Thuế tối thiểu toàn cầu: Điều chỉnh chính sách để thích nghi
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 11:28, 18/04/2023
Tác động đến thu hút FDI và số thu ngân sách
Năm 2021, Diễn đàn hợp tác toàn cầu về BEPS (IF) đã ban hành tuyên bố về “Khung giải pháp Hai trụ cột để giải quyết các thách thức phát sinh từ nền kinh tế kỹ thuật số”. Trong đó, trụ cột 2 quy định về thuế suất tối thiểu toàn cầu với 2 quy tắc chính là nội luật kết hợp (GloBE) và quyền đánh thuế của nước nguồn (STTR). Trong đó, quy tắc GloBE bao gồm 2 quy tắc: Thuế suất tối thiểu (IIR) và khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR)
Thuế tối thiểu toàn cầu là chính sách thuế quốc tế nên sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam với tư cách là một quốc gia thu hút và tiếp nhận đầu tư.
Bình luận về tác động của thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam, TS Nguyễn Như Quỳnh - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính cho rằng, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có thể suy giảm.
Ông Quỳnh cho hay, trong thời gian qua, Việt Nam đã điều chỉnh thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phổ thông từ mức 32%, xuống các mức 28%, 25%, 22% và hiện tại là 20%; đồng thời áp dụng nhiều chính sách ưu đãi thuế TNDN. Đối với các doanh nghiệp thuộc diện ưu đãi cả về thuế suất và thời gian thì mức thuế suất thực tế thấp hơn 15%. Nhờ đó, Việt Nam đã trở thành một nơi đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế.
Tuy nhiên, với thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu, các doanh nghiệp FDI thuộc đối tượng điều chỉnh sẽ phải nộp phần thuế bổ sung về quốc gia của công ty mẹ, gây ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn cũng như kế hoạch sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp này; đồng thời ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của môi trường đầu tư, từ đó tác động đến dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
TS Nguyễn Như Quỳnh cũng cho rằng, thuế tối thiếu toàn cầu cũng tác động đến số thu ngân sách nhà nước (NSNN).
“Thỏa thuận thuế tối thiểu toàn cầu tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến số thu thuế TNDN của Việt Nam đối với các các doanh nghiệp hoạt động đa quốc gia (MNE) có công ty con đang hoạt động tại Việt Nam theo quy định về thuế TNDN hiện hành, nhưng sẽ tác động đến dòng vốn FDI vào Việt Nam và gián tiếp ảnh hưởng nguồn thu NSNN từ thuế đối với các doanh nghiệp FDI trong tương lai. Theo ước tính, có khoảng hơn 1.000 doanh nghiệp FDI tại Việt Nam thuộc đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngoài ra, thuế tối thiểu toàn cầu được kỳ vọng là giải pháp làm giảm động cơ trốn, tránh thuế của các MNEs thông qua việc sử dụng cơ chế giá nội bộ để chuyển giá.
Theo đó, thất thu NSNN do các hành vi chuyển giá của các MNEs ở Việt Nam có khả năng được giảm thiểu. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp về cơ cấu, tổ chức và hoạt động của các MNEs, hành vi giao dịch giữa các công ty thành viên vẫn là thách thức lớn đối với cơ quan thuế.
“Thách thức này càng lớn hơn khi xuất hiện một số mô hình kinh doanh mới, lấn át hoặc thay thế mô hình kinh doanh truyền thống, đòi hỏi cơ quan thuế phải thay đổi phương thức quản lý, đồng thời tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin với cơ quan thuế trên thế giới”, ông Quỳnh nói.
Điều chỉnh chính sách để thích nghi
TS Nguyễn Như Quỳnh nhấn mạnh, Việt Nam cần điều chỉnh chính sách để thích ứng với bối cảnh mới. Việc điều chỉnh chính sách cần đảm bảo phù hợp với các quy tắc chung của thuế tối thiểu toàn cầu; tiếp tục tạo môi trường đầu tư hấp dẫn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài; hài hòa lợi ích của nhà đầu tư và quyền thu thuế của Việt Nam để đảm bảo nguồn thu NSNN.
Trên cơ sở đó, ông Quỳnh đề nghị bổ sung quy định về cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn.
Theo quy tắc GloBE, các MNEs có doanh thu hợp nhất 750 triệu EUR trở lên phải chịu mức thuế suất thực tế 15% tại nơi hoạt động. Theo đó, các quốc gia tiếp nhận vốn đầu tư - nơi tạo ra nguồn thu nhập được quyền ưu tiên thu thuế bằng cách áp dụng cơ chế QDMTT. Trong trường hợp thu nhập gộp của MNEs tại một quốc gia có mức thuế suất thực tế thấp hơn 15% thì quy tắc GloBE cho phép các quốc gia có công ty con được quyền thu thuế bổ sung đối với phần chênh lệch.
Vì vậy, theo ông Quỳnh, để đảm bảo quyền thu thuế của Việt Nam đối với các MNEs đang hoạt động đầu tư tại Việt Nam mà có mức thuế suất thực tế tối thiểu dưới 15%, Việt Nam cần có quy định về cơ chế thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn theo nguyên tắc GloBE đối với các MNEs là đối tượng của thuế tối thiểu toàn cầu.
Ngoài ra, TS Nguyễn Như Quỳnh cũng đề nghị rà soát, hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế nhằm tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
“Chính sách ưu đãi thuế tuy không phải là yếu tố quan trọng nhất nhưng cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp. Việc hoàn thiện chính sách ưu đãi thuế TNDN cần xác định mục tiêu rõ ràng là không chỉ nhằm phù hợp với việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu mà còn nhằm thiết kế lại các chính sách ưu đãi thuế một cách đồng bộ với các chính sách khác ngoài thuế nhằm khuyến khích, thu hút đầu tư”, ông Quỳnh nói và cho rằng cần rà soát các luật liên quan.
“Cùng với việc xem xét sửa đổi chính sách ưu đãi thuế hợp lý hơn thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư về các chính sách ngoài thuế (như miễn, giảm tiền thuê đất, cải cách thủ tục hành chính nhằm cắt giảm chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp…). Đồng thời, Việt Nam cần phát huy lợi thế về ổn định chính trị; kiên định, chủ động điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khóa, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở kinh doanh tiếp cận với nguồn vốn hợp lý cho sản xuất - kinh doanh”, ông Quỳnh nói.
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, Việt Nam cần chủ động thực hiện theo chương trình thuế tối thiểu toàn cầu. Theo đó, cần bổ sung quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (đạt chuẩn 15%) để ứng phó với thuế tối thiểu toàn cầu của các nước và áp dụng từ ngày 1.1.2024.
Ngoài ra, theo ông Minh, cần nghiên cứu bổ sung quy định về thuế tối thiểu toàn cầu (bao gồm quy định tổng hợp thu nhập (IIR) và quy định lợi nhuận chịu thuế dưới mức tối thiểu (UTPR)) để áp dụng đối với các doanh nghiệp Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài và các doanh nghiệp khác thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu để thu phần chênh lệch (nếu có).
Ông Minh cho rằng, để hạn chế tác động tiêu cực của thuế tối thiểu toàn cầu đối với thu hút đầu tư tại Việt Nam cần có các giải pháp hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp nhưng phải đảm bảo không vi phạm quy tắc về thuế tối thiểu toàn cầu, phù hợp với cam kết, thông lệ quốc tế, công khai minh bạch, giảm thiểu tác động xấu tới môi trường đầu tư.