Elon Musk lần đầu đến Trung Quốc sau 3 năm, giới chính trị và kinh doanh theo dõi sát sao

Thế giới số - Ngày đăng : 10:40, 09/04/2023

Elon Musk, Giám đốc điều hành Tesla, đến thăm nhà máy Tesla ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) vào cuối tuần này, theo trang Bloomberg.

Ba năm sau chuyến đi gần nhất đến Trung Quốc, Elon Musk đã trở lại nước này. Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai của Tesla sau Mỹ và nhà máy ở thành phố Thượng Hải là trung tâm sản xuất lớn nhất của hãng sản xuất ô tô điện nổi tiếng này.

Tỷ phú 51 tuổi người Mỹ có thể sẽ gặp các quan chức chính quyền địa phương nhưng kế hoạch này có thể thay đổi, trang Bloomberg đưa tin. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy Elon Musk sẽ gặp ông Lý Cường, Thủ tướng Trung Quốc, trong chuyến đi này.

Ông Lý Cường đang dẫn đầu các nỗ lực của đất nước để thuyết phục các công ty quốc tế tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Cuối tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại các sự kiện kinh doanh có sự tham dự của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook và Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla.

Hôm 31.3, Reuters đưa tin Elon Musk lên kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 và tìm kiếm cuộc gặp với Thủ tướng Lý Cường.

Trước khi trở thành Thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, ông Lý Cường từng là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nơi ông giám sát việc xây dựng và khai trương nhà máy của Tesla. Ông Lý Cường và Elon Musk từng gặp nhau trước đó, tại lễ khai trương nhà máy ở Thượng Hải năm 2019. Vào năm 2020, họ đã tham gia một cuộc họp trực tuyến, nơi Elon Musk cảm ơn Bí thư Thành ủy Thượng Hải lúc bấy giờ vì hỗ trợ hoạt động của nhà máy trong thời gian đại dịch bùng phát, theo các phương tiện truyền thông địa phương.

Tesla không trả lời khi được đề nghị bình luận về chuyện trên. Elon Musk cũng không đề cập đến chuyến đi của mình đến Trung Quốc trên Twitter.

elon-musk-lan-dau-den-trung-quoc-sau-3-nam1.jpg
Elon Musk chụp ảnh với người mua ô tô điện trong lễ bàn giao Model 3 do Tesla sản xuất tại Thượng Hải hồi đầu năm 2010 - Ảnh: Getty Images

Trung Quốc là thị trường trọng điểm của Tesla

Chuyến đi này diễn ra giữa lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã phát triển thành một cuộc chiến về công nghệ. Bắc Kinh cũng đang thu hút các nhà đầu tư và doanh nghiệp nước ngoài khi nền kinh tế Trung Quốc cố gắng tự phục hồi sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch và các lệnh phong tỏa khiến đất nước đóng cửa với thế giới.

Elon Musk đi cùng Tom Zhu, cựu Giám đốc vận hành Tesla ở Trung Quốc và được thăng chức lên làm Giám đốc điều hành sản xuất tại Tesla vào năm ngoái. Việc thăng chức này giúp Tom Zhu trở thành một trong những người kế nhiệm tiềm năng cho Elon Musk với tư cách Giám đốc điều hành Tesla.

Nhà máy Tesla ở Thượng Hải là nơi sản xuất hai mẫu ô tô điện phổ biến nhất của công ty Model 3 và Model Y phục vụ thị trường châu Á và châu Âu. Nhà máy này có năng lực sản xuất hơn 750.000 ô tô điện mỗi năm, theo Tesla.

Chuyến đi gần đây của Elon Musk đến cường quốc châu Á từ đầu năm 2020. Vào thời điểm này, hình ảnh Elon Musk nhảy múa trên sân khấu tại nhà máy ở Thượng Hải đã lan truyền khắp thế giới, giúp ông càng được nhiều người biết đến.

Sau đó, tầm ảnh hưởng của Elon Musk ngày càng lớn. Trong một thời gian dài, ông trở thành người giàu nhất thế giới. Elon Musk hiện là người giàu thứ hai thế giới (sau doanh nhân Bernard Arnault, Giám đốc điều hành LVMH - công ty hàng xa xỉ lớn nhất thế giới) với tài sản ròng trị giá 171 tỉ USD tính đến ngày 9.4, theo Bloomberg Billionaires Index.

Elon Musk cũng trở thành một tiếng nói quan trọng trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu, vị thế mà ông có được bằng cách cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Starlink là dịch vụ truy cập internet vệ tinh an toàn, được phát triển bởi SpaceX, công ty khác của Elon Musk.

Cuối tháng 10.2022, Elon Musk đã mua lại Twitter, mạng xã hội được coi là nơi gặp gỡ của những người có ảnh hưởng và những người làm truyền thống trên toàn thế giới, với giá 44 tỉ USD.

Elon Musk tự mô tả mình là "người theo chủ nghĩa chuyên chế về tự do ngôn luận". Thế nên, Twitter đặt Elon Musk vào vị trí tế nhị, đặc biệt là liên quan đến kiểm duyệt ở Trung Quốc. Cách ông sẽ phản ứng trước yêu cầu từ Trung Quốc xóa nội dung hoặc chặn một số tiếng nói phản đối chế độ, là một trong những câu hỏi mà nhiều chuyên gia đặt ra.

Trung Quốc cũng là một trong những nguồn doanh thu lớn nhất ngoài Mỹ cho Twitter, các nguồn tin nói với Reuters. Hoạt động của Twitter tại Trung Quốc đã gây ra sự chia rẽ trong công ty này giữa các nhóm mong muốn tối đa hóa cơ hội bán hàng và những người lo lắng về hình ảnh từ việc kinh doanh với các thực thể liên quan đến chính quyền nước này trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng, theo Reuters.

Điểm đáng chú ý là Tesla vẫn đang chờ chính quyền Trung Quốc phê duyệt Full Self Driving (FSD), hệ thống hỗ trợ người lái tiên tiến của hãng. Ô tô điện Tesla cũng bị cấm vào các khu liên hợp quân sự và địa điểm họp chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về camera lắp trên xe.

Tesla cũng đang gặp phải sự chậm trễ trong nỗ lực tăng gấp đôi công suất sản xuất tại nhà máy Thượng Hải.

Điều chắc chắn là chuyến thăm của Elon Musk tới Trung Quốc sẽ được giới chính trị và kinh doanh theo dõi sát sao, đặc biệt là tại Mỹ.

Thách thức lớn với Tesla ở Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Tesla phải giảm giá các mẫu ô tô điện bán chạy nhất của mình trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà sản xuất nội địa bao gồm BYD, Nio và Zeekr (thương hiệu của Geely Automobile).

Các hãng ô tô điện Trung Quốc có thể nhận được một cú hích nữa nếu CATL (nhà sản xuất pin Trung Quốc) thực hiện kế hoạch giảm giá mạnh các loại pin được sử dụng trong xe của họ.

Các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc sản xuất trong nước có cơ hội tốt để tăng thị phần vào năm 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và lựa chọn những chiếc xe rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.

BYD cùng công ty khởi nghiệp như Li Auto và Leapmotor sẽ hưởng lợi từ việc hạ tiêu chuẩn tiêu dùng khi những tài xế chuyển hướng sang các mẫu xe rẻ hơn sau những lo lắng về triển vọng việc làm và tiền lương của họ, các nhà phân tích và đại lý bán hàng cho biết.

Tian Maowei, Giám đốc bán hàng thuộc công ty Yiyou Auto Service ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), nói: “Nền kinh tế suy yếu nghiêng cán cân có lợi cho hãng sản xuất các mẫu ô tô dành cho thị trường đại chúng của tài xế. Các nhà chế tạo ô tô Trung Quốc sẽ chứng kiến thị phần của họ trên thị trường xe điện tăng lên trong năm nay”.

Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới. Có 6,9 triệu ô tô điện được bán ra ở Trung Quốc vào năm 2022, gần gấp đôi con số trong 2021, theo dữ liệu của ngành.

Doanh số bán ô tô điện ở Trung Quốc vào năm 2023 dự kiến sẽ tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái lên 8,4 triệu chiếc (chậm lại so với mức tăng 114% trong năm 2022 so với 2021), theo ước tính của Hiệp hội xe khách Trung Quốc (CPCA).

Việc Trung Quốc hủy bỏ trợ cấp tiền mặt cho mua ô tô điện, nền kinh tế chậm lại và cạnh tranh thị trường ngày càng gia tăng đã gây áp lực lên các nhà sản xuất xe điện cao cấp như Tesla (có trụ sở tại bang Texas, Mỹ).

Ô tô điện thông minh có giá dưới 200.000 nhân dân tệ (29.247 USD) trở nên phổ biến với người tiêu dùng Trung Quốc khi chiến lược kiểm soát đại dịch ăn vào lợi nhuận của các công ty và thu nhập nhân viên vào năm ngoái.

Ngày càng có nhiều tài xế trẻ Trung Quốc muốn sở hữu một chiếc ô tô điện thông minh như Model 3 hoặc Model Y của Tesla, nhưng nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại đã buộc một số người phải chuyển sang các mẫu xe rẻ hơn.

Sơn Vân