Apple tăng gấp 3 lần sản lượng iPhone ở Ấn Độ khi đẩy nhanh dịch chuyển khỏi Trung Quốc

Thế giới số - Ngày đăng : 17:05, 13/04/2023

Apple đã lắp ráp lượng iPhone trị giá hơn 7 tỉ USD ở Ấn Độ trong năm tài chính vừa qua, tăng gấp 3 lần sản lượng tại quốc gia Nam Á này, sau khi tăng tốc dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Apple hiện sản xuất gần 7% số iPhone của mình ở Ấn Độ thông qua việc mở rộng các đối tác từ Foxconn đến Pegatron, những người quen thuộc với vấn đề này tiết lộ với trang Bloomberg. Đó là bước nhảy vọt đáng kể với Ấn Độ, vốn chỉ ước tính sản xuất khoảng 1% số iPhone trên thế giới vào năm 2021.

Apple đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc khi căng thẳng Mỹ - Trung tiếp tục leo thang. Các đối tác lâu năm của Apple, từng sản xuất hầu hết iPhone trên thế giới từ các nhà máy rộng lớn ở Trung Quốc, nay đã bổ sung các dây chuyền lắp ráp với tốc độ nhanh chóng trong năm 2022.

Apple đã phải vật lộn vào năm ngoái với tình trạng hỗn loạn tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành ở thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), khiến chuỗi cung ứng của Apple dễ bị tổn thương và buộc phải cắt giảm ước tính sản lượng. Trong khi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đưa ra hàng loạt các ưu đãi để thúc đẩy sản xuất trong nước.

Trong tổng sản lượng, Apple đã xuất khẩu 5 tỉ USD iPhone vào năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2023, gấp gần 4 lần so với cùng kỳ năm trước, Bloomberg cho biết.

Apple (công ty giá trị nhất thế giới) có thể sẽ cố gắng sản xuất những chiếc iPhone tiếp theo ở Ấn Độ cùng lúc với tại Trung Quốc vào khoảng mùa thu năm 2023. Nếu vậy, đây sẽ là lần đầu tiên quá trình lắp ráp iPhone bắt đầu đồng thời ở hai quốc gia này. Nếu việc mở rộng mạnh mẽ các nhà cung cấp tiếp diễn, Apple có thể lắp ráp 1/4 tổng số iPhone của mình tại Ấn Độ vào năm 2025.

Đại diện Apple từ chối bình luận về chuyện trên.

apple-tang-gap-3-lan-san-luong-iphone-o-an-do.jpg
Một nhà máy của Wistron ở bang Karnataka (Ấn Độ), nơi iPhone được lắp ráp - Ảnh: Bloomberg

Ngay cả trước khi sự cố xảy ra ở nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới, Apple đã nhận ra sự cần thiết phải đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình. Công ty Mỹ đã vận động thành công để hưởng các ưu đãi ở Ấn Độ và thúc đẩy ba nhà cung cấp Foxconn, Wistron, Pegatron tăng cường hoạt động tại đây. Tạo ra khoảng 60.000 việc làm cho công nhân ở Ấn Độ, ba công ty Đài Loan này sản xuất các mẫu từ iPhone 11 đến iPhone 14 tại quốc gia Nam Á.

Điều đó đặt Apple vào trung tâm tham vọng của Ấn Độ để trở thành một trung tâm sản xuất lớn và địa điểm thay thế cho Trung Quốc. Apple là một trong những công ty đòi hỏi khắt khe nhất thế giới khi nói đến sản xuất. Chuỗi sản xuất của Apple bao gồm hàng trăm công ty trên khắp thế giới và sử dụng hàng triệu lao động, phần lớn trong số đó đang ở Trung Quốc.

Việc dịch chuyển sản xuất iPhone khỏi Trung Quốc đại diện cho một chiến thắng kinh tế với Ấn Độ, có thể tác động đến cách các thương hiệu Mỹ khác lập kế hoạch cho tương lai. Với Apple, Ấn Độ đại diện cho một nguồn tăng trưởng trong tương lai, vào thời điểm kinh tế Trung Quốc đang chững lại sau nhiều năm áp đặt các biện pháp kiểm soát đại dịch nghiêm ngặt.

Apple sẽ mở hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên tại Ấn Độ vào tuần tới, một ở trung tâm tài chính Mumbai và một tại thủ đô New Delhi. Tim Cook, Giám đốc điều hành Apple, dự kiến sẽ đích thân bay đến Ấn Độ để khánh thành hai cửa hàng bán lẻ, nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của thị trường này.

apple-tang-gap-3-lan-san-luong-iphone-o-an-do1.jpg
Cửa hàng Apple ở Mumbai - Ảnh: Bloomberg

Có trụ sở tại thành phố Cupertino (bang California, Mỹ), Apple đã đề nghị những thay đổi trong luật lao động của Ấn Độ như một phần nỗ lực mở rộng sản xuất tại địa phương và tạo ra các nhà máy lớn.

Foxconn, nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất của Apple, có kế hoạch đầu tư khoảng 700 triệu USD vào nhà máy ở một bang miền nam Ấn Độ để sản xuất linh kiện điện thoại và có thể cả iPhone. Đại diện của Foxconn, Wistron và Pegatron không trả lời ngay lập tức khi được đề nghị bình luận.

Các nhà phân tích của Bloomberg Intelligence (công ty cung cấp thông tin tài chính, tin tức và dữ liệu thị trường thuộc Bloomberg) nhận định: “Việc giảm thiểu phụ thuộc vào sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng công nghệ được xây dựng trong nhiều thập kỷ sẽ đối mặt với những thách thức đáng kể. Thế nhưng, phân tích của chúng tôi chỉ ra rằng sự phụ thuộc có thể giảm 20-40% trong hầu hết các trường hợp vào năm 2030. Khi căng thẳng địa chính trị cũng như chính sách của chính phủ và các công ty đang thúc đẩy động thái mới nhằm đa dạng hóa về mặt địa lý, sẽ mất nhiều năm đầu tư để có thể giải quyết được các vấn đề phức tạp, hiệu quả và tính lành nghề trong chuỗi cung ứng của Trung Quốc từ bán dẫn đến phần cứng và lắp ráp”.

Tim Cook: Apple sử dụng kinh nghiệm ở Trung Quốc để mở rộng thị trường Ấn Độ

Apple đang cải tổ lại việc quản lý các doanh nghiệp quốc tế của mình để tập trung nhiều hơn vào Ấn Độ, theo nguồn tin của trang Bloomberg.

Theo trang Bloomberg, sự thay đổi này sẽ đánh dấu lần đầu tiên Ấn Độ trở thành khu vực bán hàng của riêng Apple, vốn chứng kiến nhu cầu tăng vọt tại quốc gia này. Điều đó sẽ giúp Ấn Độ trở nên quan trọng hơn với Apple.

Apple đang thực hiện sự thay đổi sau khi Hugues Asseman, Phó chủ tịch phụ trách Ấn Độ, Trung Đông, Địa Trung Hải, Đông Âu và châu Phi, vừa nghỉ hưu. Với sự ra đi này, Apple đang thăng chức cho Ashish Chowdhary - người đứng đầu công ty ở Ấn Độ, từng báo cáo với Hugues Asseman trước đây. Ashish Chowdhary giờ đây sẽ báo cáo trực tiếp với Michael Fenger, Giám đốc bán hàng sản phẩm của Apple.

Apple đã công bố doanh thu kỷ lục ở Ấn Độ trong quý trước, ngay cả khi tổng doanh thu của công ty giảm 5%. Trước khi mở hai cửa hàng bán lẻ đầu tiên ở Ấn Độ, Apple đã tạo ra một cửa hàng trực tuyến để phục vụ khu vực này.

Trong cuộc gọi báo thu nhập gần nhất, Tim Cook cho biết công ty đang “tập trung rất nhiều vào Ấn Độ” và so sánh tình trạng công việc hiện tại ở quốc gia này với những năm đầu tại Trung Quốc.

Ông nói: "Về bản chất, chúng tôi đang áp dụng những gì đã học được ở Trung Quốc nhiều năm trước và cách chúng tôi mở rộng thị trường tại Trung Quốc để đưa nó vào ứng dụng tại Ấn Độ".

Trung Quốc hiện tạo ra khoảng 75 tỉ USD mỗi năm cho Apple, trở thành khu vực bán hàng lớn nhất của công ty sau châu Mỹ và châu Âu.

Không chỉ phục vụ cho việc bán hàng của Apple, Ấn Độ cũng đang trở nên quan trọng hơn với sự phát triển sản phẩm của công ty. Các nhà cung cấp chính cho Apple đang chuyển đến Ấn Độ và Apple đang hợp tác với đối tác Foxconn để thành lập các cơ sở sản xuất iPhone mới tại quốc gia này, tờ Bloomberg đưa tin.

Những thay đổi mới nhất sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc quản lý của Apple nhưng không ảnh hưởng đến cách hãng báo cáo doanh số bán hàng theo khu vực trong kết quả tài chính công khai. Trong những báo cáo đó, Apple xem Ấn Độ như một phần của danh mục châu Âu, cùng với Trung Đông và châu Phi. Ngoài ra, Apple còn chia ra các khu vực khác: châu Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và phần còn lại của châu Á - Thái Bình Dương.

Việc Hugues Asseman nghỉ hưu là một phần nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột biến các giám đốc rời Apple những tháng gần đây. Phó chủ tịch phụ trách dịch vụ đăng ký của Apple đã từ chức vào đầu năm 2023 và giám đốc đám mây của công ty đang lên kế hoạch rời đi vào tháng tới. Năm ngoái, các giám đốc hàng đầu phụ trách thiết kế công nghiệp, thu mua, các bộ phận của kỹ thuật phần mềm và phần cứng, quyền riêng tư, hệ thống thông tin và cửa hàng trực tuyến đều tuyên bố từ chức.

Hugues Asseman, nhân viên kỳ cựu hơn hai thập kỷ của Apple, đã phân chia thời gian của mình giữa văn phòng của Apple ở London (thủ đô Anh) và trụ sở ở thành phố Cupertino (bang California, Mỹ).

Hugues Asseman khởi đầu ở Apple với vai trò giám đốc tiếp thị các dòng máy Mac và iPod. Sau đó, ông lãnh đạo các nhóm bán lẻ trước khi trở thành Giám đốc bán hàng iPhone của Apple tại châu Âu và các thị trường quốc tế khác vào năm 2011. Ông bắt đầu vai trò Phó chủ tịch phụ trách Ấn Độ, Trung Đông, Địa Trung Hải, Đông Âu và châu Phi vào năm 2015 và nghỉ hưu cuối năm ngoái.

Các đội bán hàng và quốc tế của Apple được phân chia giữa Michael Fenger và một Phó chủ tịch khác là Doug Beck.

Michael Fenger giám sát phần cứng, dịch vụ và doanh số bán hàng của doanh nghiệp trên toàn cầu, trong khi Doug Beck phụ trách mảng y tế, giáo dục và chính phủ. Michael Fenger và Doug Beck đều báo cáo với Giám đốc điều hành Tim Cook. Thế nhưng, cả hai đều không được giới thiệu cùng các cấp dưới trực tiếp khác của Tim Cook trên trang web Apple.

Sơn Vân