Lượt trận thứ 4 vòng loại U.19 Quốc gia: Hà Nội lên tiếng, SLNA trượt dài
Thể thao - Ngày đăng : 05:00, 03/04/2023
Bảng A: Giải mã thành công Thanh Hóa
Tại bảng A, đương kim vô địch Hà Nội đã giải mã thành công Thanh Hóa. Sau 3 lượt trận, Thanh Hóa là đội duy nhất ở bảng A có được thành tích toàn thắng nhưng đó cũng là nhờ họ chưa gặp phải 2 đối thủ thực sự mạnh của bảng là Hà Nội và Viettel. Trong khi đó, Hà Nội sau khi khởi đầu chưa thật sự nóng máy khi để Công an Hà Nội cầm hòa 1-1 thì đã dần lấy lại cảm giác thi đấu bằng việc đánh bại Quảng Ngãi 4-0 và chia điểm với á quân Viettel.
Tại lượt đấu thứ 4, Hà Nội thể hiện sức mạnh thật sự khi nhập cuộc mạnh mẽ trước Thanh Hóa để dẫn trước 2 bàn ngay trong 10 phút đầu. Sở dĩ Hà Nội vào cuộc ngọt như vậy cũng vì ngay phút thứ 5, đội bóng xứ Thanh đã phải chơi thiếu người do Nguyễn Đức Tùng nhận thẻ đỏ.
Trước đối thủ mạnh hơn lại phải đá thiếu người rồi bị dẫn trước 2 bàn nhưng Thanh Hóa cũng không để vỡ trận. Thậm chí, họ có bàn rút ngắn tỷ số xuống 1-2 vào gần cuối hiệp 1. Ngay cả khi Hà Nội vươn lên dẫn trước 3-1 ở phút 64 thì Thanh Hóa cũng không nao núng tinh thần mà có bàn rút ngắn 2-3 phút 74. Điều đó khiến Hà Nội rơi vào cảnh khá hồi hộp trong những phút cuối trước khi trận đấu khép lại.
Kết quả trận đấu chưa thể giúp Hà Nội lọt vào top 2 nhưng họ đã thu hẹp khoảng cách với Thanh Hóa xuống chỉ còn 1 điểm. Trong khi đó, Thanh Hóa đã để mất ngôi đầu vào tay Viettel do trận cùng giờ, đội bóng chủ nhà bảng đấu đã có trận thắng nhẹ nhàng 1-0 trước Công an Hà Nội. Một trận đấu không dễ dàng cho Viettel khi họ chỉ tìm được bàn duy nhất vào phút 57 nhờ công Phạm Văn Phong.
Trận còn lại, Quảng Ngãi có chiến thắng 1-0 trước Hải Phòng để nhường vị trí đáy bảng cho đối thủ. Lúc này ở bảng A, Viettel dẫn đầu với 10 điểm, tiếp theo là Thanh Hóa 9 điểm, Hà Nội 8 điểm, Công an Hà Nội 4 điểm, Quảng Ngãi 3 điểm, Hải Phòng 0 điểm.
Nếu xét về đối đầu, đội bóng của HLV Dương Hồng Sơn lại có thể tự tin vì từ 2015 đến giờ, họ đã gặp Thanh Hóa tại 4 kỳ vòng loại và thắng đến 8 lần. Lần chung bảng gần nhất của hai đội vào năm 2021, Hà Nội cũng thắng Thanh Hóa cả 2 lượt mà không để thủng lưới. Do vậy, xét về kinh nghiệm thì Hà Nội được đánh giá cao hơn.
Kết quả
(13g30) Hà Nội - Đông Á Thanh Hóa: 3-2
Hà Nội: Nguyễn Trung Thành (10) 6′, Lê Trí Phong (12) 9′, Hoàng Trung Kiên (19) 64′
Thanh Hóa: Trương Thanh Nam (14) 38′, Hà Minh Đức (7) 74′
Thẻ đỏ: Nguyễn Đức Tùng (16 Thanh Hóa) 5′
(15g30) Viettel - CAHN: 1-0
Viettel: Phạm Văn Phong (18) 57′
(15g30) Quảng Ngãi - Hải Phòng: 1-0
Quảng Ngãi: Mai Trung Thông (11) 15′
Bảng B: SLNA tiếp tục thua sốc
Sau khi gây thất vọng ở lượt trận thứ 3 khi để thua ngược 1-2 trước Huế, SLNA đã đánh mất ngôi đầu vào tay Nam Định. Những tưởng việc Nam Định nghỉ thi đấu ở lượt thứ 4 sẽ là cơ hội để SLNA giành ngôi đầu bảng nếu họ giành chiến thắng trước đội xếp cuối bảng Đà Nẵng.
Tuy nhiên, bất ngờ đã xảy ra khi SLNA không chỉ thua mà còn là thua đậm. Cũng giống như trận gặp Huế, SLNA là đội chơi chủ động nhưng hàng công phung phí các cơ hội còn hàng thủ mắc sai lầm và điều đó khiến đội bóng xứ Nghệ bị thủng lưới trước phút 37. Bước sang hiệp 2, SLNA dâng cao đội hình để tìm kiếm bàn san bằng tỷ số và dính các đòn phản công nên thủng lưới thêm 2 bàn trong 5 phút cuối.
Trận thua này khiến SLNA chẳng những không đòi được ngôi đầu bảng từ tay Nam Định mà còn tụt thẳng xuống thứ 4 do bị cả PVF và Đà Nẵng vượt qua. Đã vậy, lượt tới SLNA nghỉ thi đấu nên các đội xếp trên càng có cơ hội tích lũy điểm số.
Lượt này, PVF đã vươn lên chiếm vị trí thứ 2 trong bảng nhờ đánh bại Huế đến 4-0. Có thể thấy sau khới đầu không tốt với 2 trận hòa thì PVF bắt đầu thức tỉnh để lấy lại đúng thực lực của mình nhờ được nghỉ lượt thi đấu thứ 3. Trước Huế đang hưng phấn sau chiến thắng SLNA ở lượt trước, PVF vẫn chơi đúng đẳng cấp. Nếu 2 trận trước, PVF luôn bị thủng lưới trước và phải rượt đuổi rất vất vả mới san bằng được tỷ số vào những phút cuối trận thì lần này, PVF không còn mắc sai lầm nào trong khi hàng công biết cách trừng phạt đối thủ rất ngọt.
Lúc này, Nam Định dù không thi đấu lượt thứ 4 nhưng vẫn giữ ngôi đầu với 6 điểm, PVF xếp thứ 2 với 5 điểm, Đà Nẵng và SLNA cùng có 4 điểm nhưng đội bóng sông Hàn xếp trên nhờ hơn hiệu số còn Huế với 3 điểm đã tụt xuống cuối.
Kết quả
(14g00) Huế - PVF: 0-4
PVF: Thái Bá Đạt (17) 27′, 69’, 74′; Bùi Hoàng Sơn (15) 55′
(14g00) SHB Đà Nẵng - SLNA: 3-0
SHB Đà Nẵng: Trần Ngọc Hiếu (26) 37′, Lê Nguyễn Văn Thọ (11) 85′, Trần Nhật Đông (9) 90′
Bảng C: HAGL tiếp tục bứt xa
Tại bảng C, HAGL sau khi bứt lên vượt mặt Khánh Hòa nhờ thắng đối thủ 2-0 thì tiếp tục củng cố ngôi đầu khi thắng Bình Định 2-0 ở lượt thứ 4. Cũng như các trận trước, HAGL chơi thực dụng khi không ra thế trận áp đảo so với đối thủ trong hiệp đầu. Nhưng khi Bình Định lơ là cảnh giác trong hiệp 2 và nghĩ rằng có thể gây khó dễ cho HAGL thì đó là lúc đội bóng Phố Núi lên tiếng với 2 bàn ở nửa sau hiệp 2.
Nhìn chung kết quả này phản ánh đúng truyền thống. Trong 10 năm qua tại vòng loại thì HAGL và Bình Định đã 6 lần chung bảng với nhau. Trong 11 trận đối đầu, HAGL thắng 8, hòa 3. Thậm chí, trong 7 lần gặp nhau gần đây kể cả trận vừa qua thì Bình Định còn không ghi nổi bàn nào vào lưới đội bóng Phố Núi.
Trận đấu hấp dẫn và căng thẳng hơn ở bảng C là trận tranh ngôi nhì bảng giữa Lâm Đồng và Khánh Hòa đã diễn ra bất phân thắng bại. Lâm Đồng dù bị đánh giá thấp hơn nhưng là đội mở tỷ số trước và Khánh Hòa phải đợi đầu hiệp 2 mới có bàn gỡ hòa. Sau khi thắng tưng bừng 2 lượt đầu, Khánh Hòa đang đuối dần trong khi Lâm Đồng đã âm thầm tích lũy 8 điểm để có vị trí nhì bảng.
Kon Tum là đội bóng gây thất vọng nhất tại vòng loại lúc này. Được kỳ vọng sẽ tạo thành ngựa ô như vòng bảng năm ngoái nhưng Kon Tum lại thua cả 3 trận và không ghi nổi bàn nào. Đến trận gặp Phú Yên, Kon Tum lại tiếp tục thua tiếp 0-1 và trở thành đội bóng duy nhất trắng tay ở bảng C.
Lúc này, HAGL là đội duy nhất còn giữ thành tích toàn thắng ở vòng loại với 12 điểm xếp đầu bảng C, tiếp theo là Lâm Đồng có 8 điểm, Khánh Hòa có 7 điểm, Phú Yên có 4 điểm, Bình Định 3 điểm và Kon Tum 0 điểm.
Kết quả
(13g30) Khánh Hòa - Lâm Đồng: 1-1
Khánh Hòa: Nguyễn Tiến Vũ (11) 46′
Lâm Đồng: Võ Trung Tấn (7) 34′
(15g00) HAGL - Bình Định: 2-0
HAGL: Hoàng Minh Tiến (10) 69′, Nguyễn Huy Hoàng (19) 76′
(15g00) Kon Tum - Phú Yên: 0-1
Phú Yên: Ksor Nay Đê Sô (23) 85′
Bảng D: Duy trì thế tịnh tiến
Hai đội bóng thuộc tỉnh Sông Bé cũ là Bình Dương và Bình Phước đã duy trì ưu thế tại bảng đấu từ vòng đầu tiên. Ở lượt thứ 4, hai đội bóng này tiếp tục song hành bứt phá, củng cố ngôi đầu.
Bình Dương đã phá được dớp để lần đầu tiên thắng được Đồng Nai tại vòng loại giải U.19. Có một điều khá lạ là dù Bình Dương được coi là ngọn cờ đầu của bóng đá miền Đông nam bộ nhưng Đồng Nai lại là đối thủ kỵ 'jeux' của họ. Trong 4 trận đấu đối đầu gần đây, Bình Dương chưa hề thắng Đồng Nai mà thua tới 3, chỉ cầm hòa được 1. Thậm chí, Bình Dương còn chưa lần nào ghi được bàn vào lưới Đồng Nai. Nhưng bàn thắng của Nguyễn Phạm Đăng Khoa ở phút bù giờ thứ 3 đã giúp Bình Dương lần đầu tiên ghi bàn vào lưới Đồng Nai, lần đầu tiên vượt qua hàng xóm.
Trong khi đó, Bình Phước có chiến thắng hết sức quan trọng trước Tây Ninh. Sau khi thua sấp mặt Bình Dương trận ra quân thì Tây Ninh đã có 4 điểm ở 2 lượt sau để đeo bám sát 2 đội Sông Bé. Có thể nói Tây Ninh là đối thủ cạnh tranh nguy hiểm nên việc Bình Phước giành chiến thắng 1-0 đã giúp họ có 3 điểm bằng vàng để cắt đuôi đối thủ.
Trận còn lại của bảng đấu, TP.HCM sau khi thắng Đồng Nai ở lượt trước đã tiếp tục đà hưng phấn để thắng Bình Thuận 3-0. Sở dĩ TP.HCM có thể thắng đậm là do Bình Thuận phải chơi thiếu người ngay phút 14.
Lúc này, Bình Phước và Bình Dương chia nhau 2 vị trí dẫn đầu với 10 điểm trong tay, TP.HCM đã leo lên vị trí thứ 3 với 6 điểm, tiếp theo là Tây Ninh có 4 điểm. Bình Thuận 2 điểm và Đồng Nai 1 điểm chia nhau 2 vị trí cuối bảng.
Kết quả
(14g00) B.Bình Dương - Đồng Nai: 1-0
B.Bình Dương: Nguyễn Phạm Đăng Khoa (16) 90’+3
(15g00) Bình Phước - Tây Ninh: 1-0
Bình Phước: Nguyễn Tuấn Sang (7) 12′
(16g00) TP HCM - Bình Thuận: 3-0
TPHCM: Nguyễn Công Quảng (25) 19’&61′, Trần Minh Chiến (7) 74′
Thẻ đỏ: Hoàng Gia Bảo (14 Bình Thuận) 14′
Bảng E: An Giang giữ ngôi đầu
Trận An Giang gặp Đồng Tháp đã có kết quả hòa 1-1 khiến ngôi đầu không thay đổi. Đồng Tháp được đánh giá cao hơn đã chọn lối chơi tấn công và có bàn ở phút bù giờ hiệp 1. Tuy nhiên, sự bền bỉ đã giúp An Giang tìm được bàn gỡ hòa trong hiệp 2 để qua đó bảo vệ thành công ngôi đầu.
Trận còn lại giữa Cần Thơ và Tiền Giang không có bàn thắng. Lúc này, An Giang có 8 điểm sau 4 trận, Đồng Tháp có 5 điểm sau 3 trận. Ba đội còn lại là Tiền Giang, Long An và Cần Thơ đều cùng có 2 điểm.
Kết quả
(14g00) Đồng Tháp - An Giang: 1-1
Đồng Tháp: Thạch Nguyễn Hoàng Hùng (3) 45’+2
An Giang: Lê Ngọc Quân (17) 64′
(16g00) Cần Thơ - Tiền Giang: 0-0
Theo thể thức, các đội thi đấu vòng tròn 2 lượt (đi - về) tại địa phương đăng cai vào các ngày 26.3, 28.3, 31.3, 2.4, 5.4, 7.4, 10.4, 12.4, 15.4 và 17.4. Kết thúc vòng loại sẽ chọn 5 đội xếp thứ nhất, 5 đội xếp thứ nhì và 1 đội xếp thứ ba có thành tích tốt nhất ở 5 bảng, vào VCK. Nếu đội chủ nhà VCK kết thúc thi đấu tại vòng loại với vị trí trong nhóm 11 đội có thành tích tốt nhất ở 5 bảng, thì đội xếp thứ 3 có thành tích tốt thứ nhì sẽ giành quyền tham dự VCK.
Thể thức vòng loại