Thu phí phố cổ Hội An: Chuyên gia kinh tế đề xuất giải pháp mới

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:00, 08/04/2023

Để hài hòa lợi ích, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có thể kết hợp lý luận về phí đô thị với phí bảo tồn di sản để áp dụng thu phí.

Xôn xao đề xuất phân luồng, thu phí vào Hội An

Thành phố Hội An dự kiến từ 15.5 tới đây sẽ thu vé vào cửa với du khách trước khi vào khu vực trung tâm phố cổ. Hội An tính tới phương án phân luồng 2 lối đi riêng dành cho du khách và người dân địa phương tại khu vực trung tâm phố cổ nhằm thuận tiện cho việc thu vé vào cửa.

Dự kiến, giá vé tham quan cho khách quốc tế là 120.000 đồng/người/vé và 80.000 đồng/người/vé với khách nội địa. Mức giá này thực hiện như mệnh giá hiện hành từ năm 2012 tới nay.

Đề xuất này hiện gặp nhiều quan điểm trái chiều trong dư luận. Một luồng ý kiến cho rằng việc thu phí là nên làm để “lấy di tích nuôi di tích”, có thêm kinh phí bảo tồn di sản, nhưng cũng có quan điểm cho rằng việc thu phí dễ rơi vào tình trạng “tham bát bỏ mâm” khi ảnh hưởng tới lượng du khách tới đây.

Thực tế, từ lâu, Hội An đã bán vé, thu phí tham quan đối với khách du lịch đến Khu phố cổ - vùng lõi của Khu Di sản Văn hóa Thế giới Hội An, nhưng không phải bán vé, thu phí với tất cả người ra vào Thành phố Hội An.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết, việc áp dụng bắt buộc mua vé đối với tất cả du khách khi đến tham quan phố cổ Hội An là để đảm bảo công bằng đối với địa phương và du khách.

Theo phương án được ban hành mới đây, mọi du khách trong nước và quốc tế tham quan khu phố cổ Hội An phải mua vé tại các quầy trước khi vào khu phố cổ.

hoi-an.jpg
Thành phố Hội An dự kiến từ 15.5 tới đây sẽ thu vé vào cửa với du khách trước khi vào khu vực trung tâm phố cổ

Lực lượng chức năng sẽ phân luồng lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ Hội An. Theo đó, sẽ bố trí 2 lối đi riêng gồm một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách. Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh - Truyền hình thành phố Hội An được giao nhiệm vụ tổ chức các hoạt động hướng dẫn tham quan du lịch trong khu phố cổ.

“Tuy nhiên, thời gian qua có tình trạng cá nhân, đơn vị không mua vé, không đưa chương trình tham quan Di sản văn hóa thế giới - Khu phố cổ Hội An vào trong chương trình và kinh phí tour để bán cho du khách. Chính điều này đã làm giảm giá trị của một quần thể di tích được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới. Cũng từ những nguyên nhân này, nguồn thu từ phí tham quan chưa đảm bảo để Hội An phục vụ cho công tác trùng tu di tích, đầu tư cơ sở hạ tầng, bổ sung phong phú hơn nữa các sản phẩm văn hoá - nghệ thuật để phục vụ du khách”, ông Sơn nói.

Chủ tịch UBND Thành phố Hội An cho rằng nếu để xô bồ như hiện nay, lẫn lộn giữa người mua vé với người không mua vé như nhau thì một lúc nào đó, Hội An sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Thời gian qua, Hội An đang bị một số trang mạng, báo chí nước ngoài nói là "điểm đến rẻ tiền", điều này rất nguy hiểm. Khi Hội An trở thành "điểm đến rẻ tiền" đồng nghĩa với việc đang đi xuống.

Theo ông Nguyễn Văn Lanh, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hội An cũng cho hay, địa phương xây dựng phương án kiểm soát thu phí tham quan phố cổ không phải để tận thu và không có chuyện người dân trong phố cổ Hội An khi ra vào phải xuất trình giấy tờ như dư luận đang lo lắng.

Ông Nguyễn Văn Lanh cho biết thêm, thành phố chỉ mới xây dựng dự thảo Đề án và sẽ được lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp để đi đến thống nhất thực hiện các giải pháp phù hợp nhất trước khi ban hành: “Trước hết thành phố sẽ tập trung làm mới du lịch Hội An. Chắc chắn rằng hình ảnh Hội An sẽ mới mẻ và đẹp hơn trong thời gian đến. Các sản phẩm du lịch phụ trợ trong phố cổ Hội An sẽ được chăm chuốc, bổ sung, nâng cao hơn thì mới kéo du khách về đây được.”

Đề xuất mới cho việc thu phí vào phố cổ Hội An

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, có thể kết hợp lý luận về phí đô thị với phí bảo tồn di sản để áp dụng thu phí. Tuy nhiên, theo ông Việt, nên chia nhỏ phí thành 3 loại: phí nửa ngày, phí 1 ngày, phí 2 ngày để vừa phân loại được nhu cầu khách, vừa điều tiết lượng khách ở lâu.

Dựa trên đề xuất ban đầu của chính quyền Hội An, ông Việt đề xuất phí nửa ngày 30.000 đồng, cả ngày (không qua đêm) là 60.000 đồng, 2 ngày (qua đêm) là 90.000 đồng.

“Với lý luận về phí giảm tắc nghẽn kết hợp phí đóng góp tôn tạo thì đề xuất này làm được 2 việc: Thứ nhất là cụ thể hoá, phân loại hoá được nhu cầu/mức độ sử dụng tương ứng mức đóng góp/trả phí đô thị. Thứ hai là tạo thuận lợi để có chia sẻ gánh nặng phí giữa bên kinh doanh dịch vụ với khách hàng”, ông Việt nói.

TS Nguyễn Quốc Việt cũng chia sẻ, với nhiều người đã đến Hội An nhiều lần, họ chỉ tạt qua nửa ngày để ăn trưa/ăn tối và chụp lại 1 bức ảnh checkin rồi về sẽ thuộc nhóm 1. Mức 30.000 đồng là vừa phải, chấp nhận được với mục đích của họ.

Đặc biệt, một phương án có thể tính đến là khi khách vào các quán ăn/nhà hàng/cafe có thể được hoàn trả/chia sẻ 50% bởi các chủ quán này.

“Chủ quán cũng có thể làm sẵn các coupon (in/online) để nếu khách xác thực đặt trước đồ ăn sẽ có vé để vào quán. Tức là khách hàng sử dụng dịch vụ của nhà hàng và nhà hàng sẽ chia sẻ bớt phần phí cho khách du lịch”, ông Việt nói.

viet.jpg
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội)

Theo ông Việt, nhóm đông nhất sẽ là nhóm đi cả ngày, sẽ sử dụng một số dịch vụ điểm đến miễn phí, từ sáng đến tối muộn. Trước mắt nên thu mức vừa phải là 60.000 đồng để kích cầu du lịch. Điều này góp phần cân bằng giữa lợi ích kinh doanh du lịch với lợi ích thu phí (thậm chí duy trì hoặc tăng lượng khách đến sẽ đảm bảo nguồn thu tăng và bền vững do các dịch vụ du lịch vẫn phát triển và đóng thuế kinh doanh lại)

“Với mức 60.000 đồng thì khách cũng sẽ dược chia sẻ một phần chi phí trở lại khi vào quán ăn (mỗi quán trả lại 10.000 đồng chẳng hạn), hoặc các dịch vụ khác như bơi thuyền…”, ông Việt nói.

Với mức 90.000 đồng áp dụng với khách ở lại qua đêm, điều này sẽ được chia sẻ giữa cơ sở lưu trú du lịch (hoàn trả 50%) cũng như chỗ ăn (10.000/lần vào ăn).

Tuy nhiên một vấn đề lo ngại là khó kiểm soát, ông Việt cho rằng nên áp dụng dạng vé online có màu và QR code, vé nửa buổi chia 2 màu sáng (9h-4h/tối: (4h-22h), vé cả ngày/vé 2 ngày.

Đơn vị kiểm soát có thể theo chốt hoặc lưu động và dùng chính điện thoại để kiểm tra. Thời gian đầu, khoảng 6 tháng chỉ nên nhắc nhở nếu vi phạm và yêu cầu mua bổ sung. Còn với vé lưu trú 2 ngày/1 đêm thì kiểm soát qua đăng ký điểm đến

“Như vậy sẽ hài hòa lợi ích các bên, nhất là bảo đảm không ảnh hưởng lợi ích kinh doanh du lịch và cũng là nguồn thu bền vững cho địa phương”, TS Nguyễn Quốc Việt nêu.

Hoài Lam