Rừng ở bán đảo Cà Mau - Bài 2: Bằng mọi cách bảo vệ và phát triển rừng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:00, 16/04/2023
Rừng ở bán đảo Cà Mau - Bài 1: Vườn quốc gia tầm cỡ quốc tế
Sóc Trăng có diện tích đất rừng hơn 10.000ha, tập trung tại các huyện Cù Lao Dung, Trần Đề, Kế Sách, Long Phú và thị xã Vĩnh Châu. Rừng được phân thành 3 loại: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; độ che phủ rừng là 2,54%. Nhằm phát triển, bảo tồn diện tích rừng, các ban ngành chuyên môn, các dự án đã tiến hành những hoạt động trồng cây gây rừng, nhất là trồng mới diện tích rừng ven biển, tạo mảng rừng xanh lấn biển, góp phần hạn chế tác động biến đổi khí hậu.
Theo Chi cục Kiểm lâm Sóc Trăng, tổng diện tích rừng trồng ven biển (năm 2015 - 2019) của các dự án là 1.700ha, phục hồi rừng 850ha, chăm sóc rừng 3.900ha, các loài cây trồng chủ yếu là loài ngập mặn, như bần chua, mắm trắng, đước, đưng, sú Mekong, vẹt trụ. Việc trồng rừng của các dự án làm tăng thêm diện tích rừng phòng hộ ven biển (hiện tăng 2.300ha so với năm 2014), trong đó TX.Vĩnh Châu có diện tích rừng ven biển tăng cao nhất, 1.840ha.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho biết, theo quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng của tỉnh định hướng đến năm 2030 có tổng diện tích quy hoạch cho rừng phòng hộ chắn sóng lấn biển là 16.000ha, trong đó bao gồm diện tích rừng và đất rừng hiện có và quy hoạch đất bãi bồi ven biển đưa vào trồng rừng phòng hộ tại các huyện
Cụ thể huyện Cù Lao Dung 4.841,8ha, Trần Đề 2.562,8ha và TX.Vĩnh Châu 12.595,4ha. Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển giai đoạn 2021-2025 khoán bảo vệ rừng 7.000ha, từ chương trình bảo vệ và phát triển rừng ven biển.
Tại Bạc Liêu, tỉnh hiện có 4.278ha rừng phòng hộ; trong đó, diện tích rừng tự nhiên 1.547,02ha, rừng trồng 1.726,62ha và hơn 1.000ha đất chưa có rừng. Thời gian qua, tỉnh có nhiều dự án bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, tập trung chủ yếu ở ven biển TP.Bạc Liêu, huyện Hòa Bình và huyện Đông Hải.
Theo Sở NN-PTNT , các ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật các văn bản về Luật Lâm nghiệp, các nghị định, thông tư về quản lý và bảo vệ rừng, phát triển rừng và quản lý lâm sản đến các hộ gia đình, cá nhân nhận khoán và các hộ dân sống ven rừng. Đồng thời, các lực lượng tổ chức tuần tra kiểm soát diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm, xâm hại rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng gặp không ít khó khăn vì nhiều nguyên nhân tác động.
Rừng phòng hộ Bạc Liêu trải dài trên 56km, tập trung ở vùng ven biển, hằng năm chịu tác động mạnh mẽ của bão và áp thấp nhiệt đới với tần suất cao, triều cường, gió và nước biển dâng gây xói lở và xâm thực bờ biển, làm mất rừng, gây khó khăn cho các hoạt động trồng rừng.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Bạc Liêu quy hoạch diện tích rừng phòng hộ ở bãi bồi ven biển hơn 1.265ha, với các loại cây ngập mặn ven biển như đước đôi, cóc trắng, mắm biển, giá…
Tỉnh Kiên Giang hiện có tổng diện tích đất rừng hơn 82.000ha, gồm hơn 46.230ha rừng tự nhiên, khoảng 14,678ha rừng trồng, còn lại là diện tích chưa có rừng. Tỉnh thực hiện nghiêm chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên. Tình hình chặt phá, lấn chiếm đất rừng ở một số nơi trên địa bàn dù vẫn xảy ra, nhưng cơ bản được đẩy lùi, ổn định diện tích rừng. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng có người lén lút khai thác, xâm hại tài nguyên rừng, nhất là rừng phòng hộ ven biển, rừng đồi núi ở đảo Phú Quốc.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang Trương Thanh Hào cho biết hằng năm tỉnh Kiên Giang trồng rừng theo kế hoạch, nhất là chú trọng đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển phòng chống sạt lở đất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nghề rừng thông qua hình thức liên doanh liên kết, cho thuê môi trường rừng kết hợp du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 26 dự án cho thuê môi trường rừng và liên doanh liên kết đã góp phần cùng với chủ rừng làm giàu tài nguyên rừng, tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển và phòng chống cháy rừng hiệu quả.
Hiện nay tỉnh Hậu Giang có diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 5.672ha. Trong đó diện tích đất có rừng: 2.543,64ha; diện tích đất không có rừng hơn 3.100ha; rừng đặc dụng hơn 1.403ha; rừng sản xuất hơn 1.100ha; rừng sản xuất do Nhà nước quản lý hơn 500ha và rừng trồng của các tổ chức hộ gia đình quản lý 650ha. Tỉnh đã thực hiện theo dõi, quản lý bằng sổ đối với 30 doanh nghiệp và 140 cơ sở chế biến gỗ vườn, gỗ rừng trồng.
Theo kế hoạch sau khi thực hiện dự án di dời dân cư ra khỏi Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng, tỉnh có thể tiến hành trồng rừng bổ sung trên đất canh tác nông nghiệp (lúa, mía) khoảng 500ha. Ngoài ra, có quy hoạch bổ sung đất lâm nghiệp dự phòng trên diện tích khu vực bãi bồi tại huyện Long Mỹ khoảng 1.340ha.
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang tổ chức trồng các loại cây lâm nghiệp phù hợp với điều kiện lập địa và mục đích từng loại rừng theo đúng quy trình kỹ thuật, trồng rừng kết hợp với sản xuất nông nghiệp, kết hợp với chăn nuôi thủy sản. Hậu Giang thường xuyên tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người dân về ý thức bảo vệ và phát triển rừng.
Nhìn chung, từ năm 2014 đến nay, nhiều địa phương vùng bán đảo Cà Mau đã tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng; đặc biệt là rừng ngập mặn do vùng này phần lớn là vùng ven biển hoặc cận biển, có xâm nhập mặn vào mùa khô.
Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Ngọc Nhã cho rằng, nhờ các biện pháp trồng rừng, bảo vệ rừng và biện pháp kết hợp bảo vệ rừng, phát triển rừng với phát triển kinh tế của người dân trong vùng rừng ngập mặn nên diện tích rừng bán đảo Cà Mau hiện nay có xu hướng tăng trở lại. Đó là tín hiệu rất đáng mừng về nhiều mặt. Mảng xanh cho đất nước và thế giới để chống biến đổi khí hậu đang có chiều hướng tích cực.