Sở Y tế TP.HCM ban hành 15 khuyến cáo đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:05, 07/04/2023
Theo đó, Sở Y tế khuyến cáo các bệnh viện phổ biến và quán triệt đến từng viên chức và người lao động trong bệnh viện để có nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của hoạt động chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải được xem là một trong những hoạt động trọng tâm trong kế hoạch hoạt động hằng năm của bệnh viện, do chính Giám đốc bệnh viện trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Ngoài ra, các bệnh viện phải ưu tiên phân bổ nguồn lực để tuyển dụng bổ sung nhân lực cho phòng công nghệ thông tin (CNTT), quan tâm và tạo điều kiện thuận lợi cho nhân viên chuyên trách CNTT được học tập nâng cao trình độ; ưu tiên phân bổ nguồn lực để củng cố và phát triển hạ tầng CNTT của bệnh viện; củng cố và nâng cấp trung tâm dữ liệu (Data Center - DC) của bệnh viện (chọn địa điểm phù hợp, đảm bảo các điều kiện kỹ thuật, điều kiện về môi trường…); ưu tiên phân bổ nguồn lực để triển khai có hiệu quả các phần mềm ứng dụng không thể thiếu trong hoạt động của bệnh viện và các phần mềm mới đối với các vấn đề phổ biến, đòi hỏi sự tham gia của nhiều khoa phòng, qua nhiều bước, tiêu tốn nhiều giấy tờ, công sức và thời gian.
Trong khuyến cáo Sở Y tế cũng nêu rõ việc triển khai đầy đủ các phần mềm ứng dụng không thể thiếu đối với hoạt động của một bệnh viện (HIS, LIS, RIS/PACs, EMR,….), phấn đấu đạt tối thiểu ở mức 6 tại phụ lục II của Thông tư số 54/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế về ban hành bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các bệnh viện.
Các bệnh viện phải bảo đảm an toàn thông tin khi triển khai các phần mềm ứng dụng của bệnh viện theo quy định (Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 1.7.2016 của Chính Phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ; Thông tư số 53/2014/TT-BYT ngày 29/12/2014 của Bộ Y tế về quy định điều kiện hoạt động y tế trên môi trường mạng; Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT ngày 12/8/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hướng dẫn Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính Phủ về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp). Phải có giải pháp phòng chống sự cố gây mất dữ liệu và thông tin của bệnh viện, xây dựng phương án dự phòng và tổ chức diễn tập trong trường hợp xảy ra sự cố do nhiều nguyên nhân khác nhau (thiên tai, hỏa hoạn, lũ lụt,…) hoặc do sự cố hệ thống không thể khắc phục được nhằm hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra gây ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh.
Ngoài ra, các bệnh viện phải xây dựng cổng thông tin bệnh viện có khả năng giao tiếp hai chiều với người bệnh, bao gồm: đăng ký khám bệnh từ xa qua các phương tiện phổ biến như điện thoại di động, tổng đài điện thoại, cổng thông tin đặt hẹn,…; cung cấp thông tin cho người bệnh qua thư điện tử, tin nhắn,…; có thể tra cứu thông tin y tế trực tuyến, thông tin chi tiết về các dịch vụ khám chữa bệnh, tư vấn từ xa; nhắc người bệnh tái khám, dùng thuốc, tiêm chủng lần tiếp theo, thanh toán không dùng tiền mặt…
Song song đó, các bệnh viện triển khai hiệu quả “Văn phòng số” thay thế cho các thủ tục hành chính nội bộ; tích hợp chữ ký điện tử hoặc chữ ký số vào các phần mềm ứng dụng của bệnh viện, đồng thời phải ban hành quy chế sử dụng chữ ký điện tử và chữ ký số theo đúng quy định; triển khai bệnh án điện tử (Electronic Medical Record - EMR); vận dụng khả năng dự báo và giám sát của hệ thống thông tin trong hoạt động quản lý bệnh viện…