Vì sao khối lượng trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong quý 1?

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 18:28, 07/04/2023

Theo Bộ Tài chính, trong quý 1, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã phát hành được 24.708 tỉ đồng.

Hiệu ứng của Nghị định 08/2023/NĐ-CP

Trong đó, khối lượng phát hành kể từ ngày 6.3.2023 khi Nghị định 08/2023/NĐ-CP có hiệu lực là 23.825 tỉ đồng, tương đương 96% khối lượng.

trai-phieu.jpeg
Giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm - Ảnh minh họa

Lãi suất, kỳ hạn phát hành bình quân là 7,75%/năm và 2,37 năm. Về cơ cấu, 98,2% khối lượng phát hành thuộc lĩnh vực bất động sản, khách hàng chủ yếu là nhà đầu tư tổ chức chiếm 99,99%, trong đó các ngân hàng chiếm 77%.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT (VNDIRECT), sau khi Nghị định số 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế được ban hành (ngày 5.3.2023), hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ bắt đầu có sự phục hồi.

Tuy nhiên theo quan sát của VNDIRECT, các đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ lớn trong quý 1/2023 đều là của các doanh nghiệp ít có tên tuổi, thông tin về các doanh nghiệp này cũng rất hạn chế, thậm chí có doanh nghiệp tính tới thời điểm phát hành chỉ có thời gian thành lập chưa đến 1 năm.

Trong bối cảnh niềm tin của các nhà đầu tư cá nhân chưa trở lại, tỷ lệ phân phối cho các nhà đầu tư cá nhân của của các lô trái phiếu mới phát hành này là rất hạn chế, người mua chủ yếu là các tổ chức, do đó VNDIRECT cho rằng những đợt phát hành này chỉ mang tính cục bộ, có thể mục đích phát hành chỉ là để cơ cấu lại nợ nội bộ của một hay một vài tổ chức lớn.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền

Về tình hình thanh toán nợ trái phiếu và tái cơ cấu, trong quý 1/2023, có 69 doanh nghiệp phát hành chậm thanh toán gốc, lãi TPDN với tổng giá trị chậm thanh toán khoảng 19.200 tỉ đồng; có 23 tổ chức phát hành có phương án đàm phán với nhà đầu tư và báo cáo cho HNX với khối lượng khoảng 9.600 tỉ đồng (chiếm 50% khối lượng chậm thanh toán).

Trong bối cảnh thanh khoản thị trường bất động sản đóng băng, tín dụng bị thắt chặt đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng tiền của các doanh nghiệp trong thời gian qua đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản, đây có thể là những nguyên nhân khiến hoạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp bất động sản trước hạn trong quý 1/2023 đã chững lại. Đồng thời, do nhiều doanh nghiệp gặp khó về dòng tiền và hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn, danh sách các doanh nghiệp chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu tiếp tục tăng lên.

Về thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 31.3.2023, tổng khối lượng huy động là 104.873 tỉ đồng, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỉ đồng) và 97,1% kế hoạch quý 1/2023 (108.000 tỉ đồng).

Do tác động của tình hình thị trường, từ ngày 10.3.2023, mặt bằng lãi suất giao dịch TPCP có xu hướng giảm và nhu cầu mua TPCP tăng cao trở lại (tỉ lệ khối lượng dự thầu/khối lượng gọi thầu bình quân tháng 3.2023 đạt 3,39 lần, tỉ lệ này trong tháng 2.2023 là 2,99 lần).

Về thị trường chứng khoán, tính đến ngày 31.3.2023, chỉ số VNIndex đạt 1.064,64 điểm, tăng 3,9% so với cuối tháng trước và tăng 5,7% so với cuối năm 2022. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 207,5 điểm, tăng 2,5% so với cuối tháng trước và tăng 1,1% so với cuối năm 2022. Mức vốn hóa thị trường cổ phiếu 3 sàn HOSE, HNX và UPCoM ngày 31.3.2023 đạt 5.474 nghìn tỉ đồng, tăng 4,7% so với cuối năm 2022, tương đương 57,5% GDP ước tính năm 2022.

Về thị trường bảo hiểm, Bộ Tài chính cho hay, thị trường bảo hiểm duy trì được tốc độ tăng trưởng tích cực trong 3 tháng đầu năm 2023, cụ thể: Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 54.186 tỉ đồng (tăng 11,2% so với cùng kỳ năm 2022), tổng tài sản ước đạt 729.096 tỉ đồng (tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022), đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 596.163 tỉ đồng (tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2022).

H.Đ