Các dự báo trong và ngoài nước đều tin tưởng Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm 2023
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 00:36, 05/04/2023
Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) cho rằng trong tháng 4.2023, suy giảm kinh tế thế giới trầm trọng hơn trong quý IV/2022 và nhiều khả năng sẽ tiếp tục trong năm 2023. Điều này sẽ ít nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam.
Báo cáo ADO đánh giá, nhu cầu toàn cầu sụt giảm dự kiến sẽ tác động tới tăng trưởng công nghiệp. Khu vực công nghiệp được dự báo sẽ tăng chậm, ở mức 7,5% vào năm 2023, đóng góp 2,7% vào tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, lĩnh vực xây dựng có thể tăng tốt nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn được thực hiện theo đúng kế hoạch trong năm nay.
Đáng chú ý, Báo cáo ADO rất trùng khớp với nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trước đó, tại Báo cáo tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3.2023 hôm 3.4, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết dù gặp khó khăn trong quý I nhưng Việt Nam phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%.
Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I ước đạt 3,32% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (kịch bản là 5,6%). Khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ cơ bản ổn định, phục hồi khá (tăng 2,52% và 6,79% so với cùng kỳ). Khu vực công nghiệp - xây dựng giảm 0,4%, trong đó công nghiệp giảm 0,82%, ảnh hưởng trực tiếp và làm giảm tốc độ tăng trưởng của toàn nền kinh tế.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh, sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, đầu tư, thu hút FDI… gặp nhiều khó khăn. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) quý I giảm 2,2% so với cùng kỳ năm trước (quý I/2022 tăng 6,8%); trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo giảm 2,4% (quý I/2022 tăng 7,3%). Sản xuất của nhiều ngành công nghiệp chủ lực như: dệt may, điện tử, đồ gỗ, lương thực, thực phẩm… và của các địa bàn công nghiệp trọng điểm như: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Nam… giảm hoặc tăng thấp.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động quý I đạt gần 57 nghìn doanh nghiệp (giảm 5,4% so với cùng kỳ), thấp hơn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (trên 60,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 17,4% so với cùng kỳ).
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa quý I đều giảm, lần lượt là 13,3%, 11,9% và 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu sang các thị trường lớn giảm như: Mỹ (giảm 21,1%), EU (giảm 8,1%), Hàn Quốc (giảm 3,3%), ASEAN (giảm 1,7%)… Xuất khẩu sang Trung Quốc quý I giảm 12,6%, đảo chiều so với xu hướng 2 tháng đầu năm (tăng 4,2%), cho thấy nhu cầu nhập khẩu tiêu dùng hàng Việt Nam từ Trung Quốc có dấu hiệu giảm.
Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng như sau:
Kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6% (thấp hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu Quốc hội quyết nghị), tăng trưởng các quý II, III và IV theo kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (lần lượt là 6,7%, 6,5% và 7,1%).
Trường hợp tăng trưởng năm 2023 chỉ đạt 6% sẽ gây áp lực rất lớn lên mục tiêu tăng trưởng 05 năm 2021-2025 (6,5-7%), đòi hỏi năm 2024 - 2025 phải đạt tăng trưởng bình quân gần 8%/năm để đạt mục tiêu 05 năm là 6,5%.
Kịch bản 2, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm là 6,5%, tăng trưởng kinh tế quý II là 6,7% (bằng kịch bản Nghị quyết số 01/NQ-CP), quý III và quý IV tăng trưởng lần lượt là 7,5% và 7,9% (cao hơn lần lượt 1 điểm % và 0,8 điểm % so với kịch bản tại Nghị quyết số 01/NQ-CP).
Dù khó khăn song Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn kiến nghị lựa chọn kịch bản 2, tức là phấn đấu tăng trưởng cả năm là 6,5%, tạo đà cho các năm tiếp theo để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng 5 năm 2021-2025 đạt 6,5%-7%.