Phe đối lập Venezuela trả giá đắt vì phế truất 'Tổng thống lâm thời' Guaido
Quốc tế - Ngày đăng : 12:32, 01/04/2023
Trong một cuộc phỏng vấn ở Washington hôm 31.3, ông Lopez cho Bloomberg biết phe đối lập, vốn dựa vào các tài khoản của chính phủ Venezuela bị đóng băng do các lệnh trừng phạt ở Mỹ để tài trợ cho các hoạt động của mình, đã không được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ cấp giấy phép để tiếp cận các quỹ.
Các tài khoản nắm giữ 347 triệu USD trước đây thuộc quyền kiểm soát của ông Juan Guaido người được Mỹ công nhận là tổng thống hợp pháp của Venezuela.
Theo Bloomberg, phe đối lập hiện có khoản nợ ước tính 9,4 triệu USD với 7 công ty luật đại diện cho các cuộc chiến pháp lý của Venezuela ở nước ngoài. Phe này cũng nợ khoảng 2.000 USD tiền lương hàng tháng cho hơn 100 nhà lập pháp đối lập.
Venezuela đang phải đối mặt với ít nhất 145 vụ kiện pháp lý với tổng trị giá lên tới 26 tỉ USD ở nước ngoài, hầu hết trong số đó ở Mỹ.
“Với việc giải tán chính phủ lâm thời, khả năng tiếp tục được Mỹ hỗ trợ pháp lý là điều vẫn chưa được xác định. Ngay bây giờ, chúng tôi không được cấp bất kỳ giấy phép cụ thể nào, điều đó là không thể. Các nhà lập pháp của chúng tôi đang gặp khó khăn”, ông Lopez nói.
Tình trạng thiếu hụt kinh phí nghiêm trọng là thất bại gần đây nhất đối với phe đối lập sau khi họ giải thể chính phủ lâm thời của ông Juan Guaido vào đầu năm. Vào tháng 2, phe đối lập cũng mất quyền tiếp cận các cơ sở ngoại giao của Venezuela ở Mỹ.
Các nhà lãnh đạo phe đối lập Venezuela và chính quyền Mỹ được cho là đang đàm phán để đạt được chứng nhận và lấy lại quyền truy cập vào các quỹ vốn đang bị đóng băng.
“Chúng tôi hy vọng rằng có thể sớm tiếp cận được các quỹ để quyền lợi của người dân Venezuela được đại diện hợp pháp tại các tòa án. Điều này là cần thiết cho lợi ích của Venezuela”, nhà lãnh đạo phe đối lập của Venezuela Leopoldo Lopez nhấn mạnh.
Sau khi bỏ phiếu phế truất "Tổng thống lâm thời" Juan Guaido và giải tán chính phủ, quốc hội đối lập Venezuela đã bổ nhiệm một ủy ban quản lý tài sản nước ngoài, khi các nhà lập pháp tìm kiếm một mặt trận thống nhất trước cuộc bầu cử dự kiến tổ chức vào năm 2024.
Ba trong số bốn nhóm đối lập lớn - Công lý trên hết, Hành động dân chủ và Kỷ nguyên mới - ủng hộ dự luật lật đổ ông Guaido và thành lập ủy ban gồm 5 thành viên để quản lý tài sản nước ngoài, đặc biệt là nhà máy lọc dầu Citgo có trụ sở tại Mỹ, một công ty con của công ty dầu mỏ nhà nước Venezuela PDVSA.
Những người ủng hộ nói rằng việc kiểm soát tài sản nước ngoài của phe đối lập không gặp rủi ro và việc giải tán là cần thiết để đạt được sự thống nhất trước cuộc bầu cử.
Các điều khoản loại bỏ "chính phủ lâm thời" và điều khoản thành lập ủy ban tài sản đều được thông qua với 72 phiếu thuận, 29 phiếu chống và 8 phiếu trắng.
Về phần mình, ông Guaido đã không ủng hộ nỗ lực này, kêu gọi các nhà lập pháp không giải tán "chính phủ lâm thời". "Hủy bỏ điều này là nhảy xuống vực thẳm. Nó đang phá hủy những gì có thể được duy trì", ông Guaido nói với hội đồng sau cuộc bỏ phiếu.