Đề xuất giảm tiếp thuế VAT xuống 8%: 'Liều thuốc' kích cầu kinh tế
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:13, 09/04/2023
Theo Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), tại dự thảo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2023, Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương khẩn trương xử lý, giải quyết vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng (thuế GTGT) cho các doanh nghiệp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét tiếp tục chính sách giảm 2% thuế GTGT. Trên cơ sở đó, Vụ Chính sách thuế đưa ra hai phương án giảm 2% thuế GTGT năm 2023.
Phương án 1, giảm 2% mức thuế suất GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%).
Phương án 2, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Vụ Chính sách thuế đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành (dự kiến 1.7) đến hết ngày 31.12.2023.
Từ 1.1.2023, Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế GTGT với các nhóm hàng hóa, dịch vụ… hết hiệu lực. Người mua hàng hóa, dịch vụ trở lại nộp thuế GTGT 10%. Nhiều ý kiến cho rằng trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, cần kéo dài chính sách giảm thuế GTGT nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.
Theo các doanh nghiệp, chính sách giảm thuế GTGT 2% áp dụng từ ngày 1.1.2022 đến 31.12.2022 đã phát huy hiệu quả rất cao, tác động nhanh và trực tiếp, kích thích sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn hậu COVID-19. Vì vậy, chính sách giảm thuế suất thuế GTGT trong năm 2023 là cần thiết để các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA) cho biết những tháng cuối năm 2022 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi khi áp lực lãi suất tăng nhanh; thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng, các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro; giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao, nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng...
Trước tình hình đó, doanh nghiệp không thể tiếp tục đà phục hồi nếu không có sự hỗ trợ. FFA cho rằng những chính sách hỗ trợ lãi suất cũng như các chính sách khác thời gian qua phát huy hiệu quả không nhanh và không trực tiếp đối với doanh nghiệp và người dân. Trong khi đó, đa số doanh nghiệp đều cảm nhận và đánh giá cao tính thiết thực của chính sách giảm thuế GTGT 2% và mong muốn được gia hạn chính sách này.
Tương tự, Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA) cũng đề xuất tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế GTGT 2% tới hết năm 2023. Theo VBA, các doanh nghiệp trong ngành đã có dấu hiệu phục hồi tích cực nhưng chỉ là bước đầu.
Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tin tưởng chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đã có nhiều tác động tích cực đến nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đối phó với những tác động tiêu cực và đại dịch, từng bước phục hồi đà tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Việc giảm thuế giá trị gia tăng 2% với hầu hết hàng hóa, dịch vụ thiết yếu áp dụng được chuyên gia đánh giá là có tác động tích cực tới nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ, góp phần giúp hài hòa mục tiêu vừa kích thích tăng trưởng, vừa kiềm chế lạm phát. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ có điều kiện giảm chi phí đầu vào, đầu ra cũng sẽ "dễ thở" hơn, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm mở rộng sản xuất - kinh doanh.
Với người dân, thuế GTGT là thuế gián thu nên việc giảm thuế này sẽ tác động gián tiếp đến tiêu dùng, làm cho mặt bằng giá cả tiêu dùng nói chung giảm, hỗ trợ tốt cho chi tiêu của người dân trong quá trình phục hồi sau đại dịch. Tùy mặt hàng được giảm thuế sẽ có tác động nhiều hay ít nhưng nói chung hỗ trợ này sẽ khuyến khích, thúc đẩy cầu của người dân và làm cho cầu hàng hóa tăng lên.