Lý do Apple thờ ơ và có thể đứng ngoài cuộc chiến AI
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 23:15, 18/04/2023
Sự phấn khích toàn cầu xung quanh ChatGPT khiến nhiều hãng công nghệ vội vàng phát triển sản phẩm tương tự chatbot AI của OpenAI. Thế nhưng, Apple dường như đứng ngoài cuộc đua AI đang ngày càng khốc liệt.
Microsoft đã rót 10 tỉ USD vào OpenAI và xây dựng một hệ thống với hơn 10.000 chip Nvidia cho công ty khởi nghiệp này sử dụng trong việc phát triển các công nghệ làm nền tảng cho ChatGPT, cụ thể là GPT (Generative Pre-training Transformer).
Google của Alphabet hiện đặt ưu tiên hàng đầu là tạo sản phẩm cạnh tranh với ChatGPT và Bing phiên bản mới.
Tháng trước, Google đã phát hành chatbot AI riêng mang tên Bard, nhưng công nghệ này nhận được nhiều ý kiến khen chê trái chiều.
Google đang trong quá trình tạo ra một công cụ tìm kiếm hỗ trợ AI, cũng như cập nhật công nghệ trong nền tảng hiện có của mình. Động thái này diễn ra sau thông tin Samsung Electronics có thể biến Bing thành công cụ tìm kiếm mặc định trên các thiết bị của mình, theo The New York Times. Công cụ tìm kiếm mới sẽ cung cấp cho người dùng trải nghiệm được cá nhân hóa hơn nhiều so với dịch vụ hiện tại của Google, cố gắng dự đoán nhu cầu từ người dùng.
Amazon cũng nhảy vào cuộc cạnh đua AI với bộ phận đám mây của mình (AWS). Hôm 13.4, AWS đã phát hành gói công nghệ giúp các công ty khác phát triển chatbot và dịch vụ tạo hình ảnh của riêng họ dựa trên AI.
Microsoft và Alphabet đang thêm các chatbot AI vào các sản phẩm tiêu dùng như công cụ tìm kiếm của họ, nhưng cũng đang để mắt đến thị trường khổng lồ khác: Bán công nghệ cơ bản cho các công ty khác thông qua hoạt động đám mây.
Dịch vụ Bedrock của Amazon cho phép khách hàng AWS chạy thử các công nghệ đó mà không phải quan tâm, giải quyết vấn đề liên quan các máy chủ trung tâm dữ liệu cơ bản điều khiển chúng.
"Với người dùng, đó là sự phức tạp không cần thiết. AWS muốn giảm thiểu sự phức tạp khi khách hàng sử dụng các công nghệ bằng cách ẩn các chi tiết kỹ thuật phía sau", Vasi Philomin, Phó chủ tịch generative AI tại Amazon Web Services, nói với Reuters.
Những máy chủ cơ bản đó sẽ sử dụng kết hợp chip AI tùy chỉnh của Amazon cũng như chip từ Nvidia. Nvidia là nhà cung cấp chip lớn nhất cho công việc AI nhưng nguồn cung chip của họ đã bị khan hiếm trong năm nay.
Dave Brown, Phó chủ tịch Amazon Elastic Compute Cloud thuộc AWS, cho biết: “Chúng tôi có thể có hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn chip này khi cần. Điều đó làm giảm áp lực cung ứng với một số vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng mà tôi nghĩ mọi người đang lo lắng”.
Apple, Microsoft, Google và Amazon là 4 trong số những công ty giá trị nhất thế giới. Tuy nhiên, công ty giá trị nhất trong số đó dường như chưa có câu trả lời cho những gì sắp tới với AI.
Theo tờ Bloomberg, hội nghị thượng đỉnh AI nội bộ mà Apple tổ chức vào tháng 2 khi máy học và triển khai công nghệ khác trên các sản phẩm của công ty được thảo luận, nhưng không có gợi ý nào về generative AI.
Theo trang Insider, Apple từ lâu đã đưa AI vào các sản phẩm như camera của iPhone, tính năng SOS và trợ lý ảo Siri. Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook từng nói rằng AI “sẽ ảnh hưởng đến mọi sản phẩm và dịch vụ mà chúng tôi có”.
Hiện tại, ChatGPT được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của AI. Các nhà phân tích cho rằng Apple sắp hết thời gian để theo kịp các đối thủ. Nhà phân tích Dan Ives của công ty Wedbush Securities nói: “AI là cuộc chạy đua của Big Tech với khoản chi phí dự kiến lên tới 1.000 tỉ USD trong 10 năm tới. Những thông báo của Microsoft và Google sẽ đẩy nhanh việc Apple phát triển các chiến lược AI”.
Dan Ives cũng chỉ ra rằng Apple đã chi khoảng 10 tỉ USD cho nghiên cứu và phát triển AI. Ông hy vọng Apple sẽ đưa ra những thông báo quan trọng liên quan đến công nghệ này khi công bố sản phẩm mới vào mùa hè này.
Dù vậy, Apple hiếm khi được biết đến là hãng dẫn đầu về AI và có xu hướng đợi cho đến khi người tiêu dùng bắt đầu yêu cầu một số công nghệ nhất định.
Nhà phân tích Tom Forte của hãng DA Davidson cho rằng việc công bố trực tiếp một sản phẩm AI hào nhoáng không phải là phong cách của Apple. Thay vào đó, công ty sẽ tích hợp các ứng dụng AI vào nền tảng của các sản phẩm hiện có.
“Là một trong những công ty lớn nhất thế giới, Apple chắn chắn đang làm gì đó với AI nhưng sẽ không ồn ào như ChatGPT. Khi sử dụng AI, Apple sẽ làm nhiều hơn thế để nâng cao công nghệ của mình”, Tom Forte nhận định.
Các chuyên gia cho rằng Apple cần phải cải thiện nhiều về AI. Ví dụ, trợ lý giọng nói Siri của Apple thường bị coi là kém Alexa của Amazon hay Google Assistant. Trong khi tính năng nhắn tin khẩn cấp của Apple Watch thường cảnh báo sai.
Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề duy nhất mà Apple cần giải quyết. Kể từ năm 2021, Apple đã phải đối mặt với những vấn đề khá nghiêm trọng về chuỗi cung ứng khi phải trì hoãn việc giao iPhone 14 Pro. Apple cho biết việc đa dạng hóa các quy trình chuỗi cung ứng sẽ mất nhiều thập kỷ.
Mục tiêu của Apple là thuyết phục người dùng sử dụng thiết kế và hệ sinh thái trong sản phẩm. Thế nhưng, điều đó có thể không đủ để thuyết phục các nhà đầu tư.
“Là một nhà đầu tư, tôi tin rằng Apple đang sử dụng AI trong nhiều mục đích sử dụng khác nhau để nâng cao công nghệ hiện có của mình. Thế nhưng, AI cũng không phải là lý do duy nhất khiến người tiêu dùng mua các sản phẩm của Apple”, Tom Forte nói.
Để cạnh tranh trong cuộc đua AI mới này, các công ty cần có các cụm máy tính lớn mạnh mẽ được thiết kế riêng, có giá hàng trăm triệu USD. Các dịch vụ đám mây không phải là điểm mạnh nhất của Apple hiện tại, vì người đứng đầu bộ phận đó sẽ rời đi. Apple đang tập trung các nguồn lực vào tai nghe thực tế hỗn hợp dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 6.
Chắc chắn AI của Apple đã được cải thiện đều đặn và công nghệ này được đưa vào nhiều bộ phận hơn trên các thiết bị của công ty. Chẳng hạn, những cải tiến máy ảnh gần đây như kiểu chụp ảnh và khả năng tách đối tượng ra khỏi ảnh đều dựa vào AI. Ô tô tự lái là một dự án AI của Apple, trong khi tai nghe thực tế hỗn hợp sẽ tận dụng AI để xử lý trực tiếp môi trường xung quanh người đeo và tạo ra các hình đại diện thực tế.
Lý do lạc quan có thể là Apple không cần tham gia vào cuộc chiến AI. Bất cứ ai thắng, có lẽ họ sẽ chỉ cung cấp dịch vụ của mình dưới dạng ứng dụng trong cửa hàng Apple. Thế nhưng, điều gì sẽ xảy ra nếu AI phát huy hết tiềm năng, như dự đoán Lý Khai Phục (Cựu Chủ tịch Google Trung Quốc), và trở thành nền tảng hậu di động? Lý Khai Phục nhận thấy sự phát triển nhanh chóng với AI là thứ mà bạn xây dựng các sản phẩm và dịch vụ trên đó.
Apple nên nhìn vào lịch sử của chính mình. Trong những ngày đầu của iPhone, Apple đã đánh bại Nokia và BlackBerry không phải bằng cách chế tạo bàn phím vật lý tốt hơn mà loại bỏ hoàn toàn bàn phím này. Điều đó cũng đúng với những mối đe dọa đến đế chế kinh doanh của Apple ngày nay. Chúng sẽ không đến từ Xiaomi hoặc Samsung Electronics, hai hãng sản xuất các sản phẩm cạnh tranh với iPhone, mà là cách người dùng tương tác với công nghệ đang thay đổi nhanh, tập trung vào các dịch vụ AI dựa trên đám mây.
Giám đốc điều hành Sam Altman và công ty OpenAI của ông đạt được thành tựu đáng kể với ChatGPT vì khiến nhiều người dùng tò mò như chưa từng thấy, điều ít ai bên ngoài Apple làm được.
Điều gì có ý nghĩa với Apple trong dài hạn do công ty quyết định. Daniel Zhang, Giám đốc điều hành Alibaba, từng nói gần đây rằng tất cả hãng công nghệ đều "ở điểm khởi đầu giống nhau".