Cổ phần hóa đơn vị nghệ thuật: Ngoài tiền bạc, chủ mới phải có tâm có nghề
Góc bình luận - Ngày đăng : 12:00, 01/04/2023
Quả thật rất xót xa cho nền điện ảnh cách mạng rất đáng tự hào mà nhiều lớp nghệ sĩ và CB-CNV của điện ảnh nước nhà tạo dựng nên. Vậy mà giờ đây, thật tang thương vì không thấy ánh sáng trong đường hầm sau nhiều năm nó ngắc ngoải, "chết lâm sàng".
Cụ thể nhất là một hãng phim truyện tầm quốc gia VFS với bề dày lịch sử đầy tự hào, không nhiều đơn vị nghệ thuật trong nước có thể sánh nổi, vậy mà chỉ trong "chớp mắt", VFS được đem ra tiến hành cổ phần hóa (CPH) một cách không giống ai. Vì thế, sự thảm bại là điều khó tránh.
Theo thông tin báo chí, quá trình CPH hãng VFS được tiến hành từ năm 2014. Nó được dự kiến năm 2015 hoàn thành. Thế nhưng việc CPH đã phải kéo dài tới năm 2016 mới tìm được cổ đông chiến lược là Tổng công ty Vận tải thủy (Vivaso). Đây là doanh nghiêp chỉ chuyên về vận tại thủy. Ấy vậy không hiểu sao, chỉ với 32,5 tỉ đồng, Vivaso đã giành được 65% tổng trị giá doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược.
Thật béo bở cho Vivaso khi mảnh đất vàng sát bờ hồ Tây 5.000m2 đất thuê của nhà nước đã thuộc về họ. Và cuối cùng, Vivaso đã hoàn tất quá trình mua lại VFS vào tháng 6.2017. Nhưng rồi sự việc phải dừng, lỡ dở do chỉ đạo của Chính phủ kịp thời đưa ra sau những lùm xùm. Nó cũng làm cho cả hai, chủ mới của doanh nghiệp và người lao động sở tại không thể làm thêm được gì. Cho đến giờ, Bộ VH-TT-DL vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết chuyện này cho đúng luật.
Tôi vừa nghe chính ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh đã thốt lên thật đau đớn trong sự bất lực về chuyện này. Nghe mới vỡ lẽ, khi Bộ VH-TT-DL tổ chức CPH thì lúc đó, Cục trưởng Điện ảnh là bà Ngô Phương Lan tuyệt nhiên không được bộ yêu cầu cho ý kiến. Ấy vậy mà vừa rồi, trước thảm cảnh đầy khó xử thì ông Vi Kiến Thành bỗng nhiên lại được yêu cầu cho ý kiến để xử lý. Điều này khiến ông thấy buồn về bộ ông...
Liệu Bộ VH-TT-DL có nên cho tổ chức đấu thầu lại theo cách khác với mọi cuộc đấu thầu CPH doanh nghiệp (dù về lý thì không ai có quyền ngăn cản bất cứ ai/đơn vị được dự thầu nếu họ muốn)?
Giờ đây, có lẽ các vị lãnh đạo ngành điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung, nên tìm cách vận động những anh chị em nào đạt được một số tiêu chí ban đầu tham gia dự thầu, nếu trúng thầu sẽ quản lý cơ sở này đúng với Luật Doanh nghiệp để vực ngành dậy.
Ví dụ người đấu thầu phải là nghệ sĩ có tài, có ảnh hưởng và uy tín nhất định trong giới, trong xã hội; là người giàu từ chính nghề điện ảnh, nghề giúp họ thành danh và có tiền; là người luôn hào hiệp làm việc thiện hoặc các hoạt động xã hội được dư luận xã hội đánh giá cao và xã hội đã ghi nhận sự đóng góp đó của họ với cộng đồng...
Trong giới nghệ thuật điện ảnh, theo tôi, có nhiều người rất tài năng. Họ làm giàu bằng chính nghề họ đam mê, hoặc qua vai diễn họ trở nên nổi tiếng rồi làm việc khác mà thành khá giả.
Tôi chưa biết nhiều về giới nghệ sĩ này, mới chỉ lóe lên một đề xuất với mấy cái tên sáng láng. Họ hội đủ từng đó tiêu chí để trở thành ông chủ của VFS. Đó có thể là các nghệ sĩ, diễn viên như Chi Bảo, Trấn Thành...
Nói về độ giàu có, tôi đoán có thể Trấn Thành là người nghệ sĩ đã làm giàu bằng nghề này. Nghe nói bộ phim gần đây anh cho ra mắt đạt doanh thu khủng với hơn 500 tỉ đồng, thì đúng là hiếm và quý.
Chi Bảo có thể không giàu bằng Trấn Thành và không giàu do làm phim nhưng các anh đều là “người của công chúng”, trưởng thành từ diễn viên điện ảnh thực thụ. Họ cũng hoạt động từ thiện xã hội, được khán giả và công chúng yêu quý. Chi Bảo đã trong đội ngũ lãnh đạo Hội Nghệ sĩ điện ảnh TP.HCM, cũng như Hội Điện ảnh Việt Nam…
Nên chăng, cần vận động những nghệ sĩ nói trên cùng liên danh để dự thầu CPH hãng VFS, hoặc tự đứng riêng nếu họ muốn. Làm được điều đó, tôi tin rằng VFS sẽ lớn mạnh hơn.
Họ có thể làm phim mà tính hàn lâm chưa cao, tính trí tuệ chưa sắc sảo. Bù lại, họ gần gũi với công chúng hơn, nắm bắt thứ mà khán giả cần để có những tác phẩm vừa ăn khách vừa nghệ thuật. Tôi tin, khi cờ đến tay họ, họ sẽ biết hợp tác với ai để có được kết quả tốt nhất cả về chất lượng phim cũng như nguồn thu tài chính, không quá bảo thủ như những bậc đàn anh, thậm chí là thầy của họ nhưng lại không giỏi làm ra tiền nuôi nhau.
Nên nhớ một điều, cơ quan nào có trách nhiệm trong việc này cần gặp gỡ, vận động họ dũng cảm gánh vác công việc, trước hết là vì sự nghiệp điện ảnh nước nhà, chứ không phải ham hố làm giàu, vì tiền... Giới nghệ sĩ luôn có tấm lòng tốt, nhưng dễ bị tổn thương khi bị người khác hiểu lầm.
Rất có thể ở một vài khía cạnh họ chưa đủ tầm, nhưng về cơ bản, tôi vẫn tin rằng, bằng ảnh hưởng to lớn trước công chúng và bằng tài sản có được từ tài năng, mồ hôi, nước mắt, lao động nghệ thuật cần mẫn… họ sẽ biết trân trọng, yêu quý đồng nghiệp và biết cách vực dậy ngành điện ảnh nước nhà.
Tình trạng lụn bại của Hãng phim truyện Việt Nam - VFS những năm qua và đến tận bây giờ do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân cơ bản nhất chính là sự thiếu hiểu biết về CPH, những người có trách nhiệm đã không hiểu rằng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật dứt khoát không thể CPH kiểu như vậy được.