Những lưu ý khi dọn dẹp bàn thờ để không phạm tâm linh
Kiến thức - Học thuật - Ngày đăng : 17:11, 16/01/2017
>>Dọn dẹp nhà cửa đón Tết, hãy cẩn trọng khi dọn bàn thờ
>>Bài 2: Loài hoa nào kiêng kỵ chưng trên bàn thờ trong dịp Tết
>>Bài 1: 9 loại hoa đẹp, mang lại may mắn nên chưng trong dịp Tết
Dọn dẹp bàn thờ đón Tết, làm sao để dọn đúng cách, đúng phong thủy và không phạm tâm linh, bạn hãy tham khảo bài viết dưới đây:
1.Trước khi dọn dẹp, hãy thắp nhang xin phép
Trước hết, trước khi dọn dẹp bàn thờ, các gia đình cần theo lễ phép thắp nhang xin ông bà, tổ tiên được phép di dời và lau rửa sạch sẽ.
Thông thường, người xưa thường phải tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị đĩa hoa quả đặt lên, sau đó thắp một nén hương thông báo cho tổ tiên và thần linh biết ngày hôm nay sẽ thu dọn ban thờ, mời tổ tiên và thần linh tạm lánh sang một bên để con cháu thực hiện công việc. Sau đó gia chủ chuẩn bị một chiếc bàn bên trên trải vải hoặc giấy đỏ để đặt bài vị, nếu bàn thờ có đặt chung bài vị gia tiên với các thần thì phải để ra hai chỗ khác nhau, không được lẫn lộn. Sau đó đợi nhang tàn thì bắt đầu công việc dọn dẹp.
2. Không tự ý di chuyển tượng, di ảnh trên bàn thờ
Bàn thờ là nơi linh thiêng nên khi dọn dẹp, không được tùy ý động chạm hay di chuyển. Người xưa quan niệm rằng nếu xê dịch sẽ làm kinh động đến chỗ của thần, thần không được an vị thì không muốn ở lại lâu, không chăm sóc cho nhà mình được, chính vì lẽ đó, bạn nên hạn chế việc di chuyển các tượng hay di ảnh trên bàn thờ.
3. Dùng nước ấm hoặc rượu trắng, khăn sạch. Lau theo thứ tự bài vị của Thần Phật rồi đến tổ tiên, ông bà…
Khi lau rửa bài vị của tổ tiên thì không nên dùng nước lạnh mà dùng nước ấm, khăn sạch. Một điều lưu ý là khi dọn dẹp bàn thờ, nếu có bài vị của thần Phật thì phải lau trước, sau đó thay nước và lau bài vị của tổ tiên, tuyệt đối không lau bài vị của tổ tiên trước. Người xưa quan niệm như vậy là bất kính, mạo phạm với thần phật.
4. Lưu ý phần dọn dẹp bát nhang
Sau khi lau bài vị xong mới đến phần dọn bát hương, công việc này cũng rất quan trọng, ngày nay đa phần mọi người đều rút chân hương rồi cầm bát hương đổ hết tro ra ngoài, sau đó rửa sạch bát nhang, để khô ráo.
Còn về chân nhang sau khi rút ra, một số gia đình sẽ để lại 3 chân nhang, còn thì đem đốt những chân nhang còn lại thành tro, đem rải ở sông hoặc đất sạch. Một điều lưu ý là khi thêm tro hoặc cát sạch cho bát hương cần đổ đầy và ém thật chặt, để khi thắp nhang, sẽ giữ chân nhang được thẳng thớm, cứng cáp. Bát hương bàn thờ mà cắm vào nhiều nhang xiêu vẹo là điều không nên.
Sau đó, sắp xếp lại như vị trí cũ.
Sau khi đặt xong thì thắp 12 que hương cắm theo thứ tự hướng thời gian:
- Que thứ nhất cắm ở vị trí 1g, khi cắm thì đọc “niên niên thị hảo niên”, tức mỗi năm đều là năm tốt
- Que thứ hai cắm ở vị trí 2g, khi cắm đọc “nguyệt nguyệt thị hảo nguyệt”, tức mỗi tháng đều là tháng tốt
- Cây thứ ba cắm ở vị trí 3g, khi cắm đọc “nhật nhật thị hảo nhật”, tức mỗi ngày đều là ngày tốt
- Cây thứ tư cắm ở vị trí 4g, khi cắm đọc “thời thời vị hảo thời”, tức mỗi giờ đều là giờ tốt
Cứ tuần tự như vậy cho đến thời điểm vị trí 12g.
Ngoài ra, có một số gia đinh trưng tượng 3 ông Phúc Lộc Thọ thì nhớ phải để ba vị cách mặt đất tối thiểu 6 đến 8 tấc, không được để thấp hơn sẽ là bất kính. Riêng với bàn thờ thổ địa, thổ công cũng phải lau dọn sạch sẽ, thay chum nước.
Minh An (Tổng hợp)