Hạn chế chuyển đổi rừng trong dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng

Hạ tầng và bất động sản - Ngày đăng : 14:52, 13/04/2023

Ngày 13.4, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thuộc Quốc hội tổ chức Hội nghị thẩm tra sơ bộ dự án đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng.
khanh-hoa.jpg
Tuyến đường liên vùng được triển khai sẽ phá vỡ thế độc đạo của Tỉnh lộ 9 - Ảnh: Internet

Hội nghị diễn ra sau khi Chính phủ có tờ trình gửi Quốc hội đề xuất làm tuyến đường kết nối liên vùng Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng. 

Dự án có điểm đầu giao với quốc lộ 27C (QL 27C), huyện Khánh Vĩnh và điểm cuối ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Dự án có nhu cầu sử dụng 75,6ha đất rừng, trong đó có đất rừng phòng hộ đầu nguồn và một phần đất rừng đặc dụng (thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà).

Theo tờ trình, dự án có tổng chiều dài khoảng 57km, thực hiện trên địa bàn hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh của Khánh Hòa. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng gần 2.000 tỉ đồng. Dự kiến hoàn thành toàn tuyến vào năm 2027.

Dự án có hai làn xe, chiều rộng nền đường 9m, mặt đường rộng 6m, lề mỗi bên 1,5m. Đối với đoạn thiết kế vận tốc 60km/giờ, đầu tuyến dài 12km và đoạn cuối tuyến dài 14,6km. Đối với đoạn còn lại được thiết kế với vận tốc 40 km/giờ là các đoạn đường đèo có địa hình phức tạp, hạn chế đào sâu, đắp cao, giảm tác động đến môi trường, giảm diện tích chiếm dụng đất rừng.

Đây là dự án có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần phát triển mạng lưới giao thông của vùng núi phía tây tỉnh Khánh Hòa, khơi thông liên kết vùng với các huyện miền núi của các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường an ninh - quốc phòng.

Hội nghị cơ bản nhất trí với sự cần thiết về chủ trương đầu tư dự án và các nội dung được nêu trong tờ trình của Chính phủ, song có ý kiến đề nghị tính toán phương án phù hợp để bố trí vốn ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương hiệu quả, tiết kiệm.

Liên quan đến phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án, các đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều tra kỹ về hiện trạng sử dụng đất cần thu hồi, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án; xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, nhất là đối với các hộ bị ảnh hưởng phải bố trí tái định cư để hạn chế vướng mắc, khiếu kiện phát sinh trong quá trình thực hiện.

Đồng thời, hội nghị cho rằng cần nghiên cứu có phương án tạo việc làm, chuyển đổi nghề, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc cho người dân bị ảnh hưởng phù hợp, ổn định, lâu dài; quan tâm đến hộ gia đình người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, hộ cận nghèo trong thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư. Ngoài ra, cần rà soát, đánh giá kỹ để rút ngắn hơn thời gian thi công xây dựng, hoàn thành dự án nhằm nâng cao hiệu quả, tránh đầu tư dàn trải, kéo dài; rà soát lại phương án trồng rừng thay thế phù hợp với quy định hiện nay. 

Về vấn đề môi trường, các đại biểu yêu cầu hướng tuyến không cắt qua phân khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà, cần tiếp tục rà soát nghiên cứu, lựa chọn giải pháp tối ưu về hướng tuyến, chú trọng việc xây dựng hầm để hạn chế tối đa việc chuyển đổi diện tích rừng, nhất là rừng tự nhiên; bổ sung đánh giá kỹ hơn các tác động sinh học, hệ sinh thái khi thực hiện dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết Thường trực Ủy ban sẽ phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến để tiếp tục hoàn thiện dự thảo báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào ngày mai (14.4).

H.Đ