Hàn Quốc sẽ mở rộng sự thống trị về chip nhớ toàn cầu khi Mỹ kìm kẹp Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 16:05, 21/04/2023
Theo TrendForce, thị phần của Hàn Quốc trong sản lượng chip DRAM trên toàn thế giới có thể sẽ tăng lên 64% vào 2023 sau khi đi ngang vài năm. TrendForce dự báo thị phần của Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 14% vào 2023 khi đà tăng kéo dài nhiều năm đảo ngược.
Dữ liệu TrendForce dựa trên kế hoạch của từng nhà sản xuất chip.
Samsung Electronics, SK Hynix và Micron Technology thống trị thị trường bộ nhớ toàn cầu, dù trong những năm gần đây các công ty Trung Quốc như YMTC (nhà sản xuất chip nhớ số 1 Trung Quốc) và Changxin Memory Technologies Inc đã mở rộng sản xuất với tốc độ rất nhanh.
DRAM (bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) là viên ngọc quý của thị trường lưu trữ kỹ thuật số, với tầm quan trọng ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu được thúc đẩy bởi công nghệ sử dụng nhiều dữ liệu như trí tuệ nhân tạo (AI) và ô tô tự lái.
Thị phần DRAM của Trung Quốc đã tăng lên trong những năm gần đây. Song vào tháng 10.2022, Mỹ đã công bố các biện pháp kiểm soát xuất khẩu trên diện rộng khiến các nhà sản xuất chất bán dẫn ở Trung Quốc, bao gồm cả nhà máy do SK Hynix vận hành ở thành phố Vô Tích, gặp khó khăn hơn trong việc mua thiết bị và mở rộng sản xuất.
Là hãng chip nhớ lớn thứ hai Hàn Quốc sau Samsung Electronics, SK Hynix sản xuất khoảng một nửa số chip DRAM tại Trung Quốc. Theo các nhà phân tích Masahiro Wakasugi và Ian Ma của Bloomberg Intelligence, tỷ lệ đó có thể giảm xuống khoảng 40% vào năm 2030 do các hạn chế của Mỹ gây trở ngại cho việc mở rộng công suất.
Bloomberg Intelligence là đơn vị nghiên cứu và phân tích thị trường tài chính, kinh doanh và các lĩnh vực liên quan do hãng tin Bloomberg thành lập.
Sản xuất chip NAND flash (loại bộ nhớ quan trọng khác) của Hàn Quốc cũng sẵn sàng tăng tốc, nhưng có thể mất thêm một năm nữa mới đạt được. Theo TrendForce, thị phần sản lượng chip NAND flash của Hàn Quốc trên toàn cầu có thể giảm xuống 33% trong năm 2023 trước khi tăng lên 43% vào 2025. Thị phần sản lượng chip NAND flash của Trung Quốc tăng mạnh vào năm 2022, nhưng dự kiến sẽ đạt đỉnh ở mức 31% vào 2023 và giảm sau đó, TrendForce dự báo.
Sự hiện diện ngày càng giảm của Trung Quốc trong thị trường chip nhớ chiến lược và đầy béo bở là bằng chứng rõ ràng cho thấy áp lực từ Mỹ đang gây thiệt hại cho cường quốc châu Á. Cụ thể hơn, Mỹ đang làm chậm bước tiến của Trung Quốc trong các công nghệ quan trọng mang đến khả năng cạnh tranh tầm quốc gia.
Dù Trung Quốc đang đổ tiền vào lĩnh vực này nhưng có thể phải mất 5 đến 10 năm nữa mới sản xuất được DRAM tiên tiến bằng thiết bị của riêng mình, Bloomberg Intelligence ước tính.
Ngoài ra, việc Hà Lan và Nhật Bản tham gia thỏa thuận cùng Mỹ hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc có thể mang lại lợi ích cho Hàn Quốc.
Lý do vì Hàn Quốc có thể thu hút các nhà sản xuất thiết bị bán dẫn đầu tư vào nước này như một trung tâm sản xuất và phân phối thay thế.
Vào tháng 1, chính quyền Biden đã nhận được sự hỗ trợ từ Nhật Bản và Hà Lan để thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip tiên tiến sang Trung Quốc. Đây là động thái được cho sẽ khiến các nhà cung cấp Hà Lan và Nhật Bản ngày càng khó bán hàng cho Trung Quốc.
Theo Kim Dae-jong, giáo sư kinh doanh tại Đại học Sejong ở Seoul (thủ đô Hàn Quốc), khi các công ty tìm kiếm thị trường thay thế, Hàn Quốc - hiện là mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị bán dẫn toàn cầu - sẽ được hưởng lợi.
“Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ sẽ lại nới rộng khoảng cách công nghệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc trong lĩnh vực bán dẫn vốn đang ngày càng thu hẹp. Hàn Quốc cũng có thể nhận được nhiều đầu tư nước ngoài và tăng trưởng hơn nhờ các biện pháp kiểm soát Trung Quốc của Mỹ”, Kim Dae-jong nói.
Khi Mỹ mời Hàn Quốc tham gia Liên minh Fab 4 (hay Chip 4), sáng kiến có cả Nhật Bản và Đài Loan, nhằm hạn chế vai trò của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng chip, Trung Quốc đã nhiều lần kêu gọi Hàn Quốc không đứng về phía Mỹ.
Fab là một cụm từ viết tắt trong ngành để chỉ nhà máy sản xuất chip. Chip được sử dụng trong mọi thứ từ tủ lạnh, smartphone đến máy bay chiến đấu.
Đã có những dấu hiệu cho thấy các công ty chip trên thế giới đang tìm cách thiết lập mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ hơn với Hàn Quốc.
Trong chuyến thăm Hà Lan vào ngày 17.2, Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin đã gặp Peter Wennink, Giám đốc điều hành ASML, để thảo luận về các hợp tác tiềm năng.
ASML là công ty cung cấp thiết bị sản xuất chip hàng đầu thế giới, có trụ sở ở Hà Lan, độc quyền về các máy in thạch bản cực tím cao cấp cần thiết để sản xuất chip ở quy trình 5 nanomet.
Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Peter Wennink cho biết ASML muốn “mở rộng đầu tư” vào Hàn Quốc và hy vọng rằng quốc gia này có thể trở thành một trung tâm Đông Bắc Á cho ngành công nghiệp bán dẫn. Trong khi đó, Park Jin cho biết Hàn Quốc đang "tăng cường khuyến khích" để thu hút đầu tư.
Một tuần sau cuộc gặp, chính phủ Hàn Quốc đã công bố Chiến lược tăng trưởng mới 4.0, tập trung phát triển ba ngành công nghiệp tại nước này là chất bán dẫn, pin và màn hình.
Vào tháng 11.2022, ASML đã bắt đầu xây dựng các cơ sở mới ở ngoại ô Hwaseong, thủ đô Seoul. Đây là dự án trị giá 240 tỉ won (180 triệu USD) dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Nằm cách nhà máy sản xuất chip của Samsung Electronics ở thành phố Pyeongtaek khoảng 16km, dự án rộng 1,6 ha này sẽ bao gồm một trung tâm sửa chữa địa phương, trung tâm phát triển linh kiện và trung tâm đào tạo nhân viên.
Theo Kang Jun-young, giáo sư nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Ngoại ngữ Hankuk, Hàn Quốc và Hà Lan có thể đạt được “sức mạnh tổng hợp” trong lĩnh vực bán dẫn của họ bằng cách kết hợp bí quyết công nghệ của ASML với các công ty Hàn Quốc.
“Khi Hà Lan quyết định tham gia cùng Mỹ kiểm soát chip với Trung Quốc, đầu tư của họ vào Hàn Quốc cũng sẽ tự nhiên tăng lên”, Kang Jun-young nói.
Các cường quốc sản xuất chip khác cũng đang đổ tiền vào Hàn Quốc. Công ty Tokyo Electron (Nhật Bản) cho biết sẽ chi 110 tỉ won trong năm 2023 để mở rộng trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng như các cơ sở phòng sạch ở thành phố Hwaseong (Hàn Quốc).
Applied Materials (có trụ sở tại bang California, Mỹ) gần đây đã công bố kế hoạch xây dựng một trung tâm nghiên cứu thiết bị chip nhớ tại Hàn Quốc để phục vụ tốt hơn cho Samsung Electronics và SK Hynix.
Park Ki-soon, cố vấn cấp cao của công ty luật Dentons Lee có chuyên môn về kinh tế Trung Quốc, nhận định Hàn Quốc sẽ vẫn là một trong những đối tác xuất khẩu lớn nhất của ASML, bởi bất kỳ thiết bị tiên tiến nào họ mua trong tương lai sẽ chủ yếu được sử dụng trong nước thay vì được chuyển đến nhà máy tại Trung Quốc.
Sau khi Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu với công nghệ sản xuất và thiết kế chip tiên tiến sang Trung Quốc vào tháng 10.2022, các công ty chip Hàn Quốc đã phải xin gia hạn một năm để tiếp tục nhập khẩu thiết bị cần thiết cho các cơ sở hiện có của họ ở Trung Quốc. Chưa rõ liệu các công ty có thể nộp đơn xin gia hạn thêm hay không.
Trong tương lai, bất kỳ sự hợp tác nào giữa các hãng sản xuất chip Hàn Quốc và các nhà cung cấp máy móc nước ngoài đều có khả năng mang lại đầu tư trực tiếp vào Hàn Quốc thay vì Trung Quốc, theo Giáo sư Kim Dae-jong.
“Tôi nghĩ việc kiểm soát chip của Mỹ sẽ có lợi hơn cho Hàn Quốc. Đầu tư của ASML đặc biệt sẽ có lợi cho ngành công nghiệp chip Hàn Quốc”, ông nói.