Tri ân các 'bảo mẫu' tình nguyện chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:05, 05/04/2023

Đại dịch COVID-19 tại TP.HCM đã đi qua gần 2 năm, nhưng hình ảnh hàng chục bảo mẫu tất tả chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh chẳng may có mẹ bị mắc COVID-19 đã khiến không ít người xúc động.

"Nguyện chăm sóc các trẻ đến khi đại dịch COVID-19 kết thúc"

Ngày 5.4, gần cả trăm tình nguyện viên Trung tâm H.O.P.E (Have only positive expectation) - Trung tâm nuôi dưỡng tạm thời con của các sản phụ nhiễm COVID-19, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM) đã về dự chương trình họp mặt.

bao-mau-tinh-nguyen-cham-soc-tre-co-me-maccovid-19-hanh-trang-buoc-vao-lam-me-hinh-anh-3.png
Lãnh đạo TP.HCM, ngành y tế cùng các "bảo mẫu" tình nguyện chăm sóc trẻ có mẹ mắc COVID-19 tại buổi họp mặt 

Họ là những giáo viên mầm non, người nội trợ, nhân viên văn phòng, tiếp viên hàng không… có tuổi đời còn rất trẻ, đã tình nguyện làm bảo mẫu chăm sóc những đứa trẻ sơ sinh chẳng may có mẹ mắc COVID-19. Trong số những bảo mẫu tình nguyện này, nhiều người chưa một lần làm mẹ, chưa một lần  chăm sóc trẻ, nhưng cũng xông pha vào nơi nguy hiểm để cùng với người dân TP chống chọi "cơn cuồng phong" COVID-19.

Trước khi đến với Trung tâm H.O.P.E, Trần Thị Huyên là nhân viên văn phòng của Công ty Du lịch Bến Thành. Thời điểm TP bùng phát dịch COVID-19, ngành du lịch phải tạm ngưng tất cả, nhiều người về quê tránh dịch nhưng Huyên quyết định ở lại để có thể góp một phần công sức bé nhỏ của mình cùng TP đẩy lùi dịch bệnh.

bao-mau-tinh-nguyen-cham-soc-tre-co-me-maccovid-19-hanh-trang-buoc-vao-lam-me-hinh-anh.png
"Bảo mẫu" tình nguyện Trần Thị Huyên chia sẻ tại buổi họp mặt

“Trong một lần đi tìm địa điểm để tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19, em vô tình thấy trên Facebook có một bài đăng của Hội Liên hiệp phụ nữ TP.HCM. Em đã liên hệ với một chị ở đây và được giới thiệu Trung tâm H.O.P.E, Bệnh viện Hùng Vương. Lúc này, em chỉ biết mình có nhiệm vụ chăm sóc trẻ em có mẹ mắc bệnh COVID-19, chứ không biết sẽ làm nhiệm vụ gì tiếp theo. Khi nhận nhiệm vụ, em rất hoang mang nhưng may mắn được chị Vy ở Bệnh viện Hùng Vương hướng dẫn cách chăm sóc, xử lý các tình huống ở trẻ. Từ đó em mới bắt đầu có khái niệm cụ thể về công việc của mình sắp tới”, Huyên nhớ lại.

Trong những ngày đầu, Trung tâm H.O.P.E chỉ nhận vài trẻ và dần dần tăng lên rất nhiều bé nữa. “Lúc này, cứ 2 người chăm sóc 1 bé, chúng em cũng rất hoang mang. Càng về sau, em càng nhận ra rằng đại dịch COVID-19 quá khủng khiếp và tình thương của tụi em với các trẻ lớn lên từng ngày. Chúng em nguyện sẽ chăm sóc các bé ở đây cho đến khi trở về nhà và cho đến khi đại dịch COVID-19 không còn nữa mới thôi. Tụi em rất vui, hạnh phúc khi các bé được mẹ và người thân đón về, và chuyền tay nhau để chia sẻ niềm hạnh phúc đó”, Huyên xúc động chia sẻ.

bao-mau-tinh-nguyen-cham-soc-tre-co-me-maccovid-19-hanh-trang-buoc-vao-lam-me-hinh-anh-1.png
"Bảo mẫu" tình nguyện Đặng Thị Loan - Giáo viên Trường mầm non Phù Đổng (quận 12, TP.HCM) chia sẻ tại buổi họp mặt 

Đối với Đặng Thị Loan, giáo viên Trường mầm non Phù Đổng (quận 12, TP.HCM), dù đã có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ so với nhiều bảo mẫu tình nguyện khác tại Trung tâm H.O.P.E, nhưng Loan vẫn còn là một cô gái trẻ, chưa từng làm mẹ nên công việc ở đây vẫn còn quá bỡ ngỡ.

Tuy nhiên, sau thời gian tập huấn, được lãnh đạo Bệnh viện Hùng Vương hướng dẫn, Loan cũng bắt đầu hiểu được và dần dần thực hiện công việc thuần thục hơn. Cùng với tinh thần “bảo mẫu như mẹ hiền”, Loan đã quyết tâm chăm sóc các bé ở đây thật tốt để các em được về với gia đình.

“Có những lúc buồn, nhớ nhà, cũng có những lúc rất nguy hiểm, nhưng tụi em vẫn luôn muốn góp một phần công sức nào đó để chăm sóc cho các bé. Đây cũng là hành trang, kinh nghiệm quý giá để sau này em làm mẹ”, Loan nói.

Có những lúc tưởng chừng như bất lực

Nhớ lại thời khắc đại dịch COVID-19 bùng phát, hàng trăm sản phụ được phát hiện mắc COVID-19 tại Bệnh viện Hùng Vương, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện cho biết, lúc đầu khu tiếp nhận thai phụ nhiễm COVID-19 chỉ có 20 giường, sau tăng lên 50 giường rồi 100 giường, 200 giường... nhưng vẫn không đủ chỗ, không đủ nhân sự để cung cấp đầy đủ các dịch vụ từ chuyên môn đến hậu cần, do các thai phụ phải cách ly, không có người thân bên cạnh.

Bệnh viện luôn phải trăn trở để ứng phó kịp thời với tình hình dịch bệnh luôn thay đổi, làm sao để nhân viên an toàn trong tuyến đầu chống dịch. Việc cung ứng tất cả từ thuốc men, vật tư tiêu hao y tế, đến nhu yếu phẩm, vật tư xây dựng, sửa chữa đều rất khó khăn vì toàn thành phố thực hiện chỉ thị 16 và 16+.

“Ngoài ra, nhân viên bệnh viện lại phải chia quân cho các bệnh viện dã chiến tham gia chống dịch của toàn thành phố. Số lượng nhân viên cũng giảm mạnh khi dịch trong giai đoạn cao trào do nhiễm bệnh tuy chích ngừa đầy đủ. Khó khăn chồng khó khăn, nhưng với quyết tâm cao của tập thể cán bộ viên chức người lao động bệnh viện, chúng tôi đã lần lượt giải quyết các khó khăn đương đầu trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành”, bác sĩ Tuyết nói.

bao-mau-tinh-nguyen-cham-soc-tre-co-me-maccovid-19-hanh-trang-buoc-vao-lam-me-hinh-anh-2(2).png
Nhiều trẻ sơ sinh có mẹ mắc COVID-19 ngày đó, giờ đã gần 2 tuổi 

“Với tôi, những tháng ngày ấy vẫn còn như in trong tâm trí mỗi khi nhớ lại. Vào những ngày tháng 7 - 8.2021, số ca nhập viện do thai phụ nhiễm COVID-19 tăng chóng mặt, cũng đồng nghĩa số trẻ ra đời từ mẹ nhiễm bệnh cũng tăng cao. Đến nay, mỗi khi nhắc đến tôi vẫn còn cảm thấy tự hào, hạnh phúc vì tập thể chúng tôi đã làm và đã góp ích cho cộng đồng, giúp người dân TP vượt qua đại dịch, đó là thành lập, vận hành một cách hiệu quả và an toàn Trung tâm H.O.P.E”, bác sĩ Tuyết chia sẻ thêm.

Theo bà Tuyết, khi bắt tay xây dựng Trung tâm H.O.P.E, có quá nhiều điều mới mẻ phát sinh, dù có kế hoạch nhưng vô vàn điều lúng túng. Trung tâm phải làm sao đảm bảo an toàn nhất cho các bé, đảm bảo các bé được chăm sóc an toàn, đầy đủ từ vật chất đến tình yêu thương. Song với ý chí quyết tâm, với tinh thần trách nhiệm cao, nhân viên Bệnh viện Hùng Vương và đội ngũ "bảo mẫu" tình nguyện viên đã lần lượt vượt qua từng khó khăn, từng thử thách.

“Có những lúc tưởng chừng như kiệt sức, tưởng chừng như bất lực, hay những lúc bệnh viện chưa chăm sóc thật tốt cho đội ngũ tình nguyện viên… nhưng tất cả khó khăn đã được giải quyết. Đến ngày 1.11.2021, Trung tâm H.O.P.E khép lại nhiệm vụ của mình sau gần 4 tháng hoạt động nuôi dưỡng an toàn và hiệu quả cho 259 trẻ sơ sinh - con của các sản phụ nhiễm COVID-19”, bác sĩ Tuyết cho biết.

Hồ Quang