Nắng nóng 'chưa từng có trong lịch sử' thiêu đốt phần lớn châu Á
Quốc tế - Ngày đăng : 12:21, 21/04/2023
Các nhà khí tượng học cho biết, nhiệt độ đã lên tới 45 độ C ở Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar; 42 - 43 độ C ở Bangladesh, Lào, Nepal và Trung Quốc. Đây là nhiệt độ mà hầu hết các quốc gia này chưa từng trải qua trong nhiều thập kỷ.
Nhà khí hậu học kiêm nhà sử học thời tiết Maximiliano Herrera cho biết, khu vực này đang trải qua "đợt nắng nóng tháng 4 tồi tệ nhất trong lịch sử".
Các nhà khí hậu học và nhà khoa học nhận định, đây mới chỉ là khởi đầu của một đợt khô hạn kéo dài và có thể sẽ trở nên trầm trọng hơn do hiện tượng thời tiết El Nino được dự báo sẽ tấn công vào cuối năm 2023. Họ cảnh báo, châu Á sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho những ngày nắng nóng kỷ lục trong thời gian sắp tới.
Ít nhất, 13 người chết vì say nắng ở bang Maharashtra phía tây Ấn Độ trong một sự kiện diễn ra vào Chủ nhật tuần trước thu hút hơn một triệu người tham gia. Ở Ahmedabad, thành phố đông dân nhất ở bang Gujarat, không khí nóng đến mức đã làm cho nhựa đường tan chảy.
Ít nhất hai bang khác ở Ấn Độ là Tripura và Tây Bengal đã ra lệnh đóng cửa các trường học trong tuần này khi nhiệt độ tăng trên 40 độ C.
Tại Trung Quốc, hàng trăm trạm thời tiết đã ghi nhận nhiệt độ tháng 4 nóng nhất trong lịch sử. Chuyên gia khí hậu Jim Yang cho hay, 109 trạm thời tiết trên 12 tỉnh đã phá kỷ lục về nhiệt độ cao trong tháng 4 vào ngày 17.4.
Một số địa phương như Thành Đô, Chiết Giang, Nam Kinh, Hàng Châu và một số khu vực khác ở đồng bằng châu thổ sông Trường Giang ghi nhận đợt nắng nóng kỷ lục.
Nắng nóng bất thường cũng xảy ra ở Đông Nam Á những ngày gần đây, trong đó có Lào. Nhiệt độ ở thành phố Luang Prabang (Lào) lên tới gần 43 độ C, cao chưa từng có trong lịch sử của địa phương này. Nhiệt độ ở thủ đô Viêng Chăn cũng vượt 41 độ C hôm 15.4.
Tại Philippines, nơi nhiệt độ lên tới 37 độ C, gần 150 học sinh cấp hai ở một tỉnh phía nam thủ đô Manila bị say nắng sau khi trường học bị mất điện. Các lớp học ở đây vô cùng chật chội với khoảng 60 học sinh mỗi lớp và chỉ có một quạt điện để làm mát.
Các nhà khoa học cho rằng thời tiết ngày càng nắng nóng khắc nghiệt hơn là do biến đổi khí hậu. Nhà khí tượng học Jason Nicholls cho biết điều này đang khiến các đợt nắng nóng kéo dài hơn và ở cường độ cao hơn.
Tiến sĩ Fahad Saeed, cho biết: "Nắng nóng kỷ lục năm nay ở Thái Lan, Trung Quốc và Nam Á là một xu hướng khí hậu rõ ràng và sẽ gây ra những thách thức về sức khỏe cộng đồng trong nhiều năm tới".
Ông Carlo Buontempo, Giám đốc Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), nói với Reuters: "El Nino thường liên quan đến nhiệt độ phá kỷ lục ở cấp độ toàn cầu. Vẫn chưa biết liệu điều này sẽ xảy ra vào năm 2023 hay 2024 hay không".
Năm nóng nhất thế giới được ghi nhận cho đến nay là năm 2016, trùng với hiện tượng El Nino mạnh.
Giáo sư Friederike Otto, thuộc Viện Grantham của Đại học Hoàng gia London (Anh), cho biết: "Nếu El Nino phát triển, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016".