Huế lấy sông Hương làm trục chính để phát triển đô thị
Sự kiện - Ngày đăng : 11:31, 02/04/2023
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Phương cho biết, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành các bước phân loại đô thị và thành lập thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là đồ án quy hoạch mang tính chất bản lề, định hướng mô hình phát triển tổng thể về không gian đô thị; xác định khung hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai; là cơ sở pháp lý quan trọng để tiến hành lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, các dự án đầu tư hạ tầng khung; hướng đến xây dựng, phát triển đô thị một cách bền vững, thích ứng và ứng phó với biến đổi khí hậu...
Đồng thời, ông Phương thông tin: “Hiện nay, để hoàn thành công tác xây dựng đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh đang chỉ đạo các ngành đồng loạt khẩn trương triển khai các đề án thành phần để quyết tâm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 54 đề ra, trong đó, quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế là một hợp phần hết sức quan trọng. Đến thời điểm hiện nay đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, tổ chức công bố lấy ý kiến cộng đồng; hoàn thành hội nghị lấy ý kiến các địa phương về phương án quy hoạch. Do tính cấp bách về tiến độ triển khai và là đề án tiền đề quan trọng, làm cơ sở tiến hành các đề án khác nên đồ án Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên - Huế phấn đấu hoàn thiện, trình thẩm định phê duyệt trong tháng 4.2023”.
Các chuyên gia đánh cao công tác chuẩn bị, hồ sơ đồ án thể hiện công phu, bài bản; đánh giá rõ lịch sử hình thành và quá trình phát triển của tỉnh, đặc biệt là việc lấy sông Hương làm trục chính để hướng đô thị về phía biển.
Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính cho rằng, đồ án đã thể hiện được hạt nhân là thành phố Huế hiện nay và tính toán rõ không gian phát triển; quy mô phát triển tại các khu vực nông thôn và thành thị…
Ông Chính đề nghị cụ thể hóa tính kết nối vùng bằng các tuyến giao thông, nhất là vấn đề kết nối phía bắc, tây và nam. Từ đó, định hướng liên kết với hệ thống giao thông quốc gia.
Về hướng phát triển kinh tế, ông Chính nhận định, kinh tế biển có vai trò quan trọng, trong đó, đầm phá Tam Giang cần liên kết với biển để tạo động lực phát triển lớn hơn, đảm bảo liên kết với các cảng biển ở khu vực miền Trung.
Theo quan điểm của PGS-TS Trần Đình Thiên - chuyên gia kinh tế, thành viên tổ tư vấn Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, lập đồ án sẽ tạo ra cơ hội cho tỉnh định hình một đô thị đặc biệt. Dù vậy, để đồ án khả thi, hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể hơn để thực hiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đã đặt ra.
PGS-TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Cụ thể hóa tầm nhìn sẽ tạo ra cách tiếp cận cấu trúc không gian tốt hơn. Từ đó, tạo ra một đô thị khác biệt, giàu tính cạnh tranh. Huế mang trong mình sứ mệnh lịch sử đặc biệt nên cần có sự gắn kết trong xu thế phát triển của quốc gia. Chúng ta phải làm thế nào khi bàn đến việc phát triển Huế cũng là câu chuyện phát triển của đất nước”. Đồng thời, ông Thiên đề nghị tỉnh quan tâm đến việc đầu tư cho Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; phát triển các đô thị phía đầm phá và biển; đặt mục tiêu cao hơn trong các chỉ số phát triển, đặc biệt là thu nhập bình quân đầu người…
Liên quan đến giai đoạn phát triển, lãnh đạo Hội kiến trúc sư Việt Nam đề nghị tỉnh xem xét lại tầm nhìn, bởi tầm nhìn đến năm 2065 vượt xa so với tầm nhìn phát triển quốc gia.
Lãnh đạo Hội kiến trúc sư Việt Nam đưa ra nhận định: “Trong mục tiêu dự kiến của tỉnh, có một số chỉ số khá nặng, trong khi đó các mũi nhọn phát triển vẫn chưa nổi trội. Việc phân tích nguyên nhân chậm phát triển ở một số khu vực, đặc biệt là các khu công nghiệp vẫn chưa rõ ràng. Ngoài ra, không gian đô thị đối với khu vực Chân Mây - Lăng Cô chưa phát triển đúng tiềm năng… Đó là những thách thức hiện hữu lúc này”.