Kình ngư 'Thảo ròm' và câu chuyện 'bơi để thoát nghèo'
Thể thao - Ngày đăng : 11:45, 31/03/2023
Đó là kình ngư Lê Thị Mỹ Thảo, còn có biệt danh “Thảo ròm”, ở phường Tân Phú, thành phố Đồng Xoài, Bình Phước. Thảo là thành viên đội tuyển bơi lội tỉnh Bình Phước.
Thoát nghèo nhờ bơi
Một sáng cuối tuần, tôi gặp Mỹ Thảo tại khu tập thể lực thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bình Phước. Thật khó tin khi trước mặt tôi không phải “Thảo ròm” ngày nào mà là một cô gái mạnh mẽ với gương mặt rắn rỏi, mái tóc tém gọn gàng, năng động. Thảo đang tập thể lực để duy trì và nâng cao sức khỏe. “Chắc anh ngạc nhiên lắm khi thấy em không còn “ròm” như ngày nào nhỉ? Tất cả là nhờ những năm tháng miệt mài luyện tập như thế này”, Thảo nói và nhoẻn miệng cười.
Lê Thị Mỹ Thảo sinh năm 1996, trong một gia đình nghèo cả vật chất lẫn tinh thần. Ngay từ nhỏ, Thảo đã thiếu may mắn khi không có một gia đình hạnh phúc. Sau ba mẹ chia tay, cô chỉ còn mẹ bên cạnh, cuộc sống càng thêm khó khăn.
“Hồi nhỏ người ta đặt cho em cái tên là “Thảo ròm”, vì em không chỉ nhỏ con mà còn gầy trơ xương vì… thiếu ăn. Có điều, dù ốm yếu vậy nhưng em lại rất mê bơi lội. Mỗi khi đám bạn trong xóm đi bơi, bất kể ở đâu, từ sông, suối đến hồ, ao... là em đi theo. Ban đầu cứ xuống nước vùng vẫy, rồi được các bạn chỉ thêm nên em biết bơi rất nhanh”, Mỹ Thảo kể.
Giống như năng khiếu bẩm sinh, lên 8 tuổi, Mỹ Thảo đã bơi điêu luyện nhiều môn. Cô tham dự một số giải bơi phong trào dành cho học sinh ở huyện, tỉnh và luôn đoạt giải đầu.
Năm 2009, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh Bình Phước mở đợt tuyển chọn vận động viên (VĐV) trẻ cho đội tuyển bơi lội tỉnh. Tại đây, huấn luyện viên (HLV) Nguyễn Thị Cẩm, với 14 năm kinh nghiệm làm việc cho đội tuyển bơi lội tỉnh, đã sớm phát hiện năng khiếu của cô gái 13 tuổi có thân hình gầy gò nên lập tức nhận Mỹ Thảo vào đội. Kể từ đó, Mỹ Thảo được HLV Nguyễn Thị Cẩm dìu dắt, từng bước giành vinh quang như ngày nay.
“Trời ơi, lúc được nhận vào đội tuyển, em mừng lắm, mừng muốn khóc luôn. Em mơ sẽ trở thành nhà vô địch. Em nghĩ đây là con đường duy nhất để thoát nghèo. Với em, bơi là để thoát nghèo”, Mỹ Thảo hồi tưởng lại.
Vào đội tuyển tỉnh chưa đầy 1 năm, tháng 3.2010, Mỹ Thảo được cử tham dự Giải vô địch bơi bể 25m tại Huế và đoạt HCĐ. Từ tấm huy chương “bàn đạp” này, cùng năm, em được tuyển vào đội tuyển bơi lội Việt Nam theo chương trình dành cho các VĐV tuổi nhỏ triển vọng. Lên tuyển, Mỹ Thảo được đầu tư đúng mức theo tiêu chuẩn hàng đầu của một VĐV bơi chuyên nghiệp. Cô được tiếp cận và làm việc với nhiều chuyên gia hàng đầu về bơi lội của Úc, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc, Hungary; đồng thời được các HLV kỳ cựu, giàu chuyên môn trong nước đào tạo. Mỹ Thảo còn có cơ hội sang Mỹ, Nhật và Hungary tập huấn.
Nhờ vậy, Mỹ Thảo liên tục gặt hái thành công. Tại đấu trường khu vực, Mỹ Thảo giành 2 HCB ở các kỳ SEA Games 29 (tổ chức tại Malaysia năm 2017) và SEA Games 31 (tại Việt Nam năm 2022) và 1 HCĐ ở SEA Games 30 (tại Philippines năm 2019).
Tháng 12.2018, tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 8, Mỹ Thảo đã xuất sắc vượt qua kình ngư danh tiếng Ánh Viên khi liên tiếp phá kỷ lục quốc gia, kỷ lục SEA Games ở nội dung bơi 100m và 200m bướm nữ. Qua đó, cô mang về cho Bình Phước 2 tấm HCV danh giá.
“Ở nội dung bơi 100m bướm, em cán đích đầu tiên với thời gian 1 phút 0 giây 80, phá kỷ lục của chị Ánh Viên lập tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2014 (1 phút 0 giây 83). Ở nội dung bơi bướm 200m, em cũng phá sâu kỷ lục SEA Games với thời gian 2 phút 10 giây 52 (kỷ lục ở nội dung này là 2 phút 10 giây 95). Tháng 4.2019, em đạt 5 HCV, 2 HCB, 1 HCĐ, phá kỷ lục quốc gia nội dung 200m bơi bướm giải bơi vô địch bể 25m”, Mỹ Thảo chia sẻ.
Hạnh phúc nhất là lo được cho mẹ và em
Với thành tích đã đạt được, đến nay Mỹ Thảo là VĐV thể thao gặt hái nhiều thành công nhất cho quê hương Bình Phước sau 26 năm tái lập tỉnh. Cô cũng là nhân tố chính trong đội tuyển bơi lội tỉnh, đạt thành tích nhiều nhất, cao nhất cho tỉnh so với các môn thể thao khác. Cũng từ đây, hình ảnh “Thảo ròm” ngày nào đã không còn, dù chưa phải giàu có, nhưng cảnh nghèo khó năm xưa đã lùi vào dĩ vãng. “Lo được cho mẹ và em trai đỡ vất vả là hạnh phúc lớn nhất của em”, Mỹ Thảo xúc động nói.
“Theo em, những nhân tố nào giúp em gặt hái nhiều thành công như vậy?”, tôi hỏi. “Có nhiều yếu tố, đầu tiên là do em may mắn nhận được sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của các cô, chú lãnh đạo của tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao. Đặc biệt là HLV Nguyễn Thị Cẩm, người trực tiếp rèn giũa em từ những ngày đầu chân ướt chân ráo bước vào đội tuyển. Với em, cô Cẩm không chỉ là HLV mà còn là người chị, người mẹ thứ 2.
Để có được những thành tích như anh thấy không hề đơn giản, nếu không muốn nói rất khắc nghiệt, phải đánh đổi nhiều thứ. Hàng ngày em luyện tập theo giáo án cực kỳ vất vả, bất kể thời tiết nắng mưa, nóng lạnh vẫn phải bơi và bơi. Có những năm do phải chuẩn bị cho giải đấu, em không biết nghỉ ngơi, lễ tết là gì. Hoặc bắt buộc phải ăn uống theo giáo án, theo chế độ của vận động viên nên có nhiều món thèm mà không được ăn, trong khi nhiều món ăn hoài rất ngán, vẫn phải ăn”, Mỹ Thảo tâm sự.
Sau khi kết thúc SEA Games 31 năm 2022, Mỹ Thảo quyết định chia tay đội tuyển Việt Nam để về đội tuyển bơi lội tỉnh. Đây là quyết định đúng, bởi theo HLV Nguyễn Thị Cẩm, thông thường ở tuổi 27 là lúc các tay bơi bắt đầu chững lại. Mỹ Thảo mặc dù có năng khiếu, nội lực còn rất tốt, còn có thể đột phá, thành tích của cô có thể vẫn chưa dừng lại, nhưng cũng sẽ gây áp lực lớn. Vì thế việc trở về đội tuyển tỉnh cũng là một lựa chọn phù hợp.
Trả lời câu hỏi: “Một ngày làm việc của Mỹ Thảo diễn ra thế nào?”, cô cho biết mình thức dậy lúc 6 giờ, vệ sinh cá nhân, đến 6 giờ 30 ăn sáng, 7 giờ 10 di chuyển đến hồ bơi bằng xe gắn máy. Từ 8 đến 10 giờ bơi, 11 giờ 15 ăn trưa, nghỉ ngơi, 14 giờ dậy lại di chuyển đến hồ bơi đến 16 giờ 15, sau đó tập cùng HLV thể lực để duy trì, nâng cao sức khỏe. Ăn tối lúc 18 giờ, sau đó giải trí và ngủ trước 21 giờ.
“Hiện hằng ngày em vẫn ra sức tập luyện chuẩn bị cho những giải sắp tới, nhất là giải bơi vô địch quốc gia vào tháng 10 tới”, kình ngư 27 tuổi nói và cho hay hiện cô vẫn ra sức tập luyện để chuẩn bị các giải đấu phía trước.
Mỹ Thảo cho biết thêm, hiện cô và các VĐV trong đội tuyển bơi lội tỉnh chưa có hồ bơi riêng mà phải di chuyển bằng xe gắn máy, xe đạp đến tập ở một hồ bơi được thuê không đạt tiêu chuẩn, kích cỡ và cách khá xa nơi ăn nghỉ. Mỹ Thảo mong tỉnh sớm đầu tư xây dựng hồ bơi đạt chuẩn để các VĐV có nơi tập luyện, thi đấu, nhắm tới mục tiêu đạt thành tích cao tại các cuộc tranh tài.
Nói về kình ngư này, HLV Nguyễn Thị Cẩm cho biết, Mỹ Thảo là người có năng khiếu, tố chất thiên bẩm của một VĐV bơi lội, chỉ số nội tạng tốt, phổi tốt hơn so với người bình thường. Đặc biệt là ý chí, nghị lực phi thường, kiên trì khổ luyện, tính tự giác, kỷ luật trong tập luyện, thi đấu cao. Cộng thêm chương trình huấn luyện bài bản, chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng phù hợp, là những yếu tố tạo nên thành công của Thảo.
Không chỉ giỏi chuyên môn của một VĐV bơi lội, ngoài thời gian tập luyện, thi đấu, Mỹ Thảo còn dành thời gian buổi tối để học thêm văn hóa. Cô đã hoàn tất chương trình 4 năm tại Trường Đại học TDTT thành phố Đà Nẵng, tháng 7 tới đây cô sẽ nhận bằng tốt nghiệp chuyên ngành HLV thể thao. Đây là một trong những bước đệm chuẩn bị cho tương lai bền vững khi tuổi của cô không còn phù hợp trên “đường đua xanh”.
Từ năm 2010 đến nay, Mỹ Thảo đã giành tổng cộng 169 huy chương, trong đó có 69 HCV, 61 HCB, 39 HCĐ và giành 18 danh hiệu kiện tướng tại các đấu trường: SEA Games, giải “Vô địch bơi Đông Nam Á” tổ chức tại Việt Nam và các nước trong khu vực, “Vô địch bơi Quốc gia”, “Vô địch bơi bể 25m”, Đại hội Thể thao toàn quốc… Đặc biệt, Thảo còn phá kỷ lục quốc gia, phá sâu kỷ lục SEA Games ở nội dung 100m và 200m bơi bướm nữ.