "cảnh báo hậu quả" với Ả Rập Saudi và tuyên bố sẽ "xem xét lại quan hệ" với nước đồng minh Trung Đông.

Hoàng Vũ (theo Newsweek)