TP.HCM nêu giải pháp giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm
Thông tin Y học - Ngày đăng : 18:35, 17/04/2023
Khi chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020 kết thúc, đồng nghĩa với việc này là nguồn kinh phí của Bộ Y tế cấp cho các địa phương để thực hiện hoạt động giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cũng không còn. Do đó để duy trì hoạt động giám sát, các địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch dựa trên nguồn kinh phí của mình.
Trước tình hình trên, ngày 17.4, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM cho biết ban vừa có công văn đề nghị các quận huyện và TP.Thủ Đức chủ động xây dựng kế hoạch giám sát nguy cơ các sản phẩm không đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Các địa phương căn cứ kết quả giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm hằng năm để ưu tiên giám sát các sản phẩm có nguy cơ ô nhiễm cao.
Đối với những sản phẩm bị phát hiện nguy cơ gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP đề nghị các đơn vị khẩn trương xử lý theo quy định của pháp luật và gửi kết quả xét nghiệm đến cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương có cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm không đạt để xử lý theo quy định, báo cáo kết quả về Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP trước ngày 30.11. Các đơn vị tổng hợp báo cáo kết quả giám sát và kết quả xử lý các sản phẩm có mối nguy về Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.
Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP cũng đề nghị các đơn vị trong quá trình triển khai, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo ngay về ban để có hướng dẫn cụ thể.