Vì sao Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất lần thứ 2 trong vòng nửa tháng?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 09:33, 01/04/2023

Chiều muộn 31.3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành các quyết định về điều chỉnh giảm 0,3 - 0,5%/năm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 3.4.2023.

Cụ thể, lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giữ nguyên ở mức 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giữ nguyên ở mức 6%/năm.

Với trần lãi suất tiền gửi, NHNN quyết định lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ mức 1%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ tại các quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.

Về lãi suất cho vay, NHNN quyết định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ của quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm từ 6%/năm xuống 5,5%/năm.

Cùng với đó, lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ của Kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng ngoại tệ của Kho bạc Nhà nước giữ ở mức 0%/năm; lãi suất đối với tiền gửi bằng VNĐ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%/năm.

Trước đó, ngày 15.3, cơ quan này cũng đã điều chỉnh giảm một số mức lãi suất chủ chốt. Như vậy chỉ hơn nửa tháng, NHNN đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất.

Lý giải về việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành, NHNN cho biết, kinh tế toàn cầu bất trắc, lạm phát neo cao, rủi ro bất ổn tài chính ngân hàng khiến ngân hàng trung ương các nước thận trọng hơn trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ.

Bên cạnh đó, các nước phát triển bước đầu tránh được suy thoái. Hoạt động kinh tế vẫn tăng tại Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc với động lực chính từ khu vực dịch vụ.

Từ ngày 10.3 đến nay, một số ngân hàng đóng cửa hoặc gặp khó khăn tại Mỹ và châu Âu khiến triển vọng toàn cầu thêm khó lường, rủi ro suy thoái kinh tế gia tăng. Các ngân hàng trung ương lớn đã bắt đầu phát tín hiệu chậm lại đà tăng lãi suất. Ngày 22.3, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chỉ tăng lãi suất thêm 0,25% và phát tín hiệu còn tăng thêm 1 lần vào tháng 5. Các tổ chức quốc tế thay đổi dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023 theo hướng giảm; trong khi dự báo lạm phát toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh tăng.

Đồng thời, ở trong nước, tăng trưởng kinh tế quý 1/2023 thấp nhất so với cùng kỳ kể từ năm 2011 do nhu cầu của thế giới sụt giảm, cầu trong nước yếu. GDP quý 1/2023 tăng 3,32%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý 1/2020 trong giai đoạn 2011-2023. Một số tổ chức dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 là 5,8 - 6,8%. Lạm phát tăng chậm lại trong 3 tháng đầu năm, lạm phát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với cùng kỳ từ mức 4,89% tháng 1 xuống 3,35% tháng 3; lạm phát cơ bản từ 5,21% xuống 4,88%, bình quân 3 tháng là 5,01%. Lạm phát chung và lạm phát cơ bản đều chậm lại trong bối cảnh sức cầu yếu.

Thị trường tiền tệ thời gian qua ổn định, thanh khoản hệ thống của các tổ chức tín dụng dồi dào, đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả của nền kinh tế; lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh và mạnh. Thị trường ngoại tệ ổn định, thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ. Từ tháng 1.2023, NHNN đã mua được ngoại tệ từ các tổ chức tín dụng để bổ sung dự trữ ngoại hối nhà nước và đưa lượng tiền lớn VNĐ vào lưu thông. Ngày 30.3.2023, tỷ giá trung tâm ở mức 23.603 đồng/USD, giảm khoảng 0,04% so với cuối năm 2022; tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường liên ngân hàng khoảng 23.480 đồng/USD, giảm 0,4% so với cuối năm 2022.

Trong bối cảnh đó, việc giảm lãi suất điều hành là để giảm lãi suất cho vay và thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, việc tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành nêu trên là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu phục hồi tăng trưởng kinh tế của Quốc hội và Chính phủ; qua đó tiếp tục định hướng giảm mặt bằng lãi suất thị trường, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế.

Mặc dù vậy, NHNN không chủ quan với áp lực lạm phát vẫn ở mức sát với mục tiêu 4,5% ngay trong quý 1; lạm phát toàn cầu được dự báo tiếp tục duy trì ở mức cao; các ngân hàng trung ương lớn tiếp tục tiến trình thắt chặt chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng và neo giữ lãi suất ở mức cao. NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng có các giải pháp tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

H.Đ