Meta có tạo ra nền tảng AI để cạnh tranh với ChatGPT?

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:00, 15/04/2023

Meta Platforms có kế hoạch ra mắt nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuối năm 2023.

Bất chấp hơn 1.800 nhà nghiên cứu và lãnh đạo công nghệ, gồm cả Elon Musk, ký vào bức thư ngỏ kêu gọi tạm dừng phát triển hệ thống AI mạnh hơn GPT-4 của OpenAI ít nhất 6 tháng, Giám đốc kỹ thuật Meta Platforms - Andrew Bosworth cho biết ông phản đối việc này.

Andrew Bosworth gọi những yêu cầu được thể hiện trong một bức thư ngỏ về việc tạm dừng phát triển AI tiên tiến là "không thực tế".

Tôi nghĩ rằng việc đầu tư vào phát triển có trách nhiệm là rất quan trọng và chúng tôi thường xuyên thực hiện đầu tư như vậy. Tuy nhiên rất khó để ngăn chặn sự tiến bộ và đưa ra quyết định đúng đắn về những thay đổi mà bạn sẽ thực hiện", Andrew Bosworth nhận xét.

Meta Platforms dự định thương mại hóa generative AI của mình trước tháng 12.2023 và đã thành lập một tổ chức mới chỉ tập trung vào AI, chịu trách nhiệm thiết kế các công cụ “sáng tạo và biểu cảm” cho các nền tảng của công ty.

Theo Andrew Bosworth, generative AI có khả năng đóng vai trò chính trong quảng cáo, vốn vẫn là hoạt động kinh doanh cốt lõi và chiếm phần lớn thu nhập của Meta Platforms. Công nghệ này có thể cải thiện hiệu quả của quảng cáo.

AI có thể tạo ra nhiều loại hình ảnh để tiếp cận các đối tượng khác nhau. Nhà tiếp thị có thể đặt cược vào vô số hình ảnh thay vì một ảnh duy nhất trong chiến dịch quảng cáo mà không làm tăng chi phí. Bằng việc sử dụng AI, Meta Platforms có thể mong muốn tăng cường quảng cáo trực tuyến trên Facebook và Instagram. Hai nền tảng này vẫn chiếm 97,5% tổng doanh thu của Meta Platforms.

AI cũng được cho sẽ đóng một vai trò quan trọng trong metaverse, với nhóm của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg nhắm đến việc sử dụng AI để đưa nó vào cuộc sống. Với sự hỗ trợ bởi AI, bất kỳ người dùng internet nào cũng có thể tạo ra một không gian kỹ thuật số trong thực tế ảo hoặc thực tế tăng cường chỉ bằng cách cung cấp mô tả.

Nvidia cũng đã phát triển AI có khả năng “tạo ra các vật thể và nhân vật 3D trong thế giới ảo”. Công cụ này có thể tạo ra các tài sản kỹ thuật số thực tế, với kết cấu chất lượng, chỉ trong vài giây bằng cách sử dụng sức mạnh tính toán của GPU.

Bất chấp phản hồi của người dùng và sự chỉ trích từ cổ đông, Meta Platforms không hoàn toàn chôn vùi giấc mơ metaverse của mình. Dưới sự thúc đẩy của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg, Meta Platforms hy vọng sẽ sử dụng các khoản đầu tư vào AI để hiện thực hóa những tham vọng trước đây của mình.

Facebook là mạng xã hội khổng lồ với hơn 3 tỉ người dùng hoạt động hàng tháng. Meta Platforms gần đây đã tuyên bố gia nhập thế giới AI với việc phát triển nền tảng của riêng mình. Câu hỏi đặt ra là AI của Meta Platforms có cạnh tranh với ChatGPT không? Câu trả lời là không, ít nhất là không trong cùng lĩnh vực.

Đầu tiên, điều quan trọng là phải hiểu ChatGPT là gì. ChatGPT hoạt động dựa trên GPT, mô hình ngôn ngữ lớn do OpenAI phát triển, có khả năng tạo phản hồi giống như con người với các truy vấn bằng văn bản. ChatGPT đã được huấn luyện trên lượng lớn dữ liệu, sử dụng các thuật toán học sâu để hiểu và tạo phản hồi.

Nền tảng AI của Meta Platforms vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Nó được thiết kế để giúp người dùng tương tác với các sản phẩm và dịch vụ của công ty theo cách tự nhiên hơn. Chẳng hạn, người dùng có thể yêu cầu nền tảng AI lên lịch cuộc họp hoặc đặt đồ ăn từ một nhà hàng.

Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là Meta Platforms không thiết kế cụ thể nền tảng AI của mình để tạo ra các phản hồi giống con người với các truy vấn như ChatGPT. Thay vào đó, nền tảng AI của Meta Platforms tập trung hơn vào việc cung cấp cho người dùng trải nghiệm được cá nhân hóa phù hợp với sở thích và mối quan hệ của họ.

Nền tảng AI của Meta Platforms cũng có thể cải thiện các sản phẩm và dịch vụ hiện có của công ty. Chẳng hạn, nó có thể phát triển các thuật toán hiệu quả hơn để kiểm duyệt nội dung, hoặc cải thiện độ chính xác của quảng cáo được nhắm mục tiêu.

Cuối cùng, điều quan trọng cần nhớ là có chỗ cho nhiều nền tảng AI cùng tồn tại và bổ sung cho nhau. ChatGPT và nền tảng AI của Meta Platforms có những điểm mạnh, điểm yếu khác nhau. Thế nhưng, cả hai đều có thể hữu ích theo cách riêng.

Dù có thể không cạnh tranh với ChatGPT trong cùng lĩnh vực, nền tảng AI của Meta Platforms vẫn có tiềm năng trở thành một bổ sung có giá trị cho thế giới AI.

meta-co-tao-ra-nen-tang-ai-de-canh-tranh-voi-chatgpt.jpg
Meta Platforms của Mark Zuckerberg tạo ra nền tảng AI không để cạnh tranh trực tiếp với ChatGPT

Theo Andrew Bosworth, Mark Zuckerberg và Giám đốc sản phẩm Chris Cox nằm trong số các lãnh đạo Meta Platforms đang dành phần lớn thời gian cho AI.

Andrew Bosworth nói với trang Nikkei Asia trong cuộc phỏng vấn: "Chúng tôi vừa thành lập một đội mới là generative AI cách đây vài tháng. Họ rất bận rộn. Đó có lẽ là lĩnh vực mà tôi cũng như Mark Zuckerberg và Chris Cox dành nhiều thời gian nhất”.

Meta Platforms đã đẩy mạnh phát triển AI trong những tháng gần đây. Vào tháng 2, công ty đã phát hành mô hình ngôn ngữ lớn LlaMA (Large Language Model Meta AI) cho các nhà nghiên cứu.

Công ty cho biết LlaMA thúc đẩy nghiên cứu vào lĩnh vực mà công ty gọi là "quan trọng, thay đổi nhanh chóng", ám chỉ sự thành công của ChatGPT và các sản phẩm generative AI khác.

LlaMA sẽ được Meta Platforms cung cấp theo giấy phép phi thương mại cho các nhà nghiên cứu và các tổ chức liên kết với chính phủ, xã hội dân sự và học viện.

LlaMA, mô hình mà Meta Platforms cho biết yêu cầu sức mạnh tính toán ít hơn nhiều so với các dịch vụ trước đó, được đào tạo trên 20 ngôn ngữ, tập trung vào những ngôn ngữ có bảng chữ cái Latinh và Cyrillic.

Theo công ty mẹ của Facebook, LLaMA có thể vượt qua các đối thủ về nhiều tham số hoặc biến số hơn mà thuật toán tính đến.

Cụ thể, Meta Platforms cho biết một phiên bản LLaMA với 13 tỉ tham số có thể hoạt động tốt hơn GPT-3, phiên bản tiền thân của mô hình mà ChatGPT được xây dựng.

Meta Platforms mô tả mô hình LLaMA 65 tỉ tham số của mình "cạnh tranh" với Chinchilla70B và PaLM-540B của Google, thậm chí còn lớn hơn mô hình mà Google từng sử dụng để giới thiệu công cụ tìm kiếm được trang bị chatbot Bard của mình.

Người phát ngôn Meta Platforms cho rằng hiệu suất đạt được là nhờ số lượng lớn dữ liệu "sạch hơn" và "cải tiến kiến trúc" trong mô hình, giúp nâng cao tính ổn định của đào tạo.

Andrew Bosworth nói với Nikkei Asia rằng Meta Platforms đã đầu tư vào AI trong hơn một thập kỷ. Ông tin rằng AI của công ty có thể được sử dụng trong quảng cáo để tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Theo Andrew Bosworth, công nghệ này có thể được sử dụng để cho các nhà quảng cáo biết nên sử dụng công cụ nào và tạo hình ảnh cho các đối tượng khác nhau.

Khoảng 1 năm rưỡi sau khi Facebook đổi tên thành Meta và dốc toàn lực xây dựng phiên bản internet tương lai có tên metaverse, Meta Platforms cho biết ưu tiên đầu tư hàng đầu của họ sẽ là thúc đẩy AI.

Trong một bức thư gửi nhân viên giữa tháng 3, Mark Zuckerberg đã công bố kế hoạch sa thải thêm 10.000 nhân viên những tháng tới và tập trung vào chiến lược mới của ông về "hiệu quả" cho công ty.

Được công bố lần đầu trong cuộc gọi thông báo lợi nhuận hàng quý của Meta Platforms vào tháng 2, chiến lược tập trung vào hiệu quả đến sau nhiều năm đầu tư mạnh mẽ vào tăng trưởng, gồm cả các lĩnh vực có tiềm năng nhưng chưa được chứng minh như thực tế ảo.

Giờ đây, Mark Zuckerberg cho biết công ty sẽ tập trung chủ yếu vào việc cắt giảm chi phí và hợp lý hóa các dự án. Ông viết: “Xây dựng metaverse vẫn là trọng tâm để xác định tương lai của kết nối xã hội, nhưng đó không phải là nơi mà Meta sẽ đầu tư phần lớn vốn của mình”.

Tỷ phú công nghệ 38 tuổi người Mỹ cho hay: “Khoản đầu tư lớn nhất của chúng tôi là thúc đẩy AI và tích hợp nó vào mọi sản phẩm của chúng tôi”.

Mark Zuckerberg nhấn mạnh rằng các công cụ AI có thể giúp người dùng ứng dụng của Meta Platforms thể hiện bản thân và khám phá nội dung mới. Hơn nữa, ông cũng nói rằng các công cụ AI mới có thể được sử dụng để tăng hiệu quả nội bộ bằng cách giúp “các kỹ sư viết mã nhanh hơn và tốt hơn”.

Các bình luận được đưa ra sau điều mà Mark Zuckerberg mô tả là lời cảnh tỉnh vào năm 2022, khi “nền kinh tế thế giới thay đổi, áp lực cạnh tranh gia tăng và tốc độ tăng trưởng của chúng tôi chậm lại đáng kể”.

Cần gì để cạnh tranh với ChatGPT?

Nếu muốn tạo đối thủ cạnh tranh với ChatGPT, bạn cần xem xét những điều dưới đây:

Dữ liệu đào tạo quy mô lớn: Sức mạnh của ChatGPT nằm ở khả năng hiểu và tạo ngôn ngữ tự nhiên. Để cạnh tranh, bạn sẽ cần tích lũy khối lượng lớn dữ liệu văn bản đa dạng để huấn luyện mô hình của mình.

Kiến trúc hiện đại: ChatGPT từng hoạt động dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn GPT-3.5 và hiện là GPT-4. Để cạnh tranh, bạn sẽ cần sử dụng một kiến trúc tiên tiến tương tự có thể xử lý lượng lớn dữ liệu huấn luyện.

Độ chính xác cao: ChatGPT được biết đến với độ chính xác cao và khả năng tạo phản hồi mạch lạc. Để cạnh tranh, mô hình của bạn cần phải bằng hoặc vượt hiệu suất của ChatGPT trong các lĩnh vực này.

Hỗ trợ đa ngôn ngữ: ChatGPT có thể hiểu và tạo phản hồi bằng nhiều ngôn ngữ, đây là một lợi thế đáng kể. Để cạnh tranh, bạn cần kết hợp hỗ trợ đa ngôn ngữ vào mô hình của mình.

Cá nhân hóa: ChatGPT có thể học hỏi từ các tương tác của người dùng để cá nhân hóa phản hồi, giúp mang lại trải nghiệm hấp dẫn hơn. Để cạnh tranh, mô hình của bạn sẽ cần kết hợp các khả năng học tập được cá nhân hóa tương tự.

Tích hợp với các nền tảng khác: ChatGPT có thể được tích hợp với nhiều nền tảng khác nhau, chẳng hạn ứng dụng nhắn tin và trợ lý giọng nói. Muốn cạnh tranh, bạn cần đảm bảo rằng mô hình của mình có thể được tích hợp với các nền tảng tương tự.

Không ngừng học hỏi: ChatGPT có thể tiếp tục học hỏi và cải thiện theo thời gian, điều này rất cần thiết để duy trì tính cạnh tranh. Muốn cạnh tranh, mô hình của bạn sẽ cần kết hợp các cơ chế tương tự để học hỏi và cải tiến liên tục.

Quyền riêng tư và bảo mật: ChatGPT sử dụng mã hóa nâng cao và các biện pháp bảo mật khác để bảo vệ dữ liệu người dùng. Để cạnh tranh, bạn cần đảm bảo rằng mô hình của mình tuân thủ các tiêu chuẩn bảo mật và quyền riêng tư tương tự.

Khả năng mở rộng: ChatGPT được thiết kế để xử lý một lượng lớn yêu cầu từ người dùng. Để cạnh tranh, mô hình của bạn sẽ cần phải có khả năng mở rộng tương tự và có thể xử lý lưu lượng truy cập lớn.

Tốc độ và hiệu quả: ChatGPT có thể tạo phản hồi nhanh chóng và hiệu quả, điều này rất quan trọng để cung cấp trải nghiệm người dùng liền mạch. Để cạnh tranh, mô hình của bạn sẽ cần phải nhanh và hiệu quả tương tự.

Sơn Vân