Cần sớm đạt thống nhất để huy động điện tái tạo vượt qua mùa nắng nóng

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 08:15, 06/04/2023

Trong câu chuyện tìm chung về giá điện thì mỗi bên đều có lý lẽ của mình. Tuy nhiên, sớm hay muộn thì các bên mua và bán phải ngồi với nhau để tìm sớm đáp án trước thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng.
dien-tai-tao.jpeg
Nguồn điện tái tạo cần được tận dụng - Ảnh: TN

Chiều 5.4, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thông tin về tình hình sản xuất, cung ứng điện quý 1/2023 và tình hình chuẩn bị cho quý 2/2023.

Trong quý 1/2023, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống đạt 61,83 tỉ kWh, giảm 1,6% so với cùng kỳ. Trong đó, thủy điện đạt 15,38 tỉ kWh, chiếm 24,9%; Nhiệt điện than huy động đạt 28,03 tỉ kWh, chiếm 45,3%; Tua bin khí đạt 7,14 tỉ kWh, chiếm 11,6%; Năng lượng tái tạo đạt 10,22 tỉ kWh, chiếm 16,5% (trong đó điện mặt trời đạt 6,45 tỉ kWh, điện gió đạt 3,47 tỉ kWh); Điện nhập khẩu đạt 953 triệu kWh, chiếm 1,5%.

Quý 2 hằng năm luôn là thời gian cao điểm của mùa khô và là thời điểm căng thẳng nhất trong năm về đảm bảo cung cấp điện toàn hệ thống. Nhận định trước điều này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề ra mục tiêu đảm bảo vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện và thị trường điện, đáp ứng nhu cầu điện trong các tháng mùa khô quý 2.2023. 

Dự kiến, tháng 4.2023, sản lượng tiêu thụ điện bình quân ngày toàn hệ thống ở mức 745 triệu kWh/ngày. Mục tiêu vận hành hệ thống là tiếp tục đảm bảo sản xuất, cung ứng điện cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt người dân; đặc biệt là đảm bảo điện phục vụ kỳ nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương; dịp lễ 30.4 - 1.5.

Đối với thủy điện, tiết kiệm triệt để thủy điện đa mục tiêu, nhất là các thủy điện ở miền Bắc để giữ nước, đảm bảo cung cấp điện lâu dài đến hết mùa khô. Đồng thời huy động cao các nhà máy nhiệt điện than, tuabin khí để giữ nước các hồ thủy điện. Các nhà máy nhiệt điện than nhập khẩu huy động theo nhu cầu hệ thống.

Về đầu tư xây dựng, trong tháng 4.2023, EVN tiếp tục đôn đốc các đơn vị tập trung hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục, giải quyết vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án.

Không phủ nhận nỗ lực của EVN nhưng để có thể bước qua mùa khô tới một cách nhẹ nhàng thì đã đến lúc cần tận dụng thêm các nguồn điện khác. Cơ cấu trong báo cáo về điện tái tạo được EVN nêu là đạt 10,22 tỉ kWh, chiếm 16,5% vẫn còn thấp so với tiềm lực nước ta.

Theo tìm hiểu của Một Thế Giới, hiện có 84 dự án năng lượng tái tạo (công suất hơn 4.670MW) bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong đó, 34 dự án chuyển tiếp (28 dự án điện gió, 6 dự án điện mặt trời) tổng công suất khoảng 2.091MW đã hoàn thành thi công, thử nghiệm, bảo đảm đủ điều kiện vận hành nhưng chưa được huy động công suất, gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, lãng phí tài nguyên.

Cái khó khiến nguồn điện này chưa thể hòa chung lưới điện là cơ chế giá mới do hiện vẫn trong thời gian chờ đàm phán giá mới. Số dự án nói trên không được hưởng giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) trong 20 năm theo các quyết định trước đây. Chính vì vậy, các nhà đầu tư đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép EVN tạm thời huy động ngay sản lượng với các dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng để tránh lãng phí.

Theo ý kiến của nhiều chủ đầu tư, dự án điện tái tạo chuyển tiếp phần lớn không cần đầu tư thêm hạ tầng truyền tải, trong khi nếu EVN mua điện nhập khẩu thì vẫn phải đầu tư hệ thống đường truyền tải điện từ biên giới về điểm đấu nối tại Việt Nam. Do đó, không lý gì các dự án điện trong nước đã hoàn thành, sẵn sàng đưa điện lên lưới mà không được áp dụng giá tạm để huy động trong thời gian chờ đàm phán giá phát chính thức hoặc xem xét lại cơ chế giá.

Trước đó, như đã đưa tin, trong cuộc họp ngày 20.3 giữa Bộ Công Thương, EVN và 84 nhà đầu tư điện gió, mặt trời, các nhà đầu tư kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh. Mức giá này thấp hơn giá trần của các dự án điện mặt trời nổi, điện gió đất liền theo khung giá của Bộ Công Thương. Ngoài ra, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, được đóng điện và ghi nhận sản lượng.

Trong câu chuyện tìm chung về giá điện thì mỗi bên đều có lý lẽ của mình. Tuy nhiên, sớm hay muộn thì các bên mua và bán phải ngồi với nhau để tìm sớm đáp án trước thời kỳ cao điểm mùa nắng nóng.

Câu chuyện giá điện tái tạo khiến Bộ Công Thương phải nhiều lần ra văn bản hối thúc EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện. Lần gần nhất, Bộ Công Thương yêu cầu  EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31.3.2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên; hiện đã là tháng 4.

Việc EVN dừng huy động phần công suất 172,12 MW chưa có cơ chế giá của nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam cũng khiến Quốc hội quan tâm.

Ngày 15.3, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến về vấn đề cần giải quyết nhanh khiếu kiện của Tập đoàn Trung Nam về việc EVN dừng khai thác 172 MW công suất điện được các đại biểu quan tâm cho ý kiến.

Ông Dương Thành Bình - Trưởng ban Dân nguyện đánh giá việc EVN dừng huy động 172 MW của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam ngày 1.9.2022 với lý do chưa có cơ chế giá điện là thiếu cơ sở pháp lý, không đúng quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. 

Đồng thời, việc dừng huy động này chưa đúng với hợp đồng mua bán điện đã được ký kết giữa các bên, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho công ty, lãng phí nguồn lực đầu tư của xã hội... EVN dừng đột ngột khiến dự án chỉ vận hành thương mại được 60% so với thiết kế, khiến doanh nghiệp mỗi ngày chịu thiệt hại khoảng 2 tỉ đồng. 

Từ đó, Ban Dân nguyện kiến nghị: "Chính phủ cần đôn đốc, chỉ đạo Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo EVN giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam về việc sớm khai thác phần công suất 172 MW của nhà máy điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; bảo đảm đúng quy định, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên".

Hồ Đông