Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa dự án Luật Bản dạng giới vào chương trình xây dựng luật

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 17:28, 10/04/2023

Một trong những nội dung đáng chú ý tại phiên họp 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa dự án Luật Bản dạng giới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Ngày 10.4, tại phiên họp thứ 22, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Một trong những nội dung đáng chú ý là đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí đề nghị đưa dự án Luật Bản dạng giới vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

tri.jpg
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí phát biểu

Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng các dạng giới khác là một cấu phần tất yếu của xã hội bên cạnh 2 giới tính truyền thống là nam và nữ; đảm bảo những người không hợp giới được sống bình đẳng trong xã hội; khẳng định, tôn trọng quyền chuyển đổi giới tính của công dân. Theo đó, việc hoàn thiện pháp luật về chuyển đổi giới tính, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tình hình mới. Nội luật hóa các quy định, nguyên tắc quốc tế về bản dạng giới, chuyển đổi giới tính bằng đạo luật của Quốc hội.

“Việc ban hành luật cũng nhằm thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về chuyển đổi giới tính không phải là bệnh lý hay rối loạn tâm thần, lệch lạc về hành vi, nhận thức và lối sống; khuyến khích người chuyển giới có thái độ và hành vi tích cực, hòa đồng với xã hội; bảo vệ cộng đồng yếu thế và không để ai bị bỏ lại phía sau…”, ông Trí nói.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu 3 chính sách lớn trong dự án Luật Bản dạng giới, gồm: (1) quyền chuyển đổi giới tính của công dân; (2) quyền được công nhận giới tính mới khác giới tính khi sinh theo yêu cầu của công dân; (3) quyền được lựa chọn hình thức can thiệp y học để chuyển đổi giới tính của công dân.

Thẩm tra về dự án Luật Bản dạng giới, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội đánh giá cao sự nỗ lực, tâm huyết của đại biểu quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật.

“Việc xây dựng, ban hành luật để quy định về vấn đề chuyển đổi giới tính là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định tại điều 37 của Bộ luật Dân sự, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn”, ông Tùng nêu.

Ủy ban Pháp luật và Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nêu quan điểm: Báo cáo đánh giá tác động của chính sách và Báo cáo thực trạng pháp luật và xã hội liên quan đã bảo đảm các yêu cầu về hình thức văn bản, nhưng nội dung chưa đánh giá tổng thể, đầy đủ thực trạng quan hệ xã hội có liên quan, chưa đánh giá hết và có giải pháp xử lý các khía cạnh tác động của chính sách, nhất là các vấn đề phát sinh về mặt pháp lý, nhiều số liệu chưa toàn diện.

tung.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Ngoài ra, theo ông Tùng, phạm vi điều chỉnh của dự án luật như đại biểu quốc hội đề xuất rộng hơn so với định hướng xây dựng Luật Chuyển đổi giới tính để cụ thể hóa điều 37 của Bộ luật Dân sự; nhiều nội dung chính sách do đại biểu quốc hội đề xuất có sự giao thoa với các chính sách của dự án Luật Chuyển đổi giới tính do Bộ Y tế đang chủ trì nghiên cứu lập đề nghị xây dựng luật theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị đại biểu Nguyễn Anh Trí nghiên cứu thu hẹp hơn phạm vi điều chỉnh của luật và cân nhắc thời điểm trình phù hợp để có thêm thời gian nghiên cứu, xây dựng dự án luật; đồng thời đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến bằng văn bản thể hiện rõ quan điểm về việc xây dựng dự án Luật Bản dạng giới và Luật Chuyển đổi giới tính theo hướng thống nhất xây dựng một dự án luật để tiết kiệm nguồn lực, không chồng chéo trong chương trình.

dinh.jpg
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận nội dung thảo luận

Phát biểu gợi ý thảo luận về đề nghị bổ sung dự án Luật Bản dạng giới, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ đại biểu quốc hội đề nghị xây dựng luật là điểm mới trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15. Do nội dung dự án luật có nhiều điểm mới, cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng đảm bảo tính khả thi. Trước khi trình Quốc hội cho ý kiến, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra và đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí thống nhất với tiến độ lùi thời điểm trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và thông qua tại kỳ họp thứ 9.

“Việc đại biểu quốc hội trình dự án luật là rất quý, hơn nữa đại biểu Nguyễn Anh Trí có tâm huyết, trình độ chuyên môn sâu, đề nghị các đại biểu tiếp tục xem xét, góp ý để đại biểu hoàn thiện dự thảo luật”, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý.

Phó chủ tịch Quốc hội nêu rõ, qua các ý kiến thảo luận và chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá rất cao và ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực, nhiệt tình, trách nhiệm của đại biểu quốc hội Nguyễn Anh Trí. Tuy nhiên, ý kiến các cơ quan còn khác nhau nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế làm việc với đại biểu Nguyễn Anh Trí và báo cáo xin ý kiến lại Chính phủ để thống nhất nội dung và đại biểu báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trong phiên họp tháng 5.2023.

Hoài Lam