Hai trạng thái PR của điện ảnh Việt: Chiêu trò và ‘hữu xạ tự nhiên hương’
Văn hóa - Ngày đăng : 16:35, 30/03/2023
Thứ nhất, tựa phim Hào quang danh vọng - The King khiến khán giả có ý kiến rằng ca sĩ họ Đàm "ngạo mạn" tự nhận mình là vua. Thứ hai, những giọt nước mắt của Trấn Thành kể khổ về hào quang danh vọng của người nghệ sĩ cũng khiến khán giả tranh cãi. Họ cho rằng nghệ sĩ ngôi sao nhận nhiều vinh quang và tiền bạc hơn phần còn lại của xã hội thì gặp khó khăn và thử thách cũng phải chịu, chứ sao lại “than khổ”.
Có người cho rằng chính đời nghệ sĩ mà Trấn Thành bảo “khó nuốt” đã mang lại cho anh thu nhập lớn, cuộc sống thượng lưu với nhà đẹp, xe sang mà ít người đạt được. Trong khi ở những nghề khác, có những người hy sinh thầm lặng và thu nhập bấp bênh nhưng không hề than khổ hay kêu khóc.
Một số người trong nghề cho rằng Đàm Vĩnh Hưng và Trấn Thành có lợi khi bị công chúng phản ứng, bởi Đàm Vĩnh Hưng đang giới thiệu cho phim Hào quang danh vọng, còn Trấn Thành đang PR cho phim Đất phương Nam mà anh đóng vai trò nhà đầu tư kiêm diễn viên. Sự “lên đồng” của công chúng, trái lại giúp cho dự án sắp tới của Trấn Thành và ca sĩ họ Đàm được quan tâm hơn.
PR bằng chiêu trò
Theo nhiều bài báo đã thống kê và phân tích, có một “hiện tượng” là trước khi tung ra một sản phẩm hay dự án nào đó thì cả Đàm Vĩnh Hưng và Trấn Thành luôn gây ồn ào. Nếu không phải là phát biểu gây sốc, thì cũng là một hành động gây tranh cãi. Hành động này lặp đi lặp lại nhiều đến mức người ta khẳng định rằng cả hai không hề “ngây thơ” hay “vạ miệng” gì cả.
Trong trường hợp Trấn Thành, cả phim Bố già và Nhà bà Nữ do anh làm nhà sản xuất, đạo diễn, biên kịch, diễn viên đều gây tranh cãi về chất lượng. Mặc dù cả hai phim đều đạt kỷ lục doanh thu trên 400 tỉ đồng, nhưng nhiều khán giả đánh giá đây là phim chiếu màn ảnh rộng nhưng không phải điện ảnh. Cách diễn và cách kể của phim có chất kịch nhiều hơn điện ảnh. Người ta phân tích nhiều hướng, và kết luận rằng, một trong số nguyên nhân thu hút đám đông là nhờ Trấn Thành và ê kíp truyền thông quá tốt. Trong đó, Trấn Thành tận dụng triệt để fanpage có 18 triệu lượt theo dõi của mình.
Trước khi phim diễn ra là hàng loạt thông tin về phim được chia sẻ trên mạng xã hội, báo chí truyền thông. Thậm chí đó còn là những tranh cãi giữa người hâm mộ Trấn Thành và anti-fan. Với Nhà bà Nữ, lần đầu tiên trong lịch sử phim Việt, phim chiếu tới đâu, nhà sản xuất công bố những kỷ lục mọi thời đại đến đó, cụ thể như “Doanh thu cao nhất mọi thời đại trong ngày ra mắt” hay “Doanh thu cao nhất mọi thời đại trong một tuần ra mắt”.
Điều này khiến nhiều người tò mò mua vé xem thử coi điều gì đã làm nên sự “cao nhất mọi thời đại ấy”? Trong thời gian phim đang công chiếu tại các cụm rạp, các cuộc tranh cãi nảy lửa giữa bên khen và chê phim Nhà bà Nữ gây ồn ào trên mạng xã hội. Và trong khi mọi người đang tranh cãi, khen và chê phim của Trấn Thành, một đoàn phim Hàn Quốc ghé ngang thăm nam MC, diễn viên kiêm nhà sản xuất và Trấn Thành thì “úp mở” để công chúng hiểu rằng anh bây giờ đã ở một đẳng cấp quốc tế.
Nhiều nhận định rằng đây là kế hoạch quảng bá chặt chẽ và có tính toán chi tiết. Tất nhiên, muốn có một chuỗi PR chuyên nghiệp như thế, nhà sản xuất cần phải có nhiều tiền. Điều này đối với Trấn Thành quá thuận lợi nhưng là bài toán khó cho nhiều nghệ sĩ không có nhiều vốn.
Thực ra, với phim ảnh hay bất cứ ngành kinh doanh nào, quảng bá hay quảng cáo luôn quan trọng. Có những phim rất hay nhưng vì khâu quảng cáo quá kém nên khán giả không hay biết gì về sự hiện diện của nó, từ khi ra rạp đến lúc hết chiếu.
Vong nhi (đạo diễn Hoàng Tuấn Cường, biên kịch Hạnh Thúy) là bộ phim đề cập đến vấn đề phá thai. Phim có đề tài và thông điệp thời sự, diễn xuất diễn viên tốt nhưng phần quảng bá yếu ớt đến mức hầu như chỉ có một buổi ra mắt phim. Kết quả là phim chỉ thu được 24 tỉ đồng và lặng lẽ rời rạp. Nếu như Nhà bà Nữ truyền thông, quảng bá rầm rộ thì Vong nhi không hề thông tin trước lúc bấm máy, trong quá trình quay và sắp chiếu. Nhiều người trong nghề tiếc cho bộ phim không được doanh thu như kỳ vọng.
Hấp dẫn bằng chất lượng thực sự
Gần đây, công chúng nhắc đến bộ phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương (Children of the mist) của nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm. Bộ phim kể về Di, một cô gái có cá tính mạnh mẽ đến từ cộng đồng người H'mông ở Tây Bắc Việt Nam. Di bị mắc kẹt giữa tập tục “kéo vợ” có tính chất tảo hôn, và mong muốn của chính của cô là được tiếp tục sống với tuổi thơ, được đến trường.
Đây là phim tài liệu đầu tiên của Việt Nam góp mặt trong danh sách đề cử Oscar 2023 hạng mục phim tài liệu dài xuất sắc. Dù không chiến thắng Oscar 2023 nhưng phim đã giành nhiều giải thưởng tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế. Cụ thể là giải "Đạo diễn xuất sắc" tại Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam, "Phim tài liệu Đông Nam Á xuất sắc" tại Liên hoan phim Bilimakarya, giải thưởng lớn (Grand Prix) tại Liên hoan phim giáo dục của Pháp.
Trong suốt thời gian bộ phim được công chiếu khắp nơi trên thế giới (Mỹ, Đài Loan, Singapore...), không có một thông tin nào của phim được chia sẻ tại quê hương Việt Nam. Mới đây, gần cuối tháng 3.2023, phim được ra mắt một cách khiêm tốn tại 16 cụm rạp của Beta. Lúc này, thông tin về các chiến thắng tại các liên hoan phim quốc tế mới được truyền thông lan tỏa đến công chúng, nhờ thế bộ phim gây được sự chú ý trong dư luận. Đợt khán giả đầu tiên xem thấy hay và truyền miệng qua đợt khán giả thứ hai. Cứ như thế, phim đã được công chúng quan tâm cao hơn dự đoán ban đầu.
Rõ ràng, đạo diễn Hà Lệ Diễm không hề có một hoạt động quảng bá nào tại Việt Nam để lôi kéo khán giả đến rạp, kiểu như gây ồn ào hay “thả bom” thông tin. Tất cả chỉ dựa vào chất lượng của phim mà thu hút khán giả theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”.
Dường như những nhà làm phim độc lập theo khuynh hướng nghệ thuật có chọn lọc đều có bước đi tương tự như Hà Lệ Diễm. Trước đó, phim Tro tàn rực rỡ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, biên kịch Bùi Thạc Chuyên - Nguyễn Ngọc Tư tham dự liên hoan phim quốc tế trước.
Bộ phim công chiếu tại Tokyo (Nhật Bản) vào 24.10.2022, tại Nantes (Pháp) vào 22.11.2022. Dự án phim đoạt giải thưởng xuất sắc ở "Hạng mục phim Asian project market" tại Liên hoan phim quốc tế Busan, và giải thưởng Inaugural Southeast Asia Co- Production Grant do Ủy ban điện ảnh Singapore trao tặng. Phim lọt vào vòng đề cử giải Grand Prix Liên hoan phim quốc tế Tokyo lần thứ 35. Đoạt giải Khí cầu đốt lửa vàng tại Liên hoan phim ba châu lục lần thứ 44. Những chiến thắng đó tạo hiệu ứng rất tốt trước khi phim ra mắt tại Việt Nam vào ngày 2.12.2022.
Trước đó, phim Đêm tối rực rỡ của đạo diễn Aaron Toronto và biên kịch Nhã Uyên cũng từng gây chú ý. Trước khi chiếu tại Việt Nam, Đêm tối rực rỡ chiến thắng hai hạng mục "Đạo diễn xuất sắc", "Biên kịch xuất sắc" tại liên hoan phim Santa Fe Film Festival tại Mỹ. Từ thành công này, phim ra mắt công chúng Việt Nam trong sự hồi hộp của nhà sản xuất, bởi vì phim không có ngôi sao bán vé, chủ đề phim đề cập bạo lực gia đình không có yếu tố giải trí mang tính thị trường. Vậy nhưng, chất lượng phim đã hoàn toàn chinh phục công chúng. Phim đã được đón nhận rất tốt dù không có một chiến lược PR rầm rộ, ồn ào.
Điều đó cho thấy tại Việt Nam hiện nay có 2 khuynh hướng quảng bá cho một tác phẩm điện ảnh. Đối với dòng phim giải trí có sự tham gia của nhiều tên tuổi hot, thần tượng của giới trẻ và khán giả thích dòng phim ít triết lý, thì PR rầm rộ. Bên cạnh đó, dòng phim đầu tư “vốn ít” nhưng có chiều sâu nội dung, giàu nghệ thuật, đòi hỏi có một trình độ cảm thụ nhất định từ công chúng, thì ra mắt một cách lặng lẽ.
Cả hai thể loại này, nếu xét dưới góc độ doanh thu phòng vé đều tốt. Phim giải trí có nhiều chiêu trò PR thu hút đông đảo, bán vé trăm tỉ đồng thì có lãi cao; còn phim nghệ thuật đầu tư ít, doanh thu phòng vé ít hơn nhưng cũng đủ để người nghệ sĩ có điều kiện tiếp tục hành trình nghệ thuật.