Năng lực trọng tài bóng đá Việt Nam không kém!
Thể thao - Ngày đăng : 10:35, 14/04/2023
Phút 24, tiền đạo Rafelson của Bình Định sút tung lưới CLB TP.HCM, nhưng trọng tài Vũ Nguyên Vũ ngay lập tức quyết định không công nhận bàn thắng vì trước đó tiền đạo Hà Đức Chinh (BĐ) đã truy cản trái phép hậu vệ Vũ Huy Toàn (CLB TP.HCM). Truyền hình đã chiếu chậm lại tình huống này, và quyết định của trọng tài Vũ là chính xác.
Phút 80, trung phong Victor Mansaray (CLB TP.HCM) sút bóng chạm tay trung vệ Adriano Schmidt (BĐ). Trọng tài Vũ cho TP.HCM hưởng quả đá phạt ngay ngoài vòng cấm, bất chấp những phản đối quyết liệt từ các cầu thủ đội chủ nhà TP.HCM khi cho rằng Schmidt đã để bóng chạm tay trong vòng cấm địa và CLB TP.HCM phải được hưởng quả phạt 11m. Thế nhưng từ tư vấn của trọng tài biên, ông Vũ thay đổi quyết định khi cho CLB TP.HCM hưởng phạt đền.
Một lần nữa trọng tài Vũ lại chính xác khi dám thay đổi quyết định vì những thước phim chiếu chậm cho thấy CLB TP.HCM xứng đáng được hưởng quả phạt đền. Thủ quân Hoàng Vũ Samson đã tận dụng cơ hội thành công, gỡ hòa 1-1 cho CLB TP.HCM.
Đây không chỉ là điểm đầu tiên của CLB TP.HCM kiếm được sau 4 trận thi đấu trên sân nhà mùa này, mà với 1 điểm quý giá đó, từ vị trí cuối bảng, CLB TP.HCM đã vươn lên thứ hạng 12/14.
Chúng ta thấy gì qua 2 quyết định của trọng tài Vũ Nguyên Vũ?
Nếu nhìn tiêu cực, trọng tài Vũ có vấn đề khi 2 quyết định của ông đều có lợi có đội chủ nhà CLB TP.HCM và ảnh hưởng đến kết quả trận đấu. Nếu nhìn tích cực, trọng tài Vũ đã hoàn thành nhiệm vụ khi phối hợp tốt với các trợ lý, dám sửa sai và biến sai thành đúng.
Rất may, ông Vũ Nguyên Vũ cùng các trợ lý đã “ghi bàn tích cực” cho lực lượng trọng tài.
Tuy nhiên, mọi người vẫn chờ xem tín hiệu tích cực này có thực sự là khởi đầu lấy lại niềm tin của người hâm mộ, hay chỉ là nhất thời. Tại sao?
Không thể phủ nhận trọng tài không sai sót ở vòng 6 do tác động từ thường trực VFF khi có văn bản chấn chỉnh công tác trọng tài tại V-League 2023, đồng thời đề nghị Ban Trọng tài VFF phải kỹ lưỡng hơn trong công tác phân bổ lực lượng trọng tài làm nhiệm vụ, đặc biệt là ở giải V-League. Ngoài ra trong nội dung văn bản, VFF cũng thừa nhận công tác trọng tài có những sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu dù V-League 2023 mới diễn ra 5 vòng đấu.
Mời trọng tài ngoại chỉ là giải pháp tình thế
Dù V-League 2023 chưa đến giai đoạn quyết định của mùa giải nhưng VFF đã quyết định dùng trọng tài ngoại ngay vòng 7: Trọng tài người Malaysia Tuan Mohd Yasin sẽ là trọng tài chính trận chủ nhà Khánh Hòa gặp Đà Nẵng ngày 16.5; trọng tài người Malaysia Razlan Joffri Bin Ali sẽ là trọng tài chính khi đội chủ nhà Thanh Hóa tiếp CLB TP.HCM ngày 17.4.
Nhưng tại sao chỉ mời trọng tài ở hai trận có Khánh Hòa và CLB TP.HCM? Phải chăng vì HLV Võ Đình Tân và Vũ Tiến Thành đã phản ứng quyết liệt trước sai sót của trọng tài chính Trương Hồng Vũ và trợ lý Nguyễn Lâm Minh Đăng ảnh hưởng đến kết quả bất lợi cho Khánh Hòa và CLB TP.HCM?
Thế còn Binh Dương FC thì sao? Với vị trí 13/14 đá trên sân Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cũng rất căng thẳng sao không mời trọng tài ngoại làm trọng tài chính?
Đừng quên, bóng đá Malaysia có hơn gì Việt Nam, thậm chí thành tích của các cấp đội tuyển từ U đến quốc gia của Malaysia trong những năm gần đây đều kém hơn Việt Nam, thế mà BĐVN lại cần đến trọng tài từ một nền bóng đá không hơn mình. Quyết định này có phải là BĐVN đi giật lùi, và việc mời trọng tài ngoại chỉ là giải pháp tình thế nhằm xoa dịu các đội bóng cùng dư luận?
Thật ra trọng tài ngoại chỉ giải quyết được tâm lý “không sợ đối thủ mạnh, chỉ sợ trọng tài yếu” của các đội bóng ở Việt Nam, bởi trong quá khứ, không ít lần trọng tài ngoại cũng mắc sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả trận đấu khi được mời làm trọng tài chính ở V-League. Gần đây nhất là ở những vòng đấu cuối V-League 2022. VPF đã đặt niềm tin vào các trọng tài ngoại, tuy nhiên cả hai trọng tài chính Thái Lan và Hàn Quốc đều sai sót khi không cho Đà Nẵng và Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hưởng quả phạt 11m trước đội Sài Gòn FC và HAGL ở vòng 23 và 24.
Trọng tài từ 2 nền bóng đá Hàn Quốc, Thái Lan cùng mạnh hơn BĐVN và cùng có giải vô địch quốc gia tốt hơn nhiều mặt so với V-League, thế mà cũng sai sót, vậy mời trọng tài ngoại điều hành một số trận được coi là trận đinh của giải có phải là phương án tối ưu?
Quan điểm của bầu Thắng hơn 10 năm trước vẫn còn giá trị!
Trước thực trạng trọng tài BĐVN liên tục sai sót, năm 2012, Chủ tịch VFF là Nguyễn Trọng Hỷ đã đưa ra quan điểm mời trọng tài ngoại điều hành một số trận nóng ở V-League.
Ông Võ Quốc Thắng, khi đó là Chủ tịch HĐQT VPF đã thận trọng trước quyết định nhạy cảm này khi nhấn mạnh VPF chỉ tổ chức V-League, VPF không tham gia phân công trọng tài. Đồng thời ông Thắng cũng nói rằng thật không công bằng khi có những trọng tài điều khiển trận đấu tốt lại không được ca ngợi, trong khi dư luận sẵn sàng phê phán các sai sót thay vì góp ý để trọng tài tốt hơn.
Do đó quan điểm của ông Thắng là chưa cần thiết thuê trọng tài ngoại vì BĐVN có khoảng 200 trọng tài, quan trọng là VFF cần mời các trọng tài kỳ cựu giảng dạy cho trọng tài trẻ để họ có thêm kinh nghiệm trong xử lý tình huống của trận đấu. Việc thuê trọng tài ngoại, nếu có, chỉ dành cho những trận đấu quan trọng và đòi hỏi tính khách quan mà thôi.
Từ quá khứ cho đến hiện tại, trọng tài BĐVN vẫn sai sót, và việc mời trọng tài ngoại điều hành trên các sân cỏ Việt Nam vẫn không tránh được sai sót. Thế giới bóng đá cũng thế, trọng tài vẫn sai sót, chính vì vậy hệ thống VAR mới ra đời để giảm tối đa những quyết định sai lầm của trọng tài để đem lại công bằng hơn cho các đội bóng.
***
Trong khi chờ đợi VAR được đưa vào áp dụng trong môi trường BĐVN, cần tin rằng, năng lực trọng tài BĐVN không kém. VAR là cần thiết, nhưng thực tế cho thấy sai sót có tính truyền thống của một số ít trọng tài BĐVN làm xấu cả nền BĐVN không xuất phát từ năng lực mà là từ… "tác động bên ngoài".
Do đó, dù có trọng tài ngoại hay thêm VAR thì chỉ có người Việt mới cứu được bóng đá Việt mà thôi!