Khởi công nhà xưởng cho thuê, Quảng Nam nỗ lực thu hút các nhà đầu tư nước ngoài
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:01, 06/04/2023
Ông Lê Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam cho rằng quyết định đầu tư Dự án tại KCN là sự lựa chọn đúng đắn vì Quảng Nam có nhiều lợi thế về điều kiện đất đai; hạ tầng giao thông được đầu tư khá tốt, đồng bộ, đa dạng như đường quốc lộ, đường sắt, đường cao tốc, cảng biển và sân bay Chu Lai; có nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng, điều kiện lao động, lưu trú, sinh hoạt, văn hóa, du lịch… đảm bảo tốt và cạnh tranh trong khu vực miền Trung.
Theo Phó Bí thư Lê Văn Dũng, đây là sự kiện quan trọng trong xu thế đầu tư nước ngoài dần phục hồi và phát triển sau hơn 2 năm đại dịch COVID-19. Ông Dũng khẳng định: "Việc triển khai, hoàn thành và đưa dự án đi vào hoạt động sẽ đóng góp tích cực vào việc nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh, tạo thêm nhiều việc làm và thu nhập cho lao động địa phương, tăng thu ngân sách cho Nhà nước, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Núi Thành nói riêng, Quảng Nam nói chung. Sự kiện này tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của tỉnh là luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các nhà đầu tư uy tín trong và ngoài nước đến với Quảng Nam".
Ông Lê Văn Dũng chỉ đạo huyện Núi Thành, Ban quản lý các khu kinh tế và KCN tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục quan tâm, hỗ trợ, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, tiếp tục hoàn thành các thủ tục pháp lý để đưa công trình, nhà máy đi vào hoạt động với hiệu quả cao nhất.
Dự án Nhà xưởng cho thuê - Indusvalley Chu Lai được đầu tư ban đầu khoảng 232 tỉ đồng, mục tiêu là xây dựng các khu nhà xưởng hiện đại theo yêu cầu thiết kế của các nhà đầu tư. Điều này sẽ giúp cho nhà đầu tư trong và ngoài nước có được nhà máy theo tiêu chuẩn thiết kế, công năng sử dụng phù hợp với từng loại hình, mô hình hoạt động, giúp tối ưu hóa diện tích sử dụng. Đồng thời nhà đầu tư có thể rút ngắn được thời gian thực hiện các thủ tục về pháp lý đầu tư cũng như giảm chi phí đầu tư ban đầu để tập trung nhiều hơn cho đầu tư vào dây chuyền sản xuất.
Còn Nhà máy sản xuất thiết bị làm sạch Karcher Việt Nam đến từ Đức được đầu tư giai đoạn 1 là 20 triệu euro. Tập đoàn Karcher đã có 17 nhà máy sản xuất và kho vận trên khắp thế giới. Tính đến cuối năm 2021, Karcher đã có hơn 14.400 nhân viên, tại 78 quốc gia. Karcher mong muốn đẩy nhanh tiến độ làm việc, xây dựng để đưa Nhà máy Karcher tại Việt Nam đi vào hoạt động vào tháng 1.2024, dự kiến sẽ thu hút khoảng hơn 300 người lao động là cán bộ, công nhân viên trong giai đoạn 1.
Công ty CP Indusvalley Chu Lai thỏa thuận sẽ bàn giao nhà xưởng giai đoạn 1 cho Karcher vào ngày 31.8 năm nay.