'Mọi sản phẩm Alibaba được tích hợp dịch vụ giống ChatGPT để làm những điều không tưởng'

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 14:41, 11/04/2023

Alibaba có kế hoạch tích hợp Tongyi Qianwen, dịch vụ giống ChatGPT, vào tất cả sản phẩm của mình.

Ông Trương Dũng, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba, cho biết điều này tại Hội nghị thượng đỉnh về đám mây hàng năm của công ty tại Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) hôm 11.4.

Tất cả sản phẩm của Alibaba sẽ được tích hợp vào mô hình ngôn ngữ lớn của chúng tôi và trải qua quá trình nâng cấp toàn diện. Chúng tôi hy vọng điều này sẽ đưa trí thông minh của tất cả các dịch vụ Alibaba lên một tầm cao mới và cho phép thực hiện những điều không thể tưởng tượng được trước đây”, Trương Dũng nói.

Với khả năng sử dụng tiếng Trung và tiếng Anh, Tongyi Qianwen trước tiên sẽ được tích hợp vào DingTalk (nền tảng phát triển ứng dụng và nơi làm việc cộng tác kỹ thuật số của Alibaba) và Tmall Genie (thiết bị gia dụng thông minh được kết nối internet vạn vật của công ty).

Tongyi Qianwen đang được cung cấp cho các khách hàng doanh nghiệp ở Trung Quốc để thử nghiệm.

Đây là bài phát biểu trước công chúng đầu tiên của Trương Dũng với tư cách là tân Giám đốc điều hành Alibaba Cloud. Ông đảm nhận vai trò này vào tháng 12.2022 sau Alibaba Cloud gặp sự cố dài nhất trong 10 năm tại Hồng Kông và Ma Cao.

Trương Dũng không đề cập đến sự cố dịch vụ trong bài phát biểu kéo dài nửa giờ của mình. Trong một cuộc gọi hội nghị vào tháng 2, Trương Dũng cho biết mảng kinh doanh trên nền tảng đám mây, gồm cả Dingtalk, là “cơ hội có tầm quan trọng chiến lược cực kỳ lớn với Alibaba”.

tat-ca-san-pham-alibaba-duoc-tich-hop-dich-vu-giong-chatgpt.jpg
Biển báo bên ngoài văn phòng của Alibaba tại Bắc Kinh 0 - Ảnh: Bloomberg

Trong một ghi chú vào tháng 1, các nhà phân tích tại dịch vụ thông tin thị trường vốn Shanghai SWS đã viết: "Với các công nghệ hàng đầu thế giới, chúng tôi kỳ vọng Ali Cloud sẽ cải thiện hiệu quả tổ chức, dịch vụ khách hàng và thương mại hóa dưới sự lãnh đạo của Trương Dũng”.

Cổ phiếu Alibaba tăng 1% tại Hồng Kông vào buổi trưa 11.4.

Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt và chuỗi tăng trưởng doanh thu chậm hơn những quý gần đây, nhánh đám mây của Alibaba vẫn được coi là một trong những động lực tăng trưởng chính khi hoạt động kinh doanh thương mại điện tử của công ty tăng trưởng chậm hơn.

Trong quý 4/2022, doanh thu Ali Cloud tăng 3% so với cùng kỳ năm 2021 lên 20,18 tỉ nhân dân tệ (2,92 tỉ USD), đánh dấu tốc độ tăng trưởng chậm nhất năm 2022. Tăng trưởng doanh thu của Ali Cloud là 12% trong quý 3/2022 và 10% ở quý 2/2022.

Hôm 28.3, Alibaba tiết lộ đang có kế hoạch chia thành 6 đơn vị và khám phá các khoản gây quỹ hoặc niêm yết cho hầu hết trong số đó. Đây là cuộc tái cơ cấu lớn nhất Alibaba trong 24 năm. 

Alibaba cho biết sẽ chia thành 6 đơn vị gồm Cloud Intelligence Group, Taobao Tmall Commerce Group, Local Services Group, Cainiao Smart Logistics Group, Global Digital Commerce Group và Digital Media and Entertainment Group. Theo hai nguồn tin khác quen thuộc với công ty, Alibaba đã có kế hoạch tách các đơn vị kinh doanh riêng lẻ trong một thời gian dài.

Theo báo cáo tháng 3 của công ty phân tích danh tiếng Canalys, vào năm 2022, thị trường đám mây tổng thể ở Trung Quốc đạt mức tăng trưởng 10% lên 30,3 tỉ USD. Canalys cho biết mức tăng này trái ngược với thành tích mạnh mẽ trong vài năm qua khi thị trường có tốc độ tăng trưởng hàng năm trên 30%.

Lu Yanxia, Giám đốc nghiên cứu công ty tư vấn CNTT IDC China, nói các mô hình ngôn ngữ lớn như Tongyi Qianwen có thể được sử dụng để cung cấp các chatbot hoặc trợ lý kỹ thuật số cho các khách hàng trên nền tảng đám mây của Alibaba.

Tuy nhiên, Lu Yanxia cho biết lượng doanh thu mới từ các ứng dụng như vậy sẽ tương đối nhỏ trong thời gian ngắn, dù các công ty có mô hình ngôn ngữ lớn hoạt động tốt sẽ có thể nhận thấy sự tăng trưởng doanh thu của họ.

tat-ca-san-pham-alibaba-duoc-tich-hop-dich-vu-giong-chatgpt1.jpg
Quang cảnh một trung tâm dữ liệu của Alibaba thuộc đơn vị kinh doanh đám mây - Ảnh: Internet

Hôm 10.4, tờ báo nhà nước Trung Quốc cảnh báo về “bong bóng thị trường” và “sự cường điệu quá mức” xung quanh công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT, chatbot do công ty khởi nghiệp OpenAI của Mỹ phát triển đang gây bão khắp thế giới.

Bài viết có tiêu đề “Cần ngăn chặn bong bóng trong khi thúc đẩy AI” được đăng bởi Nhật báo Kinh tế - tờ báo do Quốc vụ viện Trung Quốc thành lập. “Khi vốn đầu tư quá tập trung vào ChatGPT và các công nghệ liên quan, cần cẩn trọng để tránh tình trạng thị trường bong bóng”, bài viết cho biết.

Bong bóng chứng khoán là hiện tượng giá của một loại cổ phiếu tăng vượt xa so với giá trị thực của chúng. Bong bóng này được hình thành bởi nhu cầu của các nhà đầu tư với loại cổ phiếu nào đó quá cao.

Một số cổ phiếu ở Trung Quốc liên quan đến AI và các mô hình ngôn ngữ lớn đã tăng hơn 50% trong hai tháng qua. Sau khi bài viết được đăng, các cổ phiếu tại Trung Quốc giảm từ mức cao 5 tuần trước đó, với chỉ số cổ phiếu công nghệ giảm 3,8%, trở thành ngành thua lỗ lớn nhất trong 10 nhóm ngành của chỉ số CSI 300. Thị trường chứng khoán Hồng Kông đóng cửa nghỉ lễ Phục sinh và sẽ mở cửa trở lại vào ngày 11.4.

CSI 300 là chỉ số thị trường chứng khoán có trọng số vốn hóa được thiết kế để tái tạo hiệu suất của 300 cổ phiếu hàng đầu được giao dịch trên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải và Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến.

Chatbot của OpenAI ra mắt vào tháng 11.2022 nhưng không có sẵn ở Trung Quốc. Sau đó, các công ty Trung Quốc đã công bố kế hoạch phát triển công nghệ tương tự ChatGPT, gồm cả các hãng công nghệ lớn như nhà điều hành tìm kiếm web Baidu (tiết lộ Ernie Bot vào tháng trước) và gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba (đang chạy thử nghiệm chatbot Tongyi Qianwen).

Hôm 9.4, công ty an ninh mạng 360 Security Technology (niêm yết tại Thượng Hải) bắt đầu mời người dùng đăng ký thử nghiệm 360 Smart Brain sau khi nói với các nhà đầu tư vào tháng 2 rằng đã đầu tư vào các công nghệ liên quan đến ChatGPT từ năm 2020.

Ngày 10.4, SenseTime công bố một loạt sản phẩm mới được trang bị AI bao gồm chatbot và trình tạo hình ảnh từ văn bản. Xu Li, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập của SenseTime - một trong những công ty AI lớn nhất Trung Quốc, đã trình diễn trực tiếp chatbot SenseChat viết email và kể câu chuyện về con mèo bắt cá khi có câu hỏi, cũng như viết kịch bản mã máy tính.

Wang Xiaogang, người đồng sáng lập khác của SenseTime, cho biết các sản phẩm này dựa trên phiên bản mới nhất mô hình ngôn ngữ lớn SenseNova mà công ty đã phát triển trong 5 năm qua. Các mô hình ngôn ngữ lớn thường được đào tạo trên các bộ dữ liệu lớn bằng phần cứng mạnh mẽ.

"Chúng tôi đã tập trung vào việc phát triển các mô hình ngôn ngữ lớn của mình. Ngoài cơ sở hạ tầng AI mạnh mẽ, SenseTime đã phát triển khả năng triển khai các mô hình lớn trên toàn bộ dòng sản phẩm của mình", Wang Xiaogang cho biết, đồng thời nói thêm rằng SenseChat chứa nhiều hơn 100 tỉ tham số.

SenseTime không cung cấp kế hoạch chi tiết cho việc tung sản phẩm ra thị trường, nhưng cho biết các khách tham dự có thể thử các sản phẩm.

Ngoài SenseChat, SenseTime cũng giới thiệu trình tạo hình ảnh, nền tảng tạo hình đại diện kỹ thuật số và một cặp công cụ mô hình 3D bổ sung tại sự kiện. Các ứng dụng này được thiết kế để hoạt động đồng bộ, giúp khách hàng của SenseTime nhanh chóng tạo video, trong đó người trình bày, môi trường và sản phẩm đều được tạo bởi AI trong thời gian thực.

"Chúng tôi có thể tạo ra một cảnh sống ảo cho phòng truyền hình trực tiếp. Việc tạo ra sản phẩm và nội dung tương tác đều được thực hiện bởi AI và phòng truyền hình trực tiếp hoạt động liên tục 24 giờ một ngày. Trong thực tế, bạn có thể không thể phân biệt được liệu vào ban đêm có người thật đang phát sóng hay không", Xu Li nói.

Vào năm 2019, Mỹ đã đưa SenseTime vào danh sách đen thương mại sau khi cáo buộc công ty phát triển các chương trình nhận dạng khuôn mặt giúp Bắc Kinh giám sát người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở khu vực Tân Cương. Thời điểm đó, SenseTime cho biết phản đối mạnh mẽ lệnh cấm của Mỹ và sẽ làm việc với các cơ quan hữu quan để giải quyết tình hình.

Các công ty Trung Quốc nhỏ hơn cũng đã vào cuộc. Chẳng hạn, Hongbo Co, nhà phát triển công nghệ xổ số và máy in có trụ sở tại thành phố Thâm Quyến, nói vào tháng 2 rằng đang “phát triển và thử nghiệm” các sản phẩm liên quan đến ChatGPT. Hongbo Co đã ra mắt chatbot vào cuối tháng 3, chỉ cho phép 20 người dùng mới đăng ký mỗi ngày trong quá trình thử nghiệm. Cổ phiếu Hongbo Co đã tăng hơn 70% kể từ tháng 2.

Một số công ty đã không đạt được nhiều đột phá trong các công nghệ liên quan, nhưng giá cổ phiếu của họ đã tăng vọt. Các cơ quan quản lý nên tăng cường giám sát và trấn áp các hành vi nhằm thổi phồng các khái niệm phổ biến và thao túng giá cổ phiếu, đồng thời tạo ra một thị trường có trật tự với các tiêu chuẩn tiết lộ thông tin, để hỗ trợ sự phát triển lâu dài của AI”, bài viết trên tờ Economic Daily cho biết nhưng không nêu tên công ty nào.

Truyền thông Trung Quốc trước đó đã đưa ra những cảnh báo tương tự. Vào tháng 2, hãng thông tấn Tân Hoa Xã đã đăng một bài viết kêu gọi “ngăn chặn bong bóng” và “kiên nhẫn” trong bối cảnh ChatGPT bùng nổ ở nước này.

Dù sự thay đổi mô hình công nghệ do ChatGPT mang lại đã mang lại cho công ty một cơ sở người dùng lớn, nhưng vẫn chưa có ứng dụng thương mại trưởng thành”, bài báo viết, đồng thời cho biết thêm rằng những công nghệ như vậy có thể gây ra các vấn đề xã hội, bao gồm thông tin giả mạo và đạo văn.

China Science Daily, tờ báo được hậu thuẫn bởi Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc và các cơ quan nghiên cứu hàng đầu khác trong nước, đã xuất bản một bài viết hôm 7.4, cảnh báo rằng ChatGPT có thể làm suy đồi thay vì cải thiện đạo đức của người dùng, trích dẫn một nghiên cứu từ Đức và Đan Mạch được đăng tuần trước trên tạp chí Scientific Reports tuần trước.

Giữa sự sôi động toàn cầu xung quanh ChatGPT, một số chuyên gia AI ở Trung Quốc cùng Elon Musk và các chuyên gia công nghệ khác trên toàn thế giới ký một bức thư ngỏ, kêu gọi tạm dừng phát triển các công nghệ AI tiên tiến hơn GPT-4 của OpenAI vì nguy cơ tiềm tàng với xã hội và nhân loại.

Bất chấp cuộc tranh luận, Wang Xiaochuan, người sáng lập và cựu Giám đốc điều hành công ty tìm kiếm Sogou (Trung Quốc), hôm 10.4 tuyên bố thành lập công ty khởi nghiệp Baichuan Zhineng của mình có tên Baichuan Zhineng nhằm mục đích “tạo ra mô hình ngôn ngữ lớn tốt nhất Trung Quốc cuối năm nay”.

Động thái này đến sau khi Wang Huiwen (đồng sáng lập của tập đoàn giao hàng đồ ăn lớn Meituan) thành lập một công ty khởi nghiệp AI, huy động được 280 triệu USD vào ngày 18.2, theo cơ sở dữ liệu khởi nghiệp PitchBook.

Sơn Vân