Đẩy mạnh phát triển KH-CN, chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh vùng ĐBSH

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:32, 15/04/2023

Bộ KH-CN nêu lên 22 nhiệm vụ, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh vùng ĐBSH.

Bộ KH-CN đã có Quyết định ban hành Chương trình hành động của Bộ KH-CN triển khai thực hiện Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 8.2.2023 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo Bộ KH-CN, việc xây dựng và ban hành Chương trình hành động của Bộ KH-CN nhằm thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt trong toàn ngành về nhận thức, hành động và triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 14/NQ-CP của Chính phủ, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, phát triển KH-CN và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững vùng Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH).

Ngoài ra, cụ thể hóa các nhiệm vụ của Bộ KH-CN được phân công tại Nghị quyết số 14/NQ-CP thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ, dự kiến kết quả và tiến độ thực hiện phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ KH-CN.

day-manh-phat-trien-kh-cn-chuyen-doi-so.jpg
Chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số - Ảnh: Internet

Theo đó, Bộ KH-CN nêu lên 22 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó có rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý về đầu tư, tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ, thử nghiệm chính sách mới.

Thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới; tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các Viện, Trường đại học, cơ sở nghiên cứu trong vùng…

Xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH-CN cho vùng; có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao năng lực quản lý KH-CN và đổi mới sáng tạo tại địa phương.

Cùng với đó, Bộ KH-CN cũng đề cập tới nhiệm vụ, giải pháp tăng cường tiềm lực KH-CN ở một số lĩnh vực có thế mạnh đạt trình độ quốc tế, thực sự trở thành động lực để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, năng lực cạnh tranh. Bảo đảm chi cho KH-CN và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách Nhà nước hằng năm.

Phát triển và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sạch, công nghệ số, công nghệ môi trường, thúc đẩy kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Chú trọng nghiên cứu, phát triển công nghệ lõi, công nghệ số, điện tử - bán dẫn, trí tuệ nhân tạo nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và khai thác trực tiếp lợi thế của các địa phương trong vùng. Phấn đấu đến năm 2030, tỉ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt trên 50%.

Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH-CN, đổi mới công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong vùng.

Ngoài ra, còn có các nhiệm vụ liên quan đến phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp vùng, thúc đẩy kết nối chuỗi giá trị trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Hỗ trợ hình thành và phát triển hệ sinh thái KH-CN cho nghiên cứu, phát triển và sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế thiết yếu…

Đặc biệt, triển khai Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương (PII) tại các địa phương trong vùng ĐBSH...

Thu Anh