Pháp luật kiểu 'không biết con gà hay quả trứng có trước'

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 23:03, 04/04/2023

Doanh nhân Nguyễn Quốc Hiệp cho hay, cùng một vấn đề nhưng 2 luật quy định không thống nhất, không biết con gà có trước hay quả trứng có trước.

Luật chồng chéo, không thống nhất

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng năm 2022 là đỉnh điểm của việc sửa đổi lại hệ thống luật pháp như: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Bảo vệ người tiêu dùng…

“Việc quyết định chỉnh sửa, biên soạn lại hàng loạt các đạo luật quan trọng chỉ rõ một điều: lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã nhìn thấy rõ sự bất cập, cản trở của hàng rào pháp lý đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng”, ông Hiệp nói và cho hay riêng lĩnh vực đầu tư bất động sản, có khoảng 12 luật tác động trực tiếp. Tuy nhiên, các luật lại đưa ra những ý kiến xử lý không đồng nhất nên các dự án, các doanh nghiệp và các cơ quan hành pháp thụ lý gặp khó.

Ông Hiệp dẫn ví dụ, Luật Quy hoạch đô thị thì quy định dự án phải được chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới tiến hành làm quy hoạch và xin phê duyệt, trong khi Luật Đầu tư 2020 lại quy định dự án muốn được chấp thuận chủ trương đầu tư thì phải có quy hoạch chi tiết được phê duyệt.

“Như vậy chỉ một vấn đề liên quan đến 2 luật này đã không thống nhất: không biết con gà có trước hay quả trứng có trước? Hay Luật Kinh doanh bất động sản, điều 57 quy định bên bán chỉ được thu tiền đến 95% giá trị hợp đồng khi bên mua chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhưng ở Luật Đất đai lại quy định phải nộp 100% tiền thì cơ quan quản lý mới được cấp giấy chứng nhận. Đây chỉ là một vài ví dụ về sự chồng chéo, không thống nhất giữa các luật”, ông Hiệp nêu.

Do đó, ông Hiệp cho rằng trong lần rà soát, chỉnh sửa lại một loạt các luật quan trọng như hiện nay, việc đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa các luật liên quan đến cùng một vấn đề là rất quan trọng để tháo gỡ cho các doanh nghiệp cũng như việc xử lý cụ thể của các cơ quan thừa hành pháp luật.

“Giải quyết được vấn đề này sẽ tháo gỡ cho các doanh nghiệp khỏi các ách tắc, sự chờ đợi mất thời gian, mà thời gian đối với doanh nghiệp là tiền bạc”, ông Hiệp nói.

hiep.jpg
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Tuy nhiên, theo ông Hiệp, hiện nay các luật đều được ban hành soạn thảo của từng bộ chuyên ngành phụ trách. Ví dụ: Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu do Bộ Kế hoạch - Đầu tư soạn thảo; Luật Đất đai do Bộ Tài nguyên - Môi trường soạn thảo… Với sự phân công đó, sẽ rất khó cho các ban soạn thảo có thể nắm được những điểm bất hợp lý, mâu thuẫn từ các luật khác nhau.

“Vì vậy chúng tôi cho rằng công tác rà soát, thông qua của cơ quan chuyên trách rất cần những chuyên gia thành thạo về pháp lý, nắm vững nội dung của các luật liên quan, để tham mưu cho Quốc hội trong quá trình phê duyệt tránh sự mâu thuẫn chồng chéo”, ông Hiệp nêu và nhấn mạnh các bước tiến hành lấy ý kiến để chỉnh sửa là hết sức cần thiết, tuy nhiên phải lấy lợi ích quốc gia đặt lên hàng đầu. Không thể vì lợi ích của một nhóm mà thay đổi những điều khoản làm ảnh hưởng tới lợi ích chung quốc gia.

Thị trường là hàn thử biểu của hành lang pháp lý

Theo ông Hiệp, hiện nay liên quan đến đầu tư bất động sản mật thiết nhất là các Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở. Các luật này dự kiến được thông qua trong năm 2023 và sẽ có hiệu lực trong năm 2024. Đây là những đạo luật có tác động tạo ra lực đẩy cho thị trường bất động sản về mặt hành lang pháp lý.

“Chính vì vậy sự phát triển của thị trường thời gian tới sẽ là hàn thử biểu để đo xem hành lang pháp lý của chúng ta đã phù hợp đến mức nào? Chúng ta chỉ cần theo dõi dư luận khi dự thảo Luật Nhà ở đưa vấn đề thời hạn sử dụng nhà chung cư ra: Lập tức cả xã hội đều quan tâm có ý kiến đồng thời tâm lý về thị trường nhà chung cư cũng thay đổi kể cả nhà đầu tư lẫn người mua nhà! Hay vấn đề thu hồi đất của dự án và công tác đền bù trong dự thảo luật đất đai mặc dù chưa thống nhất phương án cuối cùng nhưng công tác giải phóng mặt bằng, đền bù ở các dự án cũng lập tức khó khăn hơn”, ông Hiệp nêu.

ht.jpg
Hội thảo “Công bố báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2022”

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng chia sẻ, các dự án luật còn tác động sâu sắc đến cả việc nguồn vốn FDI có tiếp tục đổ vào Việt Nam nữa hay không. Sự mở cửa của luật pháp, ví dụ việc cho người nước ngoài được mua 30% số căn hộ tại các dự án ở đô thị, cũng tạo ra một sức hút đáng kể cho người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn; hay quy định về sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất tại các khu công nghiệp cũng sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho các chủ đầu tư nước ngoài…

“Hiện nay trong bối cảnh các dự thảo luật đang được cân nhắc, xem xét nên cộng đồng doanh nghiệp đều trong tâm lý chờ đợi. Hy vọng là các luật mới sẽ giải quyết hài hòa các lợi ích để dòng chảy pháp luật sẽ tạo ra sức mạnh mới cho cả nền kinh tế. Các doanh nghiệp cần có thêm kênh thông tin để tiếng nói của các doanh nghiệp đến được các nhà hoạch định chính sách một cách đầy đủ hơn”, ông Hiệp nêu.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp cũng cho rằng tính ổn định của hệ thống pháp luật cũng sẽ tác động mạnh mẽ tới việc khuyến khích các dự án lớn yên tâm đầu tư.

Ví dụ có những doanh nghiệp đầu tư cả một khu công nghiệp gang thép với ý đồ xây dựng cho nền công nghiệp thép của Việt Nam, như vậy các chính sách liên quan phải đảm bảo được tính ổn định thì chủ đầu tư mới yên tâm đầu tư.

Hoài Lam