Tiếp tục thực hiện thí điểm Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 09:55, 01/04/2023

Sau 2 đợt thực hiện thí điểm, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM lại tiếp tục được thực hiện thí điểm lần 3 chứ chưa được chính thức hóa như mong muốn của đơn vị này.

Ngày 31.3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 333/QĐ-TTg về kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM (sau đây viết tắt là Ban).

Theo đó, Ban tiếp tục được kéo dài thời gian thí điểm từ ngày 1.4.2023 cho đến khi Thủ tướng Chính phủ quyết định mô hình hoạt động chính thức của Ban.

ban-quan-ly-an-toan-thuc-pham-tphcm-tiep-tuc-thuc-hien-thi-diem-lan-thu-3-hinh-anh(1).png
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM vẫn chưa được chính thức hóa tồn tại theo mô hình nào - Ảnh: PV

Như vậy, đây là chu kỳ thứ 3 mà Ban được thực hiện thí điểm.

Trước đó, ngày 5.12.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2349/QĐ-TTg về thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM với thời gian 3 năm. Sau đó, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý cho Ban tiếp tục thực hiện nhiệm vụ đến ngày 31.3.2020. Đến ngày 1.4.2020, Thủ tướng đã ký Quyết định số 446/QĐ-TTg về kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban trong thời gian 3 năm, kể từ ngày 1.4.2020.

Sau 6 năm thực hiện thí điểm, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban đã nhiều lần mong muốn mô hình “sống thử” này phải được chính thức hóa trở thành Sở An toàn thực phẩm nhằm tổ chức một cách chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn, chính thức hơn.

Theo bà Lan, trong 6 năm hoạt động vừa qua, Ban đã tập trung thực hiện 3 nhiệm vụ, là xây dựng thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn và nâng cao nhận thức cho cộng đồng.

Đối với công tác xây dựng thực phẩm sạch, Ban đã đẩy mạnh việc xây dựng và kêu gọi tiêu thụ chuỗi thực phẩm an toàn cũng như những thực phẩm tươi sống khác từ ngành nông nghiệp.

Trong đó, việc chống thực phẩm bẩn, Ban có cả hệ thống các đội quản lý an toàn thực phẩm xuống tận địa bàn các quận, huyện và chợ đầu mối, chợ truyền thống để kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm.

Trong công tác nâng cao nhận thức người dân, Ban đã tăng cường kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm để đảm bảo được nguồn gốc, khi có xảy ra vấn đề mất an toàn nào thì truy xuất, ngăn chặn sự phát tán và gián tiếp giúp người dân sản xuất thực phẩm một cách an toàn.

“Trong suốt 6 năm hoạt động thí điểm vừa qua, Ban đã góp phần giúp cho thực phẩm của TP an toàn hơn trước đây. Điều này thể hiện qua việc tỷ lệ lấy mẫu tăng so với trước đây nhưng tỷ lệ mẫu vi phạm giảm; thực phẩm sạch ngày càng gia tăng với nhiều chuỗi nông sản tươi sống như VietGAP, GlobalGAP… hay chuỗi thực phẩm an toàn; đồng thời nâng cao được nhận thức cho cộng đồng”, bà Lan nhấn mạnh.

Hồ Quang