Xuất khẩu gỗ, thủy sản giảm mạnh, đời sống hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:25, 13/04/2023

Quý 1/2023, tại một số thị trường lớn, xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%, ảnh hưởng lớn tới doanh nghiệp và người lao động. Trước tình hình này, Thủ tướng chỉ đạo loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngày 13.4, Thủ tướng làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu lâm sản và thủy sản.

Xuất khẩu gỗ và thủy sản giảm mạnh trong quý 1

Các báo cáo và ý kiến tại hội nghị đánh giá, ngành thủy sản Việt Nam đã có những bứt phá vượt bậc, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ; Việt Nam vào vị trí top 3 các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản luôn đứng trong top 10 xuất khẩu của Việt Nam, giá trị xuất khẩu bình quân trên 11 tỉ USD/năm.

Tuy nhiên, cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023 nền kinh tế nước ta nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng đã và đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức rất lớn do tác động, ảnh hưởng từ các yếu tố bất lợi bên ngoài.

Quý 1/2023, xuất khẩu gỗ và lâm sản giảm trên 28%, thủy sản giảm trên 27%, một số thị trường lớn như Mỹ xuất khẩu gỗ giảm 37%, thủy sản giảm tới 50%; số đơn hàng về sản phẩm gỗ giảm 50% về số lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của gần chục triệu người lao động.

Thủ tướng cho rằng, tình hình thế giới những tháng cuối năm 2022, đặc biệt là 3 tháng đầu năm 2023 tiếp tục có những biến động nhanh, phức tạp, trong khi quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế…

hoi-nghi.jpg
Thủ tướng làm việc với Hiệp hội Gỗ và lâm sản, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam

Khái quát các khó khăn, thách thức với ngành lâm sản, thủy sản, Thủ tướng nêu rõ còn nhiều nguyên vật liệu đầu vào phải nhập khẩu, phụ thuộc vào bên ngoài; tranh chấp thương mại diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực tới sản xuất kinh doanh; các thị trường lớn, truyền thống của Việt Nam bị thu hẹp, như Mỹ, EU, Nhật Bản…; các nhà nhập khẩu đa dạng hóa thị trường, mặt hàng…; việc thay đổi chính sách của các nước cũng gây khó khăn cho Việt Nam.

“Ngành lâm sản đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2023 đạt con số 17,5 tỉ USD, còn ngành thủy sản đặt mục tiêu khoảng 10 tỉ USD. Đây là mục tiêu phấn đấu rất cao, đòi hỏi tất cả các chủ thể liên quan phải nỗ lực rất lớn, quyết tâm rất cao để đạt được”, Thủ tướng nói và nhấn mạnh mục tiêu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là về thị trường, thể chế, vốn tín dụng cho sản xuất, chế biến và xuất khẩu lâm sản, thủy sản để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho hàng triệu lao động trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Về các nhiệm vụ chung thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ ngành và địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng, giảm chi phí, cắt giảm thủ tục, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, không phiền hà, sách nhiễu.

Đặc biệt phải đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực); tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; xây dựng hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, đặc biệt là hệ thống cao tốc để giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Thủ tướng cũng yêu cầu, trong lúc thị trường xuất khẩu bị co hẹp, cần hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác tận dụng có hiệu quả thị trường tiêu dùng trong nước với 100 triệu dân; đẩy mạnh cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

“Đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới khoa học - công nghệ, coi đây là một trong những đột phá để thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng và bền vững”, Thủ tướng nói.

Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành gỗ và thủy sản cần phát huy truyền thống, tinh thần chủ động, tự lực, tự cường, sáng tạo và vượt khó có cách làm mới, tự cứu mình, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Các doanh nghiệp phải vươn lên tự thiết kế mẫu mã các sản phẩm gỗ có mẫu mã độc đáo, đa dạng phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng thay vì chỉ gia công theo đặt hàng với mẫu mã của nước ngoài.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động nguồn lực xã hội; xây dựng một số mô hình sản xuất giống, mô hình quản lý chuyên nghiệp, hiện đại, mô hình xúc tiến đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu phù hợp từng vùng miền; chính sách ưu đãi tín dụng phù hợp; thúc đẩy chuyển đổi số, khuyến khích đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

tt.jpg
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị

Thủ tướng giao Bộ Khoa học - Công nghệ chủ trì, phối hợp đầu tư cho nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao vào khâu chọn, tạo giống,  chăm sóc, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản, thủy sản; rà soát hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực lâm nghiệp và chế biến gỗ đáp ứng được yêu cầu của quốc gia, phù hợp với quốc tế.

“Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách để các ngân hàng cho vay, cấp vốn, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất vay hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu; hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, gồm cả thủy sản. Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản; khẩn trương nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền và triển khai các giải pháp phù hợp về cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất, gia hạn nợ…”, Thủ tướng chỉ đạo.

Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh thành tổ chức đối thoại định kỳ và đột xuất với doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; quan tâm hơn đến đời sống của bà con nông dân, ngư dân thông qua việc ký kết và thực hiện nghiêm các hợp đồng liên kết, bao tiêu sản phẩm thủy sản cho dân; tránh để việc dân sản xuất ra nhưng không có chỗ tiêu thụ…

Hoài Lam