TP.HCM: Sẵn sàng phương án khắc phục khi xảy ra ngộ độc botulinum

Thông tin Y học - Ngày đăng : 16:29, 12/04/2023

Các quận, huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc botulinum xảy ra.

Ngày 12.4, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho hay đã có công văn 662/ BQLATTP-QLNĐ đề nghị UBND các quận huyện và TP.Thủ Đức tăng cường công tác phòng chống ngộ độc do clostridium botulinum.

tphcm-cac-dia-phuong-san-sang-phuong-an-khi-xay-ra-ngo-doc-clostridium-botulinum-hinh-anh-1(1).png
Bệnh nhân bị ngộ độc do độc tố vi khuẩn clostridium botulinum được điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam - Ảnh: PV

Theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm, trong thời gian vừa qua đã xảy ra một số vụ ngộ độc thực phẩm do độc tố vi khuẩn clostridium botulinum, làm một số người ngộ độc phải nhập viện điều trị, trong đó đã có trường hợp tử vong.

Trước tình hình trên, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề nghị các quận huyện và TP.Thủ Đức đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức an toàn thực phẩm và biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn clostridium botulinum cho cộng đồng; đặc biệt chú ý hướng dẫn biện pháp chế biến, bảo quản đảm bảo an toàn đối với các các thực phẩm truyền thống hoặc theo tập quán của địa phương, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm.

Trong sản xuất, chế biến phải dùng những nguyên liệu bảo đảm an toàn thực phẩm, tuân thủ theo đúng yêu cầu quy định về vệ sinh trong quy trình sản xuất. Trong sản xuất đồ hộp, phải chấp hành chế độ khử khuẩn một cách nghiêm ngặt; chỉ sử dụng các sản phẩm thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, tuyệt đối không sử dụng các sản phẩm đóng hộp đã hết hạn sử dụng, bị phồng, bẹp, biến dạng, hoen gỉ, không còn nguyên vẹn hoặc có mùi vị, màu sắc thay đổi khác thường. Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm và để kéo dài trong điều kiện không đông đá.

Ngoài ra các địa phương phải tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời đối với các bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, điều tra xác định nguyên nhân vụ ngộ độc theo quy định và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Trong trường hợp cần thiết cần kết nối hội chẩn liên viện, bệnh viện cấp trên để nhận được sự hỗ trợ kịp thời.

Đặc biệt, Ban Quản lý an toàn thực phẩm đề nghị các quận huyện và TP.Thủ Đức chỉ đạo đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc clostridium botulinum xảy ra.

Trước đó, Một Thế Giới đã thông tin, tại tỉnh Quảng Nam đã xảy ra vụ ngộ độc do vi khuẩn clostridium botulinum sau khi ăn cá chép ủ chua khiến 10 người nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa khu vực bắc Quảng Nam, trong đó có 1 người đã tử vong. Ngay sau đó, Bệnh viện Chợ Rẫy nhận được đề nghị hỗ trợ chuyên môn chữa cho các ca ngộ độc đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam. Qua hội chẩn trực tuyến khẩn cấp, bác sĩ đánh giá khả năng rất cao bệnh nhân đã bị ngộ độc botulinum.

Lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy quyết định cử các chuyên gia hàng đầu về chống độc và hồi sức đến Quảng Nam; trong đó có TS-BS Lê Quốc Hùng (Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới), BSCK2 Trần Thanh Linh (Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - ICU) cùng dược sĩ Nguyễn Trọng Lộc (Khoa Dược). Các chuyên gia mang 5 lọ thuốc giải độc botulinum của Bệnh viện Chợ Rẫy ra Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân. Đây là các loại thuốc giải độc rất quý hiếm, giá khoảng 8.000 USD/lọ.

Hồ Quang