'Công chúa Huawei' đối diện cuộc chiến khó khăn để tăng doanh thu khi lợi nhuận giảm mạnh

Thế giới số - Ngày đăng : 22:42, 31/03/2023

Bà Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính Huawei, phải đối mặt với một trận chiến khó khăn trong việc tìm kiếm sự tăng trưởng mới cho gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc khi đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên hàng đầu vào ngày 31.3, sau khi công ty báo cáo tăng trưởng doanh thu rất thấp và lợi nhuận giảm mạnh vào năm 2022.

Có biệt danh là "công chúa Huawei", bà Mạnh Vãn Chu là con gái của nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nhậm Chính Phi.

Huawei đã ghi nhận doanh thu 642,3 tỉ nhân dân tệ (90,9 tỉ USD) cho cả năm 2022, thể hiện mức tăng trưởng chỉ 0,9% so với 636,8 tỉ nhân dân tệ vào 2021, công ty Trung Quốc cho biết hôm 31.3.

Được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng nhanh chóng trong các hoạt động kinh doanh mới như điện toán đám mây, Huawei cải thiện doanh thu so với năm 2021 khi hãng báo cáo mức giảm doanh số bán hàng lớn nhất từ trước đến nay (29%).

Lợi nhuận ròng của Huawei đã giảm xuống còn 35,6 tỉ nhân dân tệ trong năm 2022, chỉ bằng 1/3 so với mức 113,7 tỉ nhân dân tệ của năm 2021 khi Huawei có tăng trưởng lợi nhuận nhờ việc bán đơn vị smartphone giá rẻ của mình là Honor.

Biên lợi nhuận đang ở mức thấp lịch sử với Huawei do doanh thu giảm và chi phí R&D (nghiên cứu & phát triển) tăng”, Mạnh Vãn Chu cho biết tại cuộc họp báo cáo thường niên của công ty được tổ chức tại khuôn viên Thâm Quyến hôm 31.3.

Huawei đã chi 1/4 doanh thu cho R&D, với tổng số tiền là 161,5 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022, tỷ lệ R&D cao nhất từ trước đến nay của công ty. Các chi phí chính cho R&D bao gồm việc thay thế linh kiện, thiết kế lại bo mạch và phát triển hệ điều hành.

Theo Huawei, số lượng nhân viên công ty tăng lên 207.000 trong năm 2022 từ con số 195.000 của 2021.

Vào năm 2022, môi trường bên ngoài đầy thách thức và các yếu tố phi thị trường tiếp tục gây thiệt hại cho hoạt động của Huawei”, ông Eric Xu, Chủ tịch luân phiên của Huawei, nói tại cuộc họp báo.

Mạnh Vãn Chu sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn trong việc lèo lái Huawei vượt qua các lệnh trừng phạt của Mỹ và tìm kiếm nguồn doanh thu mới, khi thu nhập của công ty từ mảng kinh doanh smartphone một thời sinh lãi đã giảm đáng kể.

Cũng trong cuộc họp báo đó, Mạnh Vãn Chu cho biết hệ thống kế vị của Huawei không tập trung vào một cá nhân.

Chúng tôi sẽ không đặt niềm tin của công ty vào một cá nhân. Các quy tắc quản trị đã nêu rõ vai trò và trách nhiệm, lịch trình của chủ tịch luân phiên và tôi sẽ tuân theo các quy tắc đó”, bà nói.

Mạnh Vãn Chu nói thêm: “Là một công ty, chúng tôi không có khả năng thay đổi địa chính trị hay môi trường, mà chỉ có thể thích nghi với môi trường đó”.

cong-chua-huawei-doi-dien-cuoc-chien-kho-khan-de-dao-nguoc-doanh-thu.jpg
Bà Mạnh Vãn Chu dự cuộc họp báo báo cáo thường niên năm 2022 của Huawei tại thành phố Thâm Quyến vào ngày 31.3.2023 - Ảnh: AFP

Huawei đã và đang cố gắng điều chỉnh hoạt động sản xuất smartphone cùng thiết bị mạng viễn thông của mình cho phù hợp với “điều kiện bình thường mới” của các hạn chế thương mại bị Mỹ siết chặt vào năm 2020.

Những lệnh trừng phạt này bao gồm việc ngăn chặn Huawei tiếp cận chất bán dẫn tiên tiến được phát triển hoặc sản xuất bằng công nghệ của Mỹ bất kỳ ở đâu.

Doanh thu từ kinh doanh tiêu dùng của Huawei, bao gồm smartphone và việc thâm nhập thị trường ô tô điện mới nhất của họ với thương hiệu AITO, giảm 11,9% xuống còn 214,5 tỉ nhân dân tệ.

Từng là nhà cung cấp smartphone lớn nhất Trung Quốc, Huawei đã hết các chất bán dẫn tiên tiến được thiết kế nội bộ cho smartphone của mình vào quý 3/2022, theo một báo cáo từ công ty Counterpoint Research. Tuy nhiên, Huawei vẫn chưa từ bỏ mảng kinh doanh thiết bị cầm tay của mình và tung ra mẫu smarphone P60 hàng đầu cùng điện thoại có thể gập Mate X3 vào tuần trước. Không có kết nối 5G, hai smarphone này được được trang bị phiên bản 4G của chip Qualcomm Snapdragon 8.

Doanh thu từ kinh doanh nhà mạng của Huawei tăng nhẹ 0,9% lên 284 tỉ nhân dân tệ, trong khi hoạt động kinh doanh doanh nghiệp đạt mức tăng 30% doanh thu lên 133,2 tỉ nhân dân tệ, hưởng lợi từ nhu cầu nâng cấp kỹ thuật số mạnh mẽ từ các khách hàng trong ngành.

Huawei cũng lần đầu tiên tiết lộ doanh thu trong các phân khúc kinh doanh mới, gồm cả hoạt động kinh doanh điện toán đám mây mang lại 45,3 tỉ nhân dân tệ vào năm 2022. Doanh thu từ kinh doanh linh kiện ô tô là 2,1 tỉ nhân dân tệ.

Trong khi tìm cách đa dạng hóa để bù đắp khoản lỗ ở mảng kinh doanh smartphone, Huawei đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ Mỹ. Các báo cáo cho biết chính quyền Biden đang xem xét cắt đứt Huawei khỏi tất cả nhà cung cấp ở Mỹ.

Eric Xu nói Huawei đã đẩy mạnh phát triển các sản phẩm thay thế linh kiện điện tử trong nước, nỗ lực đã bắt đầu từ một thập kỷ trước, rất lâu trước khi bị Mỹ trừng phạt.

Tại cuộc hội thảo ngày 24.2, Nhậm Chính Phi tiết lộ Huawei đã thay thế hơn 13.000 linh kiện bị Mỹ cấm vận trong các thiết bị của mình bằng giải pháp tại địa phương và thiết kế lại hơn 4.000 bảng mạch trong 3 năm qua.

Huawei cũng đã thay thế 78 công cụ do nước ngoài sản xuất, trải dài từ phần cứng đến phát triển phần mềm, kể từ lần đầu bị thêm vào danh sách đen thương mại của Mỹ hồi tháng 5.2019.

Lệnh phong tỏa công nghệ do Mỹ dẫn đầu với Huawei được tăng cường sau tháng 8.2020, khi công ty Trung Quốc bị cắt quyền mua công nghệ và dịch vụ từ các hãng không phải của Mỹ như TSMC (nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở Đài Loan).

Trong lĩnh vực thiết kế chất bán dẫn, nơi đơn vị chip HiSilicon nội bộ của Huawei từng dẫn đầu ở Trung Quốc và đạt được vị thế trên thế giới, Huawei tuyên bố đã “cơ bản đạt được năng lực phần mềm tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) trong nước” cho các chip trên quy trình 14 nanomet mà không cung cấp thông tin chi tiết. Công ty dự kiến hoàn thành việc kiểm tra các công cụ thiết kế này vào năm 2023.

Eric Xu nói bước đột phá của Huawei về các công cụ thiết kế chip 14 nanomet có ý nghĩa rất nhỏ với hoạt động kinh doanh của hãng này. Thay vào đó, việc đó sẽ tạo cơ hội cho các công ty bán dẫn ở Trung Quốc sử dụng các công cụ này trong tương lai.

Về tác động của lệnh trừng phạt từ Mỹ với smartphone cao cấp của mình, Eric Xu nói công ty sẽ chỉ có thể sản xuất smartphone 5G khi Mỹ dỡ bỏ các hạn chế. Ông không cung cấp thông tin cập nhật về tiến độ của Huawei trong việc phát triển chip thay thế trong nước cho smartphone.

Theo các nhà phân tích và các nguồn tin trong ngành, các vấn đề của Huawei trong lĩnh vực sản xuất chip sẽ không sớm biến mất. Họ cho biết các quy trình thiết kế chip thường yêu cầu nhiều công cụ EDA hoạt động cùng nhau và dù Huawei có thể đã phát triển một số phần mềm thay thế, nhưng khả năng hãng này phát triển tất cả công cụ EDA cần thiết vẫn còn thấp.

Các công ty Mỹ như Synopsys, Cadence Design Systems và Siemens EDA (trước đây là Mentor Graphics) gần như độc quyền trên thị trường EDA toàn cầu.

Đã chiến đấu với các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ kể từ khi bị đưa vào danh sách đen cách đây vài năm, Huawei phải đối mặt áp lực gia tăng trong bối cảnh rộ tin chính quyền Biden có thể ngừng phê duyệt giấy phép xuất khẩu hàng loạt công nghệ cho công ty Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã thêm Huawei vào danh sách đen (danh sách thực thể) của Bộ Thương mại Mỹ vì lý do an ninh quốc gia vào năm 2019. Các nhà cung cấp của hầu hết công ty bị thêm vào danh sách thực thể đều thấy yêu cầu giao hàng cho các hãng mục tiêu của họ bị từ chối. Thế nhưng, chính quyền Trump đã thực hiện chính sách đặc biệt với Huawei, từ chối để công ty Trung Quốc tiếp cận một số thứ như chip 5G nhưng cho phép nhận các mặt hàng khác nếu công nghệ liên quan được coi là ít đe dọa hơn, chẳng hạn chip 4G.

Theo nhiều phương tiện truyền thông trích dẫn những người quen thuộc với tình huống này, gồm cả trang Financial Times, chính quyền Biden đang xem xét việc không cấp giấy phép như vậy nữa, dù quyết định vẫn chưa được đưa ra.

Nếu được xác nhận, lệnh cấm xuất khẩu hàng loạt công nghệ Mỹ sẽ cắt đứt hoàn toàn quyền tiếp cận của Huawei với các nhà cung cấp như Qualcomm, Nvidia và Intel, giáng một đòn mới vào hoạt động của hãng. Ví dụ Mate 50, smartphone hàng đầu của Huawei ra mắt cuối năm 2022 và sử dụng chip Qualcomm không hỗ trợ kết nối 5G, sẽ bị ảnh hưởng.

Các nhà phân tích tại BOCI, đơn vị ngân hàng đầu tư quốc tế của Ngân hàng Trung Quốc, viết trong một lưu ý rằng việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ với Huawei đồng nghĩa hoạt động kinh doanh smartphone của công ty Trung Quốc “có thể đối mặt với rủi ro mới”. Trong khi đó, tâm lý của nhà đầu tư với công nghệ Trung Quốc “có thể bị suy yếu do căng thẳng địa chính trị gia tăng”, nhà phân tích BOCI viết.

Bất chấp những khó khăn kinh doanh và triển vọng không chắc chắn hơn, Huawei vẫn là biểu tượng của niềm tự hào quốc gia ở Trung Quốc dù không còn dẫn đầu thị trường smartphone.

Các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ tình hình của Huawei, để đánh giá liệu biểu tượng thành tựu công nghệ Trung Quốc này có thể tồn tại dưới sự giám sát chặt chẽ hơn của Mỹ hay không. Nhậm Chính Phi đã cảnh báo các nhân viên vào năm 2022 rằng họ phải tập trung vào sự sống còn bằng mọi giá.

Dan Wang, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Gavekal, cho biết: "Huawei đang chạy đua với thời gian để đa dạng hóa hoạt động kinh doanh sang các phân khúc mới ít phụ thuộc vào chất bán dẫn tiên tiến hơn”.

Khi doanh thu từ mảng kinh doanh smartphone sụt giảm trong bối cảnh thiếu chip tiên tiến, Huawei đã tăng gấp đôi số lượng dịch vụ số hóa công nghiệp, dẫn đầu là những cam kết sẽ đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ các ngành công nghiệp truyền thống trong nước và chính phủ số hóa, sử dụng năng lực của mình ở 5G, trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ khác.

Sau thành công tại quê nhà với các dự án như thiết bị đầu cuối thông minh tự động tại cảng Thiên Tân, Huawei đang tìm cách tạo đà phát triển. Tại cảng Thiên Tân, thành phố ven biển phía đông nam thủ đô Bắc Kinh, Huawei hợp tác với những người khác xây dựng một nhà ga hoàn toàn tự động. Theo đó, các cần cẩu container có thể tự động di chuyển hàng hóa cùng các phương tiện có thể tự chạy và sạc.

Theo Huawei, chỉ khi hệ thống gặp sự cố không thể xử lý trong hệ thống vận chuyển ngang không người lái của mình (xác suất xảy ra là 0,5% hoặc thấp hơn) thì nó mới phát tín hiệu yêu cầu sự can thiệp từ xa của con người.

Sơn Vân