Cần đảm bảo minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành Quỹ bình ổn xăng dầu

Sự kiện - Ngày đăng : 16:22, 06/04/2023

Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng quỹ này, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.

Ngày 6.4, dự án Luật Giá (sửa đổi) tiếp tục được các đại biểu quốc hội cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách.

Nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu

Báo cáo một số vấn đề lớn về dự án Luật Giá (sửa đổi), Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) Nguyễn Thị Phú Hà cho biết, về vấn đề bình ổn giá, Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng giá là vấn đề ảnh hưởng, tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, liên quan ổn định thị trường. Do đó cần được quy định cụ thể trong luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch. Đồng thời, việc quy định rõ danh mục các mặt hàng bình ổn giá trong luật cũng khắc phục tình trạng "luật khung, luật ống".

Nhiều ý kiến đại biểu chuyên trách tán thành duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS và cơ quan soạn thảo cho rằng trong điều kiện hiện nay, nên duy trì Quỹ bình ổn xăng dầu vì đây là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính. Trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường, còn có sự điều hành của Nhà nước, công tác quản lý điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở…

hoa-2.jpg
Hội nghị đại biểu quốc hội hoạt động chuyên trách

Trong trường hợp vẫn giữ Quỹ bình ổn giá xăng dầu, Thường trực Ủy ban TCNS đề nghị trong quản lý, điều hành, sử dụng quỹ này, Chính phủ cần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả.

Về định giá, Thường trực Ủy ban TCNS đã rà soát, chỉnh lý, bổ sung một số quy định về nguyên tắc, căn cứ, phương pháp, tiêu chí, thẩm quyền, cơ sở pháp lý của văn bản định giá và danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm bảo đảm khả thi, minh bạch, bảo vệ người làm công tác định giá.

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Thái Nguyên) cho rằng dự luật quy định khá chi tiết nhiều vấn đề nhưng còn mang tính hành chính, hơi thiên về các quy tắc quản lý nhà nước. Đại biểu cho rằng dự thảo luật chỉ nên đưa ra các quy định để bảo đảm các quy trình hình thành, vận hành và quản lý yếu tố về giá.

Ngoài ra, theo đại biểu Thành, dự thảo luật cần quy định rõ hơn vấn đề quản lý nhà nước liên quan đến các vật tư hàng hóa, thiết bị mà Nhà nước phải kiểm soát, bình ổn; cần tạo ra hành lang pháp lý để các tổ chức, đơn vị hoạt động liên quan về giá thực hiện được trong nền kinh tế thị trường.

Liên quan đến các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 7, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) đề nghị cần bổ sung quy định cấm các hành vi gian lận thương mại, nâng khống giá trị hàng hóa, xâm hại quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, bổ sung việc quy định các hành vi gian dối gây cản trở chính sách bình ổn giá của Nhà nước vào Điều 7 của dự thảo luật này…

Cấm lợi dụng thiên tai, khủng hoảng để tăng giá bán

Trong dự thảo luật có quy định cấm việc lợi dụng về khủng hoảng kinh tế, thiên tai, địch họa để tăng giá bán, giá hàng hóa, dịch vụ bất hợp lý, không phù hợp với biến động của yếu tố hình thành giá so với khi thời điểm trước điều chỉnh giá.

Một số ý kiến cho rằng khái niệm "bất hợp lý" ở quy định này cũng cần phải rõ ràng hơn nữa vì quy định như hiện tại là rất chung chung về khái niệm. Do vậy cần phải quy định cụ thể mức độ như thế nào là "bất hợp lý" bởi yếu tố hình thành giá luôn biến động.

Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) cho rằng quy định như dự thảo luật vẫn chưa làm rõ thế nào là dịch vụ bất hợp lý, thế nào là không phù hợp. Đại biểu đề nghị thay thế cụm từ "bất hợp lý, không phù hợp" thành "giá biến động bất thường" để tương thích với Điều 14 về giải thích từ ngữ.

Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TP.HCM) cho rằng trong dự luật, định nghĩa "giá thị trường" chưa phù hợp với nguyên tắc hình thành giá thị trường. Do đó, cần phải quy định lại định nghĩa cũng như sửa đổi lại khái niệm cơ sở hình thành giá.

"Giá là vấn đề rất phức tạp và hình thành trên quan hệ cung - cầu. Tuy nhiên, tinh thần này vẫn chưa được thể hiện rõ trong dự thảo luật. Do đó, cần sửa đổi lại trên tinh thần "giá thị trường là giá cả hàng hóa, dịch vụ được hình thành trên cơ sở quan hệ cung cầu phù hợp với chất lượng và giá trị sử dụng hàng hóa và khả năng chi trả của người mua", ông Nhân nói.

hoa.jpg
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp)

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng vấn đề giá là một vấn đề ảnh hưởng tác động trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp liên quan đến bình ổn giá thị trường. Do đó, cần được quy định cụ thể ngay trong luật để tạo sự công khai, minh bạch, đặc biệt là nhằm tránh lạm dụng để mở rộng phạm vi các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, hạn chế sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo đại biểu Hòa, việc quy định Quỹ bình ổn giá là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải hoàn thiện cơ chế quản lý và quy định, đặc biệt là nguồn hình thành quỹ, thời gian hoạt động quỹ và giao cho Chính phủ quyết định để đảm bảo công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của người dân và Nhà nước.

Đại biểu Hòa cũng cho rằng Quỹ bình ổn giá là vận động doanh nghiệp và người dân tham gia. Do đó, quỹ nên do Nhà nước trực tiếp quản lý và Nhà nước có thể đầu tư từ ngân sách để khi có sự đột biến như giá xăng dầu tăng thì sử dụng Quỹ bình ổn giá can thiệp vào thị trường, để đảm bảo cho thị trường tốt hơn, hạn chế đến mức thấp nhất việc vận động doanh nghiệp và người dân để tham gia vào quỹ.

Hoài Lam