'Nhật thực lai' hiếm gặp xuất hiện tại Việt Nam vào ngày 20.4
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:50, 19/04/2023
"Nhật thực lai" xảy ra khi các khu vực nằm ở dải trung tâm đường đi của nhật thực nhìn thấy hai "khuôn mặt" khác nhau của Mặt trời hóa đen - nhật thực toàn phần hay nhật thực hình khuyên.
Điều này xảy ra do độ cong của Trái đất khiến người dân ở các vĩ độ khác nhau quan sát Mặt trăng với độ lớn khác nhau, khiến nó che phủ Mặt trời hoàn toàn hoặc còn chừa lại một dải sáng mỏng xung quanh.
Đây là hiện tượng cực kỳ hiếm với chỉ 3,1% số lần nhật thực trong thế kỷ 21, thông tin từ Viện Nghiên cứu Khoa học và Giáo dục Liên ngành (IFIRSE).
Nhật thực lần này sẽ bắt đầu ở phía Nam biển Ấn Độ Dương, quét qua châu Úc, Đông Nam Á và kết thúc ở Thái Bình Dương. Khi nhật thực lai xảy ra, một số vùng trên Trái đất sẽ quan sát được pha toàn phần, một số vùng khác sẽ quan sát được pha hình khuyên (một số nơi khác nữa chỉ thấy được pha một phần).
Pha toàn phần của nhật thực lần này sẽ được nhìn thấy ở bán đảo North West Cape Cape và đảo Barrow ở Tây Australia, khu vực phía đông của Đông Timor, đảo Damar và một phần của tỉnh Papua ở Indonesia. Địa điểm quan sát thuận lợi nhất là ở thị trấn Com (Lautém) ở bờ biển phía đông của Đông Timor.
Việt Nam nằm trong vùng quan sát nhật thực, nhưng sẽ nằm trong dải xa nhất nên chỉ quan sát được nhật thực bán phần với độ che phủ nhỏ. Vùng nhìn thấy được là các tỉnh phía Nam, từ Quảng Trị trở vào Nam. Thuận lợi nhất là các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Nhưng ngay cả ở đây thì độ che khuất cũng chỉ là 8% (tức Mặt trời chỉ bị che mất 8%). Con số này ở TP.HCM là 5%.