Nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn thoái trào dài hạn?

Góc nhìn - Ngày đăng : 19:08, 31/03/2023

Các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của phương Tây khiến doanh thu của Chính phủ Nga bị siết chặt và nền kinh tế của nước này đang dần chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng thấp.

Các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Nga như khí đốt và dầu mỏ đã mất đi thị trường lớn. Đồng rúp đã giảm hơn 20% kể từ tháng 11 so với USD. Lực lượng lao động đã bị thu hẹp khi những người trẻ tuổi được “động viên” ra mặt trận.

“Nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn thoái trào dài hạn”, Alexandra Prokopenko, cựu quan chức Ngân hàng Trung ương Nga, nhận định.

nen-kt-nga.jpg
Các biện pháp trừng phạt ngày càng nặng nề của phương Tây khiến nền kinh tế Nga đang bước vào giai đoạn thoái trào dài hạn - Ảnh: WSJ

Sự thiếu hụt doanh thu từ xuất khẩu nhiên liệu đã đẩy Moscow vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan” trong việc đảm bảo cân bằng giữa chi tiêu quân sự đang phình to với các khoản trợ cấp và ngân sách phúc lợi xã hội.

Tỷ phú Nga Oleg Deripaska đã cảnh báo, trong tháng này đất nước của ông đang cạn kiệt tiền mặt. “Sẽ không có tiền trong năm tới, chúng tôi cần các nhà đầu tư nước ngoài”, ông trùm nguyên liệu thô cho biết tại một hội nghị kinh tế.

Maria Shagina, một thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại London (Anh) cho biết: “Mặc dù Nga có khả năng phục hồi trong ngắn hạn, song bức tranh dài hạn rất ảm đạm. Moscow sẽ hướng nội nhiều hơn và sẽ phải phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc”.

Các nhà phân tích cho rằng, Nga đã sai lầm khi sử dụng nguồn cung năng lượng làm đòn bẩy để hạn chế sự hỗ trợ của Tây Âu đối với Ukraine. Các chính phủ châu Âu, thay vì bỏ rơi Kyiv, đã nhanh chóng chuyển sang tìm kiếm các nguồn khí đốt tự nhiên và dầu mỏ mới. Nga hiện đã tìm mọi cách để bán dầu của mình cho Trung Quốc và Ấn Độ.

Giới chức Nga đã thừa nhận những khó khăn song vẫn lạc quan cho rằng nền kinh tế sẽ nhanh chóng thích nghi. Tổng thống Vladimir Putin cho biết, chính phủ của ông đã hoạt động hiệu quả trong việc chống lại các mối đe dọa đối với nền kinh tế.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã ước tính tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nga khoảng 3,5% trước năm 2014. Một số nhà kinh tế cho biết con số đó hiện đã giảm xuống còn khoảng 1% khi năng suất giảm và nền kinh tế trở nên tụt hậu về công nghệ do bị phương Tây cô lập.

Theo Viện Chính sách Kinh tế Gaidar có trụ sở tại Moscow, ngành công nghiệp Nga đang trong tình trạng khủng hoảng lao động tồi tệ nhất kể từ năm 1993.

Ngân hàng trung ương Nga cho biết, tình trạng chảy máu chất xám cùng đợt huy động quân sự 300.000 người vào mùa thu năm ngoái đã khiến khoảng một nửa số doanh nghiệp phải đối mặt với tình trạng thiếu nhân công.

Trong chuyến thăm một nhà máy sản xuất máy bay gần đây, ông Putin cho biết tình trạng thiếu lao động đang cản trở hoạt động sản xuất quân sự.

Moscow đã phải tăng cường nhập khẩu các công nghệ quan trọng để phục vụ cho chiến sự ở Ukraine từ các quốc gia khác, bao gồm cả chất bán dẫn và vi mạch Trung Quốc, trong khi nhiều lĩnh vực dân sự, các bộ phận rất khó thay thế.

Cụ thể, Ngân hàng trung ương Nga cho biết, rủi ro đang gia tăng trong lĩnh vực hàng không trong bối cảnh thiếu hụt máy bay mới và linh kiện thay thế liên quan tới vấn đề về bảo trì. Các công ty tài chính và CNTT Nga đang gặp khó khăn khi không được tiếp cận với các công nghệ phương Tây như phần mềm, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, công cụ và thiết bị phân tích.

Nga đã cố gắng thay thế hàng nhập khẩu nước ngoài bằng hàng hóa tự sản xuất trong nhiều năm trước khi có lệnh trừng phạt hiện tại, nhưng thành công rất hạn chế. Trong khi đó, phần lớn tăng trưởng sản xuất công nghiệp hiện nay đến từ các nhà máy sản xuất tên lửa, đạn pháo và trang thiết bị quân sự.

Xuất khẩu khí đốt sang châu Âu đã bắt đầu giảm cho đến mùa hè năm ngoái. Lệnh cấm của EU đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga và giới hạn giá của G7 chỉ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 12.2022. Các biện pháp trừng phạt đối với các sản phẩm dầu như dầu diesel đã có hiệu lực vào tháng trước.

Theo IMF, những “sự chậm trễ” này đã giúp doanh thu năng lượng Nga tăng lên. Tuy nhiên, trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, doanh thu từ xuất khẩu năng lượng, chiếm gần một nửa tổng thu ngân sách, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nga hiện có ít quyền thương lượng hơn trên thị trường dầu mỏ thế giới vì họ có ít sự lựa chọn hơn về nơi vận chuyển dầu”, Vasily Astrov, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Vienna (Áo), cho biết.

Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán lẻ tại Nga đã giảm 6,7% vào năm 2022 - mức tồi tệ nhất kể từ năm 2015. Doanh số bán ô tô mới đã giảm 62% trong tháng 2 so với cùng kỳ năm ngoái, theo Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu có trụ sở tại Moscow.

Trong năm nay, hầu hết các nhà phân tích dự đoán GDP sẽ giảm thêm, mặc dù IMF dự báo Nga có thể đạt mức tăng trưởng khiêm tốn. Quỹ tiền tệ thế giới cho biết đến năm 2027, sản lượng kinh tế Nga dự kiến sẽ thấp hơn khoảng 7% so trước năm 2022.

“Việc mất nguồn nhân lực, bị cô lập khỏi thị trường tài chính toàn cầu và khả năng tiếp cận công nghệ tiên tiến bị hạn chế sẽ cản trở nền kinh tế Nga”, IMF cho hay.

Hoàng Vũ (theo Wall Street Journal)