Bộ GD-ĐT vào cuộc vụ nữ sinh tự tử: Giải quyết bạo lực học đường từ gốc rễ
Giáo dục - Ngày đăng : 10:12, 19/04/2023
Bộ, ngành đều vào cuộc vụ nữ sinh tự tử ở Nghệ An
Ngay sau khi có thông tin một nữ sinh trường THPT chuyên ĐH Vinh tự tử do bạo lực học đường, dù đã nhiều lần lên trường xin chuyển lớp nhưng không được đáp ứng. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu sớm điều tra, làm rõ sự việc.
Bộ GD-ĐT đã trao đổi với trường THPT chuyên Đại học Vinh (thuộc trường Đại học Vinh) và Sở GD-ĐT Nghệ An. Bộ yêu cầu các đơn vị sớm điều tra, làm rõ sự việc liên quan vụ nữ sinh trường THPT chuyên Đại học Vinh tự tử nghi do bạo lực học đường.
Đồng thời, Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các đơn vị kịp thời quan tâm, động viên, ổn định tinh thần học tập của học sinh, tránh những diễn biến tiêu cực tâm lý ở các em.
Ngay sau đó, công an địa phương cũng đã đến làm việc với Trường THPT chuyên trực thuộc đơn vị liên quan đến sự việc nữ sinh N.T.Y.N (học sinh lớp 10A15) tự tử tại nhà riêng vào tối 15.4 hiện vẫn đang xôn xao trên mạng xã hội.
Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh cũng khẳng định nhà trường sẽ cho kiểm tra, rà soát có hay không tình trạng bạo lực học đường ngay trong trường chuyên, lớp chọn để chấn chỉnh. Đồng thời tiếp tục thăm hỏi, chia sẻ, động viên gia đình cháu N. "Việc mất con là một tổn thất cực kỳ lớn. Chúng tôi cũng sẽ chờ xem gia đình cháu N. có những yêu cầu gì thì trường sẽ phối hợp để triển khai. Đối với công tác chủ nhiệm, sinh hoạt, giảng dạy, quản lý người học, chúng tôi sẽ cho rà soát không riêng gì lớp nữ sinh N. mà toàn bộ trường", người đứng đầu Trường Đại học Vinh trả lời báo chí.
Trên thực tế, những sự việc bạo lực học đường quá đau lòng diễn ra, chính nhà trường cũng cần kiểm điểm về việc quản lý của chính mình. Đơn cử như việc nhà trường đã từng từ chối tới 2 lần việc đề nghị chuyển lớp của phụ huynh học sinh. Trước yêu cầu tha thiết của phụ huynh, tại sao nhà trường không tìm hiểu kỹ càng để hiểu bản chất của vụ việc và xử lý từ gốc? Nhà trường đã làm làm tốt công tác giáo dục tinh thần đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ giữa học sinh với nhau, học sinh với giao viên, tạo ra một môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh chưa? Nhà trường có giám sát cả giáo viên và học sinh về việc thực hiện các yêu cầu trên đây không? Nhà trường có theo dõi để nắm chắc những học sinh có biểu hiện xấu như bắt nạt, cô lập bạn học và áp dụng các biện pháp thích hợp để chấm dứt tình trạng đó không? Có tình trạng nể nang một số phụ huynh “có thế lực” mà bỏ qua các hành động vi phạm kỷ luật của con em họ hay không?
Cần một giải pháp căn cơ để giải quyết vấn đề bạo lực học đường
Bạo lực học đường là một vấn đề đã diễn ra từ lâu tới nay và cũng đã tốn không ít giấy mực của báo chí cùng hàng loạt các giải pháp - tuy nhiên tình trạng chỉ giảm thiểu chứ chưa thể chấm dứt. Những vụ việc bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở nhiều cấp học, nhiều địa phương trên cả nước thời gian gần đây đã tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn vốn nhức nhối nhiều năm nay. Theo chuyên gia giáo dục, công tác phòng chống bạo lực học đường đã trở thành nhiệm vụ cấp bách và vô cùng cần thiết.
Có rất nhiều lý do để dẫn đến tình trạng bạo lực học đường, ví dụ chỉ là "nhìn khó chịu", học giỏi hơn các bạn, gây chú ý một chút.... cũng rất dễ khiến các học sinh "đụng tay, đụng chân" với nhau.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam, chuyên gia tâm lý học, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết có nhiều người cho rằng hiện tượng học sinh xích mích, va chạm, đe doạ lẫn nhau là “chuyện trẻ con”, các em có thể tự giải quyết, người lớn không cần quan tâm. Do đó, nhiều xích mích, va chạm nhỏ của các em không được giải quyết, tích luỹ lại thành mâu thuẫn, xung đột lớn và trẻ giải quyết với nhau bằng bạo lực.
Bên cạnh đấy, cũng cần phải có chương trình giáo dục hành vi làm cha mẹ không bạo lực ở gia đình, đó là nền tảng rất quan trọng góp phần phòng chống bạo lực học đường. Để cha mẹ có thể thấu hiểu và chia sẻ với con cái nhiều hơn trong hàng loạt áp lực mà trẻ em đang gặp phải.
Bên cạnh đó, thông tin về vụ bạo lực học đường và quá trình xử lý cần được lưu lại để phục vụ cho việc theo dõi, giám sát, quản lý hoạt động đã triển khai, nhưng chưa có nhân sự cụ thể chịu trách nhiệm. “Để tránh những thông tin sai lệch, biến thể gây hoang mang dư luận, cần có bộ phận quản lý và công bố thông tin rõ ràng và có bằng chứng. Hay về vấn đề tài chính, ví dụ như làm việc với bảo hiểm để chi trả viện phí cấp cứu cho nạn nhân khi bị thương, hay người làm việc với các bên liên quan về quy trình bồi thường/ yêu cầu bồi thường,… Đó là các vấn đề cần được xem xét bổ sung vào kế hoạch” - ông Nam cho hay.
Ông Trần Văn Đạt, Quyền Vụ trưởng vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) cho biết ngành giáo dục có khoảng trên 25 triệu người học, với số lượng người học là trẻ em chiếm khoảng trên 23 triệu người, tương đương 1/4 dân số cả nước. Bộ GD-ĐT luôn ý thức và thực hiện công tác bảo vệ, giáo dục và chăm sóc trẻ em là nhiệm vụ chính trị, cốt lõi. Để phòng ngừa và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường, cần sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Bộ đã và đang thực hiện các giải pháp như tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Chỉ đạo lồng ghép tích hợp các nội dung về giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng sống vào các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tổ chức tuyên truyền giáo dục pháp luật, bảo đảm an ninh, an toàn trường học, phòng, chống bạo lực học đường.
Hiện nay, bạo lực học đường đang diễn ra rất phức tạp dưới ảnh hưởng của mạng xã hội. Và chúng ta nên nhìn nhận trách nhiệm phòng, chống bạo lực học đường trước hết là của nhà trường, của ngành giáo dục. Có rất nhiều chương trình giáo dục cần triển khai, nhằm hạn chế tình trạng bạo lực học đường.Đặc biệt cần tăng kỹ năng và giá trị sống cho các em học sinh, kể cả với các giáo viên cũng tăng cường nhận thức về những biểu hiện tổn thương sức khỏe tinh thần của học sinh.