Vì sao càng nhuộm thì tóc bạc lại càng ra nhiều?

Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:25, 03/04/2023

Nhiều người bị tóc bạc sớm thường phải sử dụng thuốc nhuộm hoặc dầu gội làm đen tóc, nhưng không ít người đã nhận phải cái kết đắng.

Từ tóc “muối tiêu” thành tóc trắng phếu

Hiện nay, nhiều người chưa đầy 50 tuổi nhưng tóc đã bạc trắng, thậm chí có những thanh niên mới hơn 20 mà tóc đã điểm bạc nhiều. Chính vì thế, họ cảm thấy “mặc cảm” bị già trước tuổi nên tân trang lại mái tóc bằng cách nhuộm hoặc gội đầu với các loại thuốc khác nhau. 

vi-sao-cang-nhuom-toc-bac-cang-gay-bac-toc-hinh-anh(1).png
Ảnh minh họa 

Chị N.T.V. (44 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM) chia sẻ, cách đây khoảng 4 năm, tóc chị bắt đầu xuất hiện những sợi bạc nhưng gần đây thì có dấu hiệu nhiều hơn. Tuần nào, chị V. cũng nhổ tóc bạc cho đỡ ngứa hoặc ra tiệm nhuộm tóc, nhưng tình trạng không được cải thiện. Nghe một số người nói trong thuốc nhuộm tóc có hóa chất khiến tóc bạc nhanh hơn, chị V. liền đổi sang dùng một loại dược liệu được quảng cáo: “gội là đen”, nhưng tóc bạc vẫn ngày càng nhiều, gần như trắng cả đầu.

“Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, giờ tôi phải sống chung với với việc nhuộm tóc định kỳ. Cứ 2 tháng là phải nhuộm 1 lần, nếu không nhuộm thì đầu bạc phơ, trông như bà cụ”, chị V. than thở.

Sau khi thoát khỏi căn bệnh tai biến cách đây 2 năm, anh D.V.V. (49 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhận thấy trí nhớ của mình suy giảm, đặc biệt tóc bạc ngày càng nhiều. Thấy vậy, vợ anh V. khuyên anh đi nhuộm tóc.

“Nghe mấy người giới thiệu có loại dầu dược liệu “gội là đen” của Thái Lan rất tiện lợi, không mất thời gian mà giá chỉ có 20.000 đồng/gói, tôi liền mua loại này để dùng. Mỗi lần gội đầu tôi chỉ xài 1 gói là tóc đen kịt. Tuy nhiên, sau vài lần gội thì đầu tôi gần như bạc trắng. Biết thế tôi không dùng loại dầu này thì giờ tóc đâu có bạc đến nỗi như vậy”, anh V. hối hận chia sẻ.

Cũng trong tình trạng phải “sống chung” với việc nhuộm tóc định kỳ 2 tháng/lần suốt gần 10 năm qua, anh N.V.T. (57 tuổi) cho biết chỉ vì “trót” nhuộm tóc mà đầu anh từ “muối tiêu” giờ đã bạc trắng.

“Lúc trước tôi nghĩ nhuộm tóc sẽ giúp tóc đen lại, chứ đâu có biết sẽ bạc thêm nhanh vậy đâu. Nếu biết thế tôi để tóc “muối tiêu”, khỏi nhuộm nhìn còn đẹp hơn. Giờ tóc trắng phếu cả đầu, cứ hết thuốc là tôi phải nhuộm lại, nếu không nhìn trông “ bẩn” lắm”, anh T. chia sẻ.

Chất tẩy trong thuốc nhuộm phá hủy sắc tố melanin làm đen tóc

Theo các chuyên gia về chăm sóc tóc, tình trạng tóc bạc sớm đang ngày càng trẻ hóa về độ tuổi. Áp lực cuộc sống luôn là nguyên nhân hàng đầu gây xáo trộn việc tổng hợp sắc tố melanin, khiến các tế bào biểu bì tạo hắc tố đen cho tóc sản xuất mỗi lúc một ít dần và làm tóc bạc nhanh hơn.

Nhuộm tóc là cách để che đi khuyết điểm trên tóc, tuy nhiên đằng sau những phương pháp làm đẹp này đều tiềm ẩn những rủi ro cho sức khỏe da đầu, mang nhiều yếu tố gây bạc tóc nhanh hơn.

Bác sĩ Nguyễn Trần Hữu Thắng - Nhà sáng lập thương hiệu Chăm sóc da đầu & tóc NBIYAN, cho biết nhuộm tóc được chia thành 2 nhóm: nhóm thuốc nhuộm vĩnh viễn và nhóm thuốc nhuộm bán vĩnh viễn.

Trong đó, những gì thuốc nhuộm vĩnh viễn làm đầu tiên là quét đi sắc tố tự nhiên của tóc và sau đó lắng đọng màu mới trong sợi tóc, xuyên qua lớp biểu bì để sự thay đổi về tông màu là vĩnh viễn. Ngược lại, thuốc nhuộm bán vĩnh viễn không lấy đi sắc tố tự nhiên của tóc, vì nó không có khả năng làm sáng tóc. Màu sắc kéo dài ít hơn so với thuốc nhuộm vĩnh viễn, vì sau 15 - 20 lần gội, màu nhuộm sẽ bị mất hoàn toàn.

Phân tích của bác sĩ Thắng cho thấy, với thuốc nhuộm vĩnh viễn, nhà sản xuất phải sử dụng thuốc tẩy tóc có tên khoa học là Hydrogen Peroxide (H2O2). Chúng thường được sử dụng để làm mềm sợi tóc, làm nhạt màu sợi tóc tự nhiên và oxy hóa tóc.

Nhờ có chất Peroxide làm cho màu thuốc nhuộm trở thành vĩnh viễn trên tóc cho tới khi phần tóc mới mọc ra. Do đó, khi lạm dụng thường xuyên chất oxy hóa mạnh H2O2 sẽ vô tình làm tích tụ ở nang tóc quá nhiều, dẫn đến làm phá hủy các sắc tố melanin làm đen tóc.

Trong thuốc nhuộm bán vĩnh viễn (điển hình như các loại dầu gội phủ bạc), để giữ cho màu nhuộm được bền hơn, không loại trừ nhà sản xuất có thể sử dụng các thành phần kim loại nặng như chì, chất mạ kim loại giúp giữ màu bám lâu hơn trên thân tóc... Tuy nhiên, chúng sẽ gây kích ứng da đầu, đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về da. Khi sử dụng lâu dài sẽ làm tổn thương sợi tóc, và thúc đẩy quá trình tóc bạc diễn ra nhanh hơn.

Hồ Quang