Đảm bảo kết nối dữ liệu, tăng tương tác giữa người dân và chính quyền trên môi trường số
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 20:52, 01/04/2023
Đối với việc triển khai chuyển đổi số, Chính phủ số, Xã hội số, An toàn thông tin mạng, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết sau 3 năm triển khai, có phát sinh nhiều vấn đề cụ thể ở tầm thực thi.
Sắp tới, Bộ sẽ làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp theo chuyên đề với lãnh đạo các Sở để lắng nghe các vấn đề thực tiễn, từ đó có những kiến nghị về chính sách để tổ chức tháo gỡ các vấn đề một cách kịp thời.
Tại tỉnh Cà Mau, theo ông Trần Quốc Chính – Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Cà Mau, các thành tố cơ bản của Hệ thống quản lý Chính quyền điện tử, Chính quyền số, bao gồm sử dụng Trục liên thông nội tỉnh (LGSP) để kết nối và chia sẻ; triển khai Hệ thống xác thực tập trung và đăng nhập một lần (SSO).
Ngoài ra, tích hợp các ứng dụng dùng chung cả tỉnh, dùng riêng cho một số lĩnh vực, ngành vào Chính quyền điện tử, Chính quyền số gọi tắt là CaMau-G; triển khai trên web để quản trị, phân quyền và App để sử dụng.
Theo đó, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Cà Mau cho biết Hệ thống quản lý tập trung CaMau-G được sử dụng trên 2 nền tảng công nghệ di động phổ biến hiện nay, là Android và iOS.
Mục tiêu chính là tích hợp các hệ thống thông tin, các ứng dụng hiện có, sẽ phát triển và cung cấp ứng dụng số phục vụ tối đa đối tượng người dùng. Là kênh tương tác chính thức, nhanh chóng, hiệu quả giữa người dân và chính quyền trên môi trường số.
Hệ thống quản lý tập trung của tỉnh Cà Mau (CaMau-G) được vận hành chính thức vào ngày 1.7.2022. Sở TT-TT tỉnh Cà Mau cho biết đến nay đã có hơn 20.000 lượt cài đặt ứng dụng CaMau-G; 26% hộ dân của 45/101 xã phường được triển khai các ứng dụng.
Cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong tỉnh có thể theo dõi lịch làm việc của lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; lãnh đạo nhận được thông báo khi có lịch thay đổi, trao đổi thông tin qua Video call.
Cụ thể, ứng dụng CaMau-G đã tích hợp được các hệ thống, như thông tin và cơ sở dữ liệu về nông nghiệp; thông tin đất đai; thông tin về du lịch Cà Mau; sàn thương mại điện tử Made in CaMau, VoSo, PostMart. Các ví điện tử, gồm VNPT Money, Viettel Money, MobiFone Money. Ngoài ra còn có các ứng dụng về giáo dục, gồm vnEdu, Smas, Edu.One; dịch vụ Y tế - VNCare… và một số hệ thống khác.
Theo lãnh đạo Sở TT-TT tỉnh Cà Mau, các ứng dụng dù có tốt nhưng người dùng không quan tâm thì sẽ rơi vào lãng phí, không còn giá trị. Vì vậy, bên cạnh công tác truyền thông, chủ trương triển khai của lãnh đạo tỉnh ngay từ đầu là cần thiết nhằm đảm bảo sự nhất quán, đồng bộ khi đưa vào sử dụng.
Ông Trần Quốc Chính cho biết lãnh đạo tỉnh thường xuyên lắng nghe người dùng để không ngừng nâng cấp, cải tiến, hoàn thiện nhằm tăng tính tiện dụng của ứng dụng.
Tuy nhiên, khi xây dựng CaMau-G, đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. Theo Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Cà Mau, các phần mềm, ứng dụng có sẵn đa phần không tuân thủ đầy đủ kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh nên quá trình tích hợp gặp rất nhiều khó khăn.
Ngoài ra, kết nối với các cơ sở dữ liệu của Bộ, ngành Trung ương đôi lúc không ổn định do API cung cấp kết nối trước đó bị lỗi; nhóm hỗ trợ kỹ thuật kết nối đôi lúc chậm hỗ trợ nên dịch vụ cung cấp cho người dùng đôi lúc bị gián đoạn.
Như phát biểu trước đó của Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2023 là năm dữ liệu số Việt Nam, sử dụng dữ liệu số để tạo ra nhiều giá trị mới. Do đó, lãnh đạo Sở TT-TT tỉnh Cà Mau nhấn mạnh việc ổn định là rất quan trọng, vì vậy, Sở TT-TT tỉnh Cà Mau đề xuất với Bộ nên có quy định chung để đảm bảo tính ổn định khi kết nối dữ liệu.