TS Lê Bá Chí Nhân: Giải ngân đầu tư công quá chậm
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 13:00, 17/04/2023
Quý đầu năm 2023, tăng trưởng GDP chỉ đạt 3,32% - mức tăng trưởng theo quý gần như thấp nhất kể từ quý 1/2009. Có nhiều nguyên nhân khiến bức tranh tăng trưởng kinh tế xấu đi, trong đó có việc giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn kế hoạch. Trong khi đây được coi là một trong những động lực chính của tăng trưởng năm nay.
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công 3 tháng đầu năm 2023 còn thấp, với 73.192,092 tỉ đồng, chỉ đạt 9,69% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là 10,35% và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (11,88%).
Hai bộ và 15 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 15%, song có tới 49 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 9%; trong đó có 30 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Bộ Tài chính cho rằng, tỷ lệ giải ngân ước 3 tháng đầu năm chưa cao là do hiện nay các bộ, ngành và địa phương mới giao xong chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và đang hoàn thiện thủ tục nghiệm thu khối lượng hoàn thành để thanh toán, tập trung thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà thầu; nhiều dự án vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Một số dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải gặp khó khăn về nguồn cung cấp vật liệu, ảnh hưởng tiến độ, khối lượng nghiệm thu giải ngân vốn.
Đối với vốn nước ngoài, do nhiều dự án chưa tháo gỡ được khó khăn trong lựa chọn đơn vị tư vấn thẩm định giá thiết bị để làm cơ sở xác định giá gói thầu, nên chưa đủ điều kiện thực hiện và giải ngân.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công quá chậm, trong khi đây được xem là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế.
“Quý 1 chỉ giải ngân được 2% so với kế hoạch thì quá thấp. Nguyên nhân chậm trễ trong đầu tư công thì đã được đề cập nhiều, nhưng theo tôi, cần nhấn mạnh thêm yếu tố thưởng và phạt. Nếu anh giải ngân đầu tư công đạt kế hoạch thì thưởng thế nào và không đạt thì phạt thế nào. Chúng ta không thể cứ họp, xong rồi giao, làm không đạt cũng không có cách thức xử lý”, ông Nhân nói.
TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng, nhiệm vụ còn lại của năm rất nặng nề. Do đó, để đảm bảo mục tiêu đề ra, cần rà soát lại việc giải ngân đầu tư công, giao nhiệm vụ cụ thể, xác định rõ trách nhiệm; đồng thời cải cách mạnh mẽ thể chế và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp.
Với câu chuyện đầu tư công, TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, việc giải ngân hơn 700 nghìn tỉ đồng trong năm 2023 là điều không dễ dàng do vướng quy định về định giá, đầu tư, PPP...
“Nhiều cơ quan chức năng, doanh nghiệp e ngại, “thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Vì vậy, tôi không kỳ vọng quá nhiều về việc đầu tư công có thể tạo cú hích tăng trưởng hay lan toả sang các lĩnh vực khác, mặc dù Chính phủ rất quyết tâm”, ông Việt nói và kỳ vọng Chính phủ dồn lực thực hiện tốt gói hỗ trợ 350.000 tỉ đồng bằng cách rà soát những vấn đề không khả thi, xem xét hỗ trợ điều chỉnh lại. Đây mới được xem là nguồn lực hiệu quả, mấu chốt để hỗ trợ doanh nghiệp hồi phục.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương cũng cho rằng, vai trò của đầu tư công hết sức lớn. Thủ tướng Chính phủ vẫn tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quan tâm đến thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đây là giải pháp then chốt trong động lực về đầu tư và tăng trưởng.
Ngày 13.4 vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã làm việc với 13 địa phương về đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Trong đó, nội dung chính là xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tồn tại trong vấn đề giải ngân vốn đầu tư công để tìm ra giải pháp tháo gỡ.
Nhìn chung, các lãnh đạo các tỉnh, thành phố cho biết những khó khăn lớn nhất nằm ở khâu giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong các vấn đề như xác định nguồn gốc đất, giá trị đất, thỏa thuận với người dân và nhiều địa phương hiện chưa chủ động bố trí đất sạch để tái định cư. Ngoài ra, trình tự thủ tục chuyển đổi đất rừng, đất trồng lúa, đàm phán gia hạn hiệp định, thương thảo hợp đồng, đấu thầu và giải ngân vốn vay nước ngoài đối với các dự án ODA… yêu cầu nhiều bước khiến cho thời gian bị kéo dài.
Giải quyết những vướng mắc trên, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương thực hiện việc định giá và giao Sở Tài Nguyên và Môi trường sẽ là cơ quan tham mưu. Ông nhấn mạnh chính quyền địa phương để xảy ra chậm tiến độ định giá đất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đầu tư công.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu trước ngày 20.4, các tỉnh, thành phố phải thống kê báo cáo những dự án cần có sự kéo dài kế hoạch sử dụng vốn của năm 2022 để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4 này.
“Nếu thống kê, báo cáo chậm trách nhiệm thuộc về lãnh đạo địa phương,” Phó thủ tướng Chính phủ khẳng định.
Trước đó, Thủ tướng yêu cầu rà soát, phát hiện, xử lý nhanh, kịp thời, hiệu quả các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, chủ động xử lý theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp trên trực tiếp; trong đó, lựa chọn đúng các điểm nghẽn, nút thắt để tập trung giải quyết, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, mang lại hiệu quả, tác động rõ rệt.
Theo Thủ tướng, người đứng đầu bộ, cơ quan Trung ương và chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp phối hợp, làm việc với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực để giải quyết vướng mắc phát sinh.
“Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên…; có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công”, Thủ tướng chỉ đạo.