Ngân hàng Nhà nước 'thúc' nhanh chóng giải ngân gói cho vay 40.000 tỉ đồng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:00, 30/03/2023

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai cho vay 40.000 tỉ đồng - gói hỗ trợ lãi suất 2%.
tien.jpeg

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định số 31/2022 của Chính phủ. Đây là gói hỗ trợ lãi suất 2% với nguồn ngân sách 40.000 tỉ đồng.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục xác định việc triển khai cho vay hỗ trợ lãi suất là nhiệm vụ trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Các tổ chức tín dụng chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng, nhất là các khách hàng thuộc đối tượng và đang có dư nợ thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.

Ngân hàng thương mại tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ về cách thức để tiếp cận. Các ngân hàng phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền và đề xuất, kiến nghị.

Đối với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các cơ quan này chỉ đạo các chi nhánh của tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay theo Nghị định số 31.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh phải theo dõi tình hình, kết quả thực hiện hỗ trợ lãi suất của chi nhánh các ngân hàng thương mại trên địa bàn; xử lý khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền tại địa bàn; kịp thời báo cáo, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, Thống đốc xử lý các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến hết năm 2022, giải ngân chính sách hỗ trợ 2% lãi suất đạt hơn 134 tỉ đồng, tương đương 0,3% tổng nguồn lực. Do đó, còn khoảng 37.520 tỉ đồng có khả năng không thực hiện hết, gây ảnh hưởng đến hiệu quả của gói hỗ trợ.

Ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng cho biết tỷ lệ giải ngân còn thấp của gói này làm nghi ngờ khả năng hỗ trợ. Bên cạnh đó, thủ tục giải ngân phức tạp, nhiều công tác thanh tra, kiểm toán… đã sinh ra tâm lý e ngại của khách hàng khi vay vốn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, mặc dù ngành Ngân hàng đã khẩn trương triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất nhưng kết quả đạt được thấp. Nguyên nhân chủ yếu khiến việc giải ngân chậm là các ngân hàng thương mại còn lúng túng khi xác định đối tượng được hỗ trợ. Trong khi nhiều hộ sản xuất, kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký là hộ kinh doanh nên không thuộc diện được hỗ trợ. Nhiều doanh nghiệp e ngại thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước nên không đăng ký.

Bên cạnh đó, nhiều khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng được điều kiện "có khả năng phục hồi". Bản thân doanh nghiệp dù có khả năng trả nợ song cũng không dám khẳng định có khả năng phục hồi khi kinh tế thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, chi phí sản xuất, áp lực lạm phát gia tăng.

Tuyết Nhung