Giọng nói và đài từ: Điểm yếu ‘chết người’ của nhiều diễn viên trẻ!

Văn hóa - Ngày đăng : 12:39, 02/04/2023

Đạo diễn Lê Văn Thảo bộc bạch: “Ai cũng biết diễn viên trẻ có giọng tốt bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, đạo diễn nào cũng ý thức tầm quan trọng của khâu lồng tiếng.

Gần đây, công chúng bùng lên ý kiến phản ánh việc quá chán nản khi xem một số phim truyền hình đang được phát sóng có lồng tiếng Việt.

Cụ thể là đạo diễn không sử dụng tiếng thật của diễn viên mà nhờ diễn viên lồng tiếng làm thay việc này. Khán giả chán vì giọng giả, không khớp miệng. Ý kiến này khiến nhiều người trong nghề gồm đạo diễn, diễn viên buồn nhưng “bất lực” trước thực tế.

Tiếng nói và đài từ kém

Trong tất cả các trường dạy diễn xuất, tiếng nói sân khấu là một môn học bắt buộc vì giọng nói hay có tác động mạnh đến cảm xúc của khán giả. Bên cạnh việc luyện tập cho tiếng nói khỏe, vang, trong và rõ, học viên còn được luyện đài từ. "Đài từ" được hiểu là cách phát âm, nhả chữ thông qua ngữ điệu của bản thân để thể hiện cảm xúc qua lời thoại. Những khán giả thế hệ 7X trở về trước được xem thế hệ nghệ sĩ sân khấu và điện ảnh ở những năm thập niên 1970 trở về trước sẽ biết rõ tiếng nói sân khấu và đài từ của nghệ sĩ rất đẹp và chuẩn.

Về phía nghệ sĩ nam, Khánh Hoàng, Minh Hoàng, NSƯT Quốc Thảo được xem là giọng đẹp, còn tất cả các nghệ sĩ còn lại như NSƯT Thành Lộc, Trung Dân, NSƯT Thanh Nam là giọng chuẩn, rõ ràng và thể hiện rõ cá tính của nghệ sĩ lẫn nhân vật.

Còn với nghệ sĩ nữ, Tú Trinh nổi tiếng là giọng đặc thù bên cạnh đó, Hồng Đào, Thanh Thủy, Hoàng Trinh đều là những chất giọng rất mượt.

Theo nhiều người am hiểu, thế hệ nghệ sĩ 7X trở về trước được đào tạo chu đáo, bài bản và kỳ công nên tất cả những kỹ năng cần thiết như kỹ thuật diễn, tiếng nói sân khấu họ đều rèn luyện đến mức tốt nhất có thể.

Ngày nay, thế hệ diễn viên trẻ đa phần kém về chất giọng lẫn đài từ. Chỉ một ít trong số đông ấy là có giọng nói đạt chuẩn. Lý do là vì, ngày nay, các bạn sinh viên trường nghệ thuật có quá nhiều cơ hội làm nghề sớm. Họ chỉ học năm nhất, hoặc năm hai là đã có show để chạy nên việc rèn luyện không bằng thế hệ trước. Hoặc là nhiều bạn chưa được đào tạo căn bản diễn xuất, đã được mời vào phim nên không có quá trình rèn luyện các kỹ năng cơ bản cần thiết. Hậu quả là tiếng nói của họ vô cùng kém hấp dẫn và thuyết phục. Nhiều diễn viên đã thành công trong điện ảnh, nhưng khi tham gia diễn kịch, tiếng nói sân khấu của họ vừa thiếu truyền cảm, vừa yếu.

Chính vì vậy, rất nhiều diễn viên xem việc được tham gia diễn kịch là cách để nâng cao kỹ năng, trong đó có tiếng nói sân khấu.

longtieng2.jpg
Nhiều phim hiện nay sử dụng lồng tiếng trong phòng thu âm - Ảnh: Internet

Sự xuống cấp của chất lượng lồng tiếng

Trước thực tế đó, các đạo diễn phim truyền hình buộc phải sử dụng diễn viên lồng tiếng. Thời kỳ đầu, lực lượng diễn viên lồng tiếng rất chuyên nghiệp nên việc lồng tiếng góp phần nâng cao cảm xúc cho nhân vật. Nhưng về sau này, chất lượng lồng tiếng ngày một xuống cấp trầm trọng.

Đạo diễn Lê Văn Thảo bộc bạch: “Ai cũng biết diễn viên trẻ có giọng tốt bây giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì vậy, đạo diễn nào cũng ý thức tầm quan trọng của khâu lồng tiếng. Như khi làm phim Hồn Lụa, tôi vào tận phòng thu kiểm tra từ diễn viên chính đến quần chúng. Tất cả hoàn chỉnh thì mới giao phim cho nhà sản xuất và nhà sản xuất giao phim cho đài truyền hình”.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Lê Văn Thảo, hiện nay có một số đạo diễn đắt show, công việc họ bận bịu nên họ không có thời gian kiểm tra và giao luôn cho người sắp loto (tạm gọi là người thầu show lồng tiếng). Vì lợi nhuận, họ sử dụng những diễn viên lồng tiếng với chi phí rẻ, kém chất lượng. Điều này cũng được nhiều đạo diễn chấp nhận vì nó cũng góp phần tiết kiệm chi phí cho nhà sản xuất.

datphi.jpg
Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi được nhiều người kính trọng gọi là thầy - Ảnh: Internet

Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi cũng từng chia sẻ rất nhiều lần về thực trạng buồn của nghề lồng tiếng. Cát sê lồng tiếng của thời điểm hiện tại vẫn ngang với cách đây 15 năm, trong khi chi phí mọi thứ gia tăng rất nhanh. Nhưng vì sao giá lồng tiếng vẫn không tăng? Câu trả lời là vì có quá nhiều nhóm lồng tiếng xuất hiện và giành khách bằng cách hạ giá cát sê. Vì họ nhận cát sê thấp nên buộc họ phải nhờ những diễn viên lồng tiếng không chuyên đảm nhận việc này. Hậu quả là giọng lồng tiếng thiếu biểu cảm và không khớp với nhân vật (do bộ phận kỹ thuật yếu và cẩu thả). Khổ nỗi, những giọng lồng tiếng này còn hay hơn giọng thật của diễn viên.

Một lý do khiến đạo diễn phim Việt không thu tiếng trực tiếp của diễn viên còn vì lý do kỹ thuật của Việt Nam chưa thể đảm bảo. Tại trường quay luôn xảy ra nhiều tạp âm, và những âm thanh ngoài ý muốn ấy lọt vào sẽ khiến cho nội dung phim bị ảnh hưởng.

Đạo diễn Xuân Phước cho biết, ngày xưa ê-kíp làm phim Người tình của Pháp sang quay tại Việt Nam. Để thu tiếng trực tiếp, họ trả tiền cho tất cả những hộ kinh doanh trong khu vực quay phim để họ đóng cửa. Vậy mà lúc quay, vẫn còn âm thanh mì gõ lọt vào. Toàn bộ ê-kíp phải dừng lại, tìm cho được người gõ, mua toàn bộ xe mì và yêu cầu họ không gõ nữa. Đoàn phim Việt Nam không bao giờ đủ kinh phí để làm được việc tương tự. Vậy nên buộc phải sử dụng lồng tiếng trong phòng thu.

Tuy nhiên, bên cạnh những nhà sản xuất sử dụng lồng tiếng cẩu thả, vẫn còn nhiều nhà sản xuất vẫn chu toàn mọi quy trình làm phim.

lophoctrainghiemlongtieng.jpg
Với thế hệ khán giả 8X đời đầu, 7X, 6X... những bộ phim TVB được lồng tiếng vô cùng cuốn hút để lại dấu ấn khó quên trong lòng người xem

Vẫn còn đó những bộ phim hay với chất lượng lồng tiếng tuyệt vời. Những nhà sản xuất này chấp nhận trả tiền lương cao để thuê những nhóm lồng tiếng cao cấp. Tất nhiên, với những bộ phim này khán giả không hề bị chán, hay thất vọng. Những diễn viên lồng tiếng cao cấp ấy không thỏa hiệp với cách giành khách bằng cách hạ giá, bởi vì họ ý thức được vai trò của mình.

Khi từ chối lồng phim Việt giá rẻ, họ vẫn có cơ hội lồng tiếng cho phim Hollywood hoặc phim Hàn Quốc, hoặc đọc quảng cáo. Với những diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp này, giọng của họ chính là niềm hãnh diện tự thân. Họ gìn giữ và không chấp nhận bán rẻ nó.

Về phía các đạo diễn chấp nhận các diễn viên lồng tiếng kém chất lượng, kinh phí eo hẹp phải thắt lưng buộc bụng là vấn đề nan giải hiện nay. Họ buộc phải “giật gấu vá vai” để nhà sản xuất còn có thể đi tiếp trên hành trình làm phim. Họ cũng mong muốn phim của mình được hoàn chỉnh với những dàn diễn viên lồng tiếng đỉnh cao, nhưng đành bất lực vì kinh phí khiêm tốn. Thế nhưng, xem ra mong ước này còn nan giải hơn việc mong có nhiều tiền hơn để thuê diễn viên lồng tiếng giỏi. Bởi vì, không biết đến chừng nào mới xuất hiện những diễn viên có giọng hay và đài từ đẹp.

Thế nên, vòng lẩn quẩn trong việc phải sử dụng diễn viên lồng tiếng khó có thể thay đổi, ít nhất là trong vòng 5 năm tới.

Nguyễn Huy