Elon Musk bị chê trách trong phần giới thiệu 100 người có ảnh hưởng nhất năm 2023 của Time
Thế giới số - Ngày đăng : 10:55, 14/04/2023
Trong bài giới thiệu ngắn cho tạp chí Time, nhà báo Kara Swisher đã gọi Elon Musk là "kẻ phá bĩnh trực tuyến giàu nhất thế giới", nhấn mạnh đến việc ông mua lại Twitter vào tháng 10.2022.
“Tôi lần đầu gặp Elon Musk vào năm 1999 khi ông chỉ là một kỹ sư công nghệ tại Thung lũng Silicon với một startup của mình (trong trường hợp này là X.com). Thế nhưng, ông sớm phát huy bản sắc của mình bằng trí tưởng tượng không giới hạn và động lực không ngừng nghỉ, đã đưa tên lửa đáp xuống trên biển, tiên phong cho cuộc cách mạng ô tô điện và thay đổi cách chúng ta nghĩ về năng lượng trong nhiều hình thức. Tuyệt vời, phải không? Song điều đó không còn đúng vào ngày nay, bởi điều mà tôi không thấy đến từ xa. Đó là sự biến đổi hoàn toàn của Elon Musk để trở thành kẻ phá bĩnh trực tuyến giàu nhất thế giới sau khi mua lại Twitter.
Một phần những gì ông đã cố gắng làm trong sự nghiệp của mình - một số trong đó vẫn chỉ là khát vọng - đều táo bạo và truyền cảm hứng, đặc biệt so với hầu hết kỹ sư công nghệ khác chỉ nghĩ đến việc cải tiến dịch vụ hẹn hò trực tuyến hơn. Thế nhưng dưới quản lý thất thường của Elon Musk, Twitter đã trở thành mục tiêu than phiền không ngừng mà chúng ta phải chịu đựng. Ông ấy lãng phí quá nhiều thời gian để vọc 'cây vĩ cầm độc hại của mình trong khi mọi thứ đang cháy'. Điều gì đi ngược lại với sự tiến bộ? Đó là Elon Musk năm 2023”, Kara Swisher viết.
Kara Swisher đưa tin về công nghệ từ những năm 1990 và nhiều lần phỏng vấn Elon Musk. Tại một số thời điểm, Kara Swisher là người ủng hộ tỷ phú công nghệ này. Năm ngoái, Kara Swisher nói trong podcast "On With Kara Swisher" của mình rằng ban đầu bà rất hào hứng với kế hoạch mua Twitter của Elon Musk.
"Thành thật mà nói, khi Elon Musk bắt đầu theo đuổi Twitter, tôi nghĩ đây là người tốt nhất. Ông ấy có thể làm được", Kara Swisher nhận định.
Thế nhưng, Kara Swisher nói trên podcast gần đây rằng Elon Musk đã cắt đứt liên lạc với bà sau khi họ công khai bất đồng về một số quyết định của ông liên quan đến chính trị và Twitter.
Năm 2021, Elon Musk là Nhân vật trong năm của Time. Giám đốc điều hành Tesla cũng nằm trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới của Time vào năm 2010, 2013, 2018 và 2021.
Time cho biết danh sách những người có ảnh hưởng nhất do các biên tập viên tuyển chọn và các cá nhân trong đó được đề cử bởi những người được vinh danh trước đó, cũng như đội ngũ nhà báo của tạp chí. Time thường có các tác giả nổi tiếng từ bên ngoài viết hồ sơ cá nhân của những người được vinh danh, chẳng hạn như Kara Swisher.
Trong bộ phim Iron Man năm 2010, đạo diễn Jon Favreau đã gọi Elon Musk là "mẫu mực của sự nhiệt tình, hài hước và tò mò - một người đàn ông thời Phục hưng trong thời đại cần đến ông". Gần đây hơn, khi Elon Musk được đưa vào danh sách của Time năm 2021, người sáng lập trang Huffington Post - Arianna Huffington đã viết hồ sơ sáng giá tương tự.
Arianna Huffington cho hay: “Musk không chỉ thay đổi cách chúng ta di chuyển mà còn đang mở rộng các khả năng của con người. Bằng cách làm tất cả với sự lạc quan và nhiệt tình không ngừng, ông đang đưa ra mô hình về cách chúng ta có thể giải quyết các thách thức lớn, hiện hữu trước mắt”.
Elon Musk đã phải đối mặt với sự giám sát trong nhiều năm, từ các thông tin về việc ông sa thải nhân viên Tesla trong cơn thịnh nộ cho đến những lời chỉ trích về cách xử lý kiểm duyệt nội dung trên Twitter. Tuy nhiên, kể từ khi hoàn tất thương vụ mua Twitter trị giá 44 tỉ USD đầy sóng gió, ông đã phản hồi nhiều hơn trước bài viết tiêu cực về mình.
Đầu tuần này, trong cuộc phỏng vấn với phóng viên BBC, Elon Musk cho biết các bài viết cho rằng ông là "người kinh khủng" đã "gây tổn thương".
"Tôi đã bị tấn công liên tục. Không phải là tôi có trái tim lạnh như đá hay gì đó đâu. Tôi cũng bị tổn thương", tỷ phú 51 tuổi người Mỹ chia sẻ.
Ngoài Elon Musk, hai giám đốc điều hành công nghệ khác là Sam Altman (OpenAI) và Shou Zi Chew (TikTok) cũng lọt vào danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Time. Đây là lần đầu tiên Sam Altman và Shou Zi Chew được Time vinh danh.
Trong phần giới thiệu về Sam Altman trên danh sách 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới của Time, Giám đốc điều hành Airbnb - Brian Chesky đã viết: “Khi tôi gặp Sam Altman vào năm 2008, điều tôi ấn tượng nhất không chỉ anh ấy là nhà công nghệ thông minh mà về bản chất là người theo chủ nghĩa nhân văn. Sam đã dự đoán rằng đường cong tiến bộ công nghệ sẽ dẫn đến sự tập trung vào công cụ mạnh nhất từng được tạo ra: Generative AI.
Anh ấy nhìn thấy một công cụ có thể mang lại lợi ích to lớn, nhưng nếu rơi vào tay kẻ xấu, nó có thể trở thành một vũ khí hủy diệt. Sam đã cùng người khác thành lập OpenAI để đưa generative AI đến với thế giới một cách có trách nhiệm. Ban đầu, anh ấy thành lập OpenAI là một tổ chức phi lợi nhuận. Khi không thể huy động đủ tiền với tư cách là một tổ chức phi lợi nhuận, Sam thiết lập OpenAI theo mô hình lợi nhuận giới hạn, từ bỏ quyền sở hữu.
OpenAI đã phát triển ChatGPT, công cụ cách mạng, được ra mắt vào tháng 11.2022, mà tôi đã sử dụng để chỉnh sửa bài viết này. Nếu ai đó biết điều này đang đi đến đâu, đó là Sam. Thế nhưng, Sam cũng biết rằng anh không có tất cả câu trả lời. Anh ấy thường nói: ‘Bạn nghĩ sao? Có lẽ tôi sai?’. Cảm ơn Chúa đã ban cho một người quyền lực đến thế nhưng lại có tấm lòng khiêm tốn như vậy”.
Sam Altman đã bị xem xét kỹ lưỡng khi ChatGPT được đón nhận với cả lời khen ngợi và sự hoài nghi rằng chatbot AI này có thể tạo điều kiện cho hành vi đạo văn và lan truyền thông tin sai lệch hoặc trở nên quá mạnh mẽ mà không có rào cản.
Hơn 1.800 người, bao gồm cả Elon Musk (đồng sáng lập OpenAI) và các chuyên gia AI, gần đây đã ký một bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng phát triển hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của OpenAI.
Bản thân Sam Altman đã nói OpenAI "hơi sợ hãi" về tiềm năng của AI. Vào tháng 1, Sam Altman nói ông nghĩ rằng trường hợp tốt nhất cho AI là "tốt đến mức tôi khó có thể tưởng tượng được" nhưng lo sợ trường hợp xấu nhất là "tất cả chúng ta đều sẽ mất điện (mọi thứ trở nên tối tăm và chết chóc - PV)".
Trong khi Shou Zi Chew được Billy Perrigo, cây viết của Time, mô tả như sau: “Vào ngày 23.3, Giám đốc điều hành TikTok đã có 15 phút nổi tiếng của riêng mình trên nền tảng chia sẻ video. Các câu hỏi của các nhà làm luật trong phiên điều trần của Ủy ban Quốc hội Mỹ về những lo ngại về an ninh liên quan đến TikTok và mối quan hệ không rõ ràng của nó với chính phủ Trung Quốc cho thấy họ thiếu hiểu biết về nền tảng này. Câu trả lời của Shou Zi Chew lan truyền nhanh chóng. Song trong khi Shou Zi Chew nhận được sự cảm thông trên ứng dụng vì cuộc thẩm vấn tại Quốc hội thì những rắc rối của ông ở Washington vẫn rất thực tế. Shou Zi Chew là gương mặt đại diện cho sự bảo vệ TikTok trước mối đe dọa bị cấm bởi chính quyền Biden, vốn đang hoài nghi về khả năng của nền tảng này trong việc chống lại các yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc với dữ liệu người dùng nhạy cảm”.
Tại phiên điều trần căng thẳng trước Chủ tịch Ủy ban Năng lượng và Thương mại của Hạ viện hôm 23.3, Shou Zi Chew đã phải đối mặt những câu hỏi hóc búa từ các nhà làm luật với mối nghi ngờ chính liên quan đến việc gửi dữ liệu người dùng Mỹ về Trung Quốc, đồng thời yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok hoặc ứng dụng sẽ bị cấm.
Shou Zi Chew cho biết TikTok hoạt động độc lập với ByteDance (công ty mẹ ở Bắc Kinh, thủ đô Trung Quốc), đồng thời có trụ sở chính tại Singapore và Los Angeles (Mỹ). Ông tuyên bố TikTok không gây rủi ro lớn hơn những gã khổng lồ truyền thông xã hội như YouTube của Google và Instagram của Meta Platform, đồng thời khẳng định công ty này đã thiết lập nhiều biện pháp bảo vệ hơn bất kỳ đối thủ phương Tây nào vì những nghi ngờ lâu nay.
Hơn 12 quốc gia khác đã cấm một phần hoặc toàn bộ TikTok vì những lo ngại về bảo mật tương tự. Úc gần đây đã chuyển sang cấm TikTok trên các thiết bị của chính phủ, động thái mà Mỹ, Canada, Pháp, New Zealand và Vương quốc Anh thực hiện trước đó. Ấn Độ đã có lệnh cấm hoàn toàn với TikTok kể từ năm 2020.